Khai thác hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn

2023.06.12 - 825 lượt xem

Tại ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng có hàng trăm công trình nước sạch nông thôn, với tổng số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đang hoạt động kém hiệu quả hoặc bỏ hoang gây nguy cơ lãng phí.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng kể trên. Trong đó, có nguyên nhân khá phổ biến là do những bất cập trong công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình.

Nhiều công trình bị bỏ hoang

Công trình nước sạch nông thôn xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được đầu tư hơn bảy tỷ đồng, với mục tiêu cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao, đưa vào sử dụng được một thời gian thì đường ống dẫn nước về hệ thống cung cấp nước sạch bị hư hỏng, không được sửa chữa kịp thời.

Mặt khác, các hộ dân chưa quen với việc phải đóng tiền nước để trả phụ cấp cho tổ quản lý, vận hành, trả tiền điện vận hành công trình và chi phí bảo dưỡng. Từ đó, nhiều hộ dân chưa phối hợp, không đóng tiền sử dụng nước, cho nên số tiền nước thu được không đủ chi phí quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Đến nay, công trình nước sạch đầu tư hơn bảy tỷ đồng bị bỏ hoang, ngày càng xuống cấp.

Trong khi người dân địa phương thì đầu tư giếng khoan lấy nước phục vụ sinh hoạt. Tỉnh Bắc Kạn đã tính toán phương án huy động nguồn vốn khắc phục, sửa chữa công trình, nhưng lại e ngại tình trạng người dân không phối hợp, không muốn đóng tiền sử dụng nước, cho nên đến nay, công trình vẫn "chưa hẹn ngày" hoạt động trở lại.

Tại tỉnh Cao Bằng, công trình cải tạo nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân xóm Đà Vỹ, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa cho thấy những hạn chế, yếu kém trong bảo vệ và vận hành. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 845 triệu đồng, khởi công từ năm 2019, hoàn thành vào tháng 11/2021.

Ông Vũ Chí Hiếu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Tây Cao Bằng, đơn vị thi công công trình phản ánh, sau khi công trình đi vào hoạt động, quá trình thi công công trình bê-tông hóa đường giao thông trong xóm, sau đó là dự án kiên cố hóa kênh mương trong xóm, đã làm rò rỉ đường ống dẫn nước của công trình.

"Sau khi công trình đi vào hoạt động, quá trình thi công công trình bê-tông hóa đường giao thông trong xóm, sau đó là dự án kiên cố hóa kênh mương trong xóm, đã làm rò rỉ đường ống dẫn nước của công trình"

Ông Vũ Chí Hiếu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Tây Cao Bằng

Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ công trình của một số người dân hạn chế, cho nên một số vòi nước và đồng hồ nước được lắp đặt đã thất thoát. Đơn vị phải tiến hành sửa chữa, khắc phục. Đến nay, lần khắc phục thứ hai vẫn chưa xong do công trình tận dụng một phần hệ thống đường ống nước tự chảy đầu tư từ năm 2005, xuất hiện thêm nhiều điểm rò rỉ nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, tại tỉnh Bắc Kạn hiện có 400 công trình nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, chiếm 57% tổng số công trình đã được đầu tư. Tại tỉnh Cao Bằng, có 359 công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động, bằng gần 27% tổng số công trình.

Trong đó, có những công trình vốn đầu tư khá lớn, nhưng hiện không hoạt động như công trình nước sạch Bình Long, tổng vốn đầu tư 11,4 tỷ đồng, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 700 gia đình ở xã Hồng Việt và thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Tại tỉnh Thái Nguyên, trong tổng số 229 công trình nước sạch nông thôn đã được đầu tư, xây dựng cũng có nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả và đang "đắp chiếu", không hoạt động.

Bất cập trong quản lý và vận hành

Nhiều công trình nước sạch nông thôn tại ba tỉnh hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có hai nguyên nhân chủ quan đáng chú ý là thi công công trình sau không bảo vệ công trình trước. Công trình nước sạch đã hoàn thành, nhưng lại bị quá trình thi công các công trình sau tác động, gây tổn hại đường ống dẫn nước công trình nước sạch. Và những hạn chế, yếu kém trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình khiến công trình rơi vào tình trạng dừng hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Phân tích từ góc độ quản lý công trình, tại ba địa phương đang áp dụng mô hình quản lý khá đa dạng. Có công trình giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường địa phương, có công trình bàn giao cho hợp tác xã, công ty quản lý vận hành. Nhưng phổ biến nhất là sau khi đầu tư, chủ đầu tư bàn giao công trình cho Ủy ban nhân dân xã.

Ủy ban nhân dân xã thành lập tổ quản lý, vận hành ở các xóm thụ hưởng nguồn nước sạch từ công trình. Nếu tổ quản lý, vận hành hoạt động hiệu quả, công trình nước sạch sẽ hoạt động hiệu quả, bền vững, còn ngược lại thì công trình có nguy cơ ngừng hoạt động.

Thực tế tại tỉnh Thái Nguyên cho thấy, mô hình giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn và các hợp tác xã, công ty trên địa bàn quản lý, vận hành công trình nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả tốt. Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên Nguyễn Văn Trường chia sẻ, Trung tâm được tỉnh giao quản lý, vận hành 25 công trình nước sạch nông thôn.

Nhờ được quản lý, vận hành chuyên nghiệp, thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng và việc thu tiền sử dụng nước đi vào nền nếp, đến nay các công trình đang cấp nước sạch ổn định cho hơn 20 nghìn hộ dân khu vực nông thôn, chiếm khoảng 10% số hộ dân. Trong đó, có những công trình hoạt động 10 năm vẫn vận hành hiệu quả.

Để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư các công trình nước sạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn xây dựng phương án quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch theo hướng tất cả các công trình đều phải thu tiền sử dụng nước để người dân có ý thức, trách nhiệm và chung tay đóng góp quản lý, bảo dưỡng, vận hành công trình.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải hoàn thành xây dựng phương án quản lý, vận hành các công trình báo cáo tỉnh trước ngày 10/6. Phương án quản lý, vận hành các công trình cần tính toán giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý, vận hành công trình. Trong đó, điều kiện tiên quyết là cần tính toán được mức thu tiền sử dụng nước hợp lý, để tạo nguồn kinh phí chi cho vận hành, bảo dưỡng công trình và phụ cấp cho tổ quản lý, vận hành.

Từ bất cập và hạn chế trong quản lý, vận hành công trình nước sạch nông thôn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Cao Bằng Hoàng Đình Đà kiến nghị, Sở Tài chính tỉnh nghiên cứu và áp dụng nội dung Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4/6/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

"Sở Tài chính tỉnh nghiên cứu và áp dụng nội dung Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4/6/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung"

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Cao Bằng Hoàng Đình Đà

Từ đó, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thí điểm giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng quản lý, vận hành một số công trình nước sạch nông thôn, và đánh giá hiệu quả đạt được.

Thực trạng bất cập trong quản lý, vận hành dẫn đến nhiều công trình nước sạch nông thôn hoạt động kém hiệu quả, bỏ hoang, lãng phí nguồn vốn đầu tư đang đòi hỏi chính quyền các địa phương thực hiện giải pháp khắc phục bất cập và hạn chế, giúp các công trình nước sạch nông thôn hoạt động hiệu quả và bền vững, tránh lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước.

Nguồn: nhandan.vn