Thừa Thiên Huế: Ứng phó hạn, mặn cho nông nghiệp

2023.06.12 - 847 lượt xem

Ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực để phòng, chống hạn, mặn cho vụ hè thu và nuôi trồng thủy sản.

Nguy cơ thiếu nước

Nắng hạn kéo dài trong thời gian qua và dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường khiến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ hè thu, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ thiếu. Hiện tại, mực nước tại các hồ chứa đang xuống và cảnh báo có nguy cơ xuống thấp, không đảm bảo nước tưới khi hạn hán gay gắt, kéo dài. Các hồ thủy điện vừa sản xuất điện, vừa điều tiết nguồn nước về hạ du phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản nên có nguy cơ thiếu hụt vào cuối vụ.

Những ngày này, lực lượng cán bộ kỹ sư, công nhân tại các công trình thủy lợi, đập ngăn mặn Thảo Long, Cửa Lác… phân công túc trực thường xuyên, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục, nạo vét dòng chảy nhằm đảm bảo vận hành ứng phó hạn, mặn cho vụ hè thu và nuôi trồng thủy sản. Ông Văn Trí, Trạm trưởng Trạm ngăn mặn, giữ ngọt Cửa Lác khẳng định, lực lượng đang bám công trình thường xuyên, kiểm tra, sửa chữa các hạng mục đảm bảo vận hành hành tốt theo chức năng, nhiệm vụ đề ra, tuyệt đối không để xâm nhập mặn tại các vùng sản xuất lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chia sẻ, với nắng hạn kéo dài, gay gắt như hiện nay, các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ cạn kiệt, không đảm bảo phục vụ tưới, nhất là vào thời điểm cuối vụ. Công ty chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý. Các trạm thủy lợi tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, vận hành các công trình thủy lợi, ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn. Trong đó, lưu ý tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành, chủ công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ hè thu này phù hợp với thực trạng nguồn nước hiện có. Các địa phương, ngành nông nghiệp rà soát, đánh giá nguy cơ tại các địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để xây dựng phương án ứng phó chi tiết đến từng vùng, khu vực.

Công nhân thủy lợi lắp đặt ống dẫn nước chống hạn cho lúa

Không sản xuất bằng mọi giá

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn bất thường như năm nay, phương châm của ngành nông nghiệp không gieo cấy, sản xuất trên những vùng khô hạn bằng mọi giá. Theo đó, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Đặc biệt, chú trọng bố trí vùng sản xuất cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Các địa phương huy động Nhân dân, chủ công trình thủy lợi, hồ đập tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước. Các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ căng thẳng về nước, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao… được triển khai tích cực, đồng bộ.

Để đảm bảo các biện pháp ứng phó khô hạn, ngành nông nghiệp, các chủ hồ đập ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa bão trong năm 2022. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; xây dựng các phương án thi công, dẫn dòng phù hợp để đảm bảo không gây ách tắc, cản trở dòng chảy cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ hè thu, kết hợp tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn.

Đối với nuôi trồng thủy sản, những diện tích thiếu nước cần tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các diện tích không đảm bảo nguồn nước, các địa phương chủ động chuyển đổi hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng thủy sản tránh gây thiệt hại cho Nhân dân. Số lượng lồng nuôi, mật độ cá giống thả phải tiết giảm và tăng cường các thiết bị, biện pháp kỹ thuật về cho ăn, chăm sóc đối với nuôi cá lồng trên sông Bồ, sông Đại Giang và sông Ô Lâu, kết hợp thu hoạch sớm, thu tỉa thủy sản thương phẩm theo khung lịch thời vụ.

Trên địa bàn tỉnh, trong khoảng thời gian đầu tháng 5/2023, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan. Hiện tượng nắng nóng gay gắt xuất hiện từ ngày 4 - 7/5/2023, đặc biệt trong các ngày 6 - 7/5 xuất hiện nắng nóng kỷ lục. Tại Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày 7/5 ở vùng đồng bằng và thành phố Huế là 40,0oC, độ ẩm thấp nhất 49%. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm đều thấp hơn và chỉ đạt từ 30 - 70% so với trung bình nhiều năm.

Nguồn: baothuathienhue.vn