2023.06.12 - 800 lượt xem
Giá thủy lợi được áp dụng hiện nay không đủ để đơn vị quản lý cân đối kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, đơn vị này được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành 63 hồ chứa nước lớn nhỏ; đập dâng Văn Phong và 26 đập dâng lớn trên sông; rất nhiều đập dâng nhỏ 1 cửa 2 cửa; kênh chính, kênh mương cấp 1, cấp 2 có chiều dài đến 1.300km và trên 5.000 công trình trên kênh…
Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy, mỗi cửa tràn nặng từ 15-20 tấn. Ảnh: V.Đ.T.
Khối lượng và tài sản các công trình do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý là rất lớn. Các công trình thủy lợi không chỉ có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng hơn là nhiệm vụ điều tiết lũ trong mùa mưa bão.
Một công trình đầu mối ngoài đập dâng, hồ chứa còn có hệ thống thiết bị điện, thiết bị cơ khí, xi lanh thủy lực, các hạng mục thủy công… Hàng năm, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên các công trình và nạo vét kênh mương phải cần đến khoản kinh phí không dưới 40 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến sửa chữa lớn.
Cũng theo ông Phú, hiện nay, nguồn thu để công ty hoạt động là khoản kinh phí do Bộ Tài chính cấp được gọi là giá thủy lợi. Cách đây 5 năm trở về trước, với nguồn thu giá thủy lợi, công ty còn có thể cân đối, mỗi năm dành ra khoảng 30 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên và nạo vét kênh mương.
Thế nhưng 5 năm trở lại đây, khoản kinh phí từ giá thủy lợi chỉ đủ để bộ máy hoạt động, chứ không thể cân đối để chăm lo bảo toàn công trình.
“Ví như năm 2023, Bộ Tài chính cấp cho công ty khoảng 65 tỷ đồng, sau khi tính toán các khoản chi phí cho người lao động để đảm bảo bộ máy hoạt động và các chi phí khác, công ty chỉ còn lại khoảng 4 tỷ đồng, khoản tiền này công ty dành để nạo vét kênh mương dẫn nước tưới.
Nạo vét kênh mương với khoản kinh phí 4 tỷ đồng là làm kiểu “thắt lưng buộc bụng”, chứ nếu làm chu tất phải cần đến 7-8 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trong năm 2023 kể như không có đồng nào”, ông Nguyễn Văn Phú ca thán.
Những thiết bị vận hành công trình đầu mối Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) cần phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Phú lý giải thêm: Tuy có tên gọi khác nhau, nhưng mức giá thủy lợi hiện nay và mức phí thủy lợi cách đây hơn 10 năm cũng như nhau. Trong quãng thời gian hơn 10 năm ấy, lương cán bộ công nhân viên tăng hàng năm, các loại vật tư, vật liệu trượt giá kinh khủng, nên nguồn kinh phí dành cho sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên ắt sẽ bị teo tóp.
“Nghị định 96 của Chính phủ hướng dẫn các đơn vị thủy nông làm mức giá từ năm 2018, chúng tôi đã thực hiện đến nay đã 5 năm. Bảng giá này đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt gửi cho Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, thế nhưng đến nay vẫn chưa áp dụng, mà còn áp dụng mức phí của năm 2013.
Nếu áp dụng giá thủy lợi phí theo Nghị định 96, khoản tiền công ty được Bộ Tài chính phân bổ hàng năm sẽ tăng lên khoảng 1,7 lần so với mức thủy lợi phí của năm 2013. Như vậy, đơn vị sẽ có kinh phí để thực hiện công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi và nạo vét kênh mương chu đáo. Vào mùa mưa lũ sẽ không còn nơm nớp lo về sự an toàn của các công trình”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, bộc bạch.
Theo phân tích của ông Phú, những công trình thủy lợi đâu chỉ có bê tông, đá xây, đá lát… mà hệ thống điện ở các công trình đầu mối có thể hỏng bất cứ lúc nào. Tương tự, những thiết bị đo mực nước, đo mưa cũng có thể “tịt” bất cứ lúc nào. Nếu những thiết bị này không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, hỏng hóc của nó sẽ làm ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình, nhất là vào mùa mưa lũ.
Giàn công tác của đập Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Phú minh họa: Hồ chứa nước Định Bình có 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy, mỗi cửa tràn xả mặt nặng đến 20 tấn, cửa xả đáy nặng gần 15 tấn, đó là chưa kể áp lực nước. Nếu đơn vị quản lý không có kinh phí, thiết bị ấy không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; hoặc nếu bị hỏng mà không được sửa chữa hay sửa chữa không đến nơi đến chốn, trong lúc đang vận hành mở cửa tràn để điều tiết lũ mà nó rơi xuống thì hệ lụy khôn lường.
Theo miêu tả của ông Phú, cửa tràn nặng hàng chục tấn phải được vận hành bằng hệ thống thủy lực; trong ấy có dầu thủy lực, hệ thống ống dẫn dầu thủy lực, xi lanh thủy lực. Nếu đơn vị quản lý dồi dào kinh phí, hàng năm các cửa tràn đều được thay dầu thủy lực để đảm bảo vận hành, riêng hồ Định Bình 1 lần thay kinh phí tốn không dưới 1 tỷ đồng.
Trước thực trạng “đói” vốn, hiện nay, mỗi năm Công ty TNHH KTCTTL Bình Định phải lấy mẫu dầu gửi ra cơ quan chuyên môn ở Đà Nẵng để kiểm tra lại các chỉ số vật lý như độ nhớt, độ đục, độ nhờn... Nếu cơ quan kiểm tra trả lời “dầu này chất lượng còn tàm tạm”, thì đơn vị quản lý “bấm bụng” dùng lại chứ không thay, vì… không có tiền. Thế nhưng cụm từ “chất lượng còn tàm tạm” nghe mơ hồ quá, lỡ đang vận hành kéo cửa lên mà nó rơi xuống thì hệ lụy rất lớn, nhất là khi đang điều tiết lũ.
Cận cảnh 1 vết đứt gãy của cầu thang đi lên giàn công tác của đập Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Ông Phú bày tỏ: Nỗi lo trước mắt của Công ty TNHH KTCTTL Bình Định hiện nay là do không có kinh phí nên không thể trang bị đầy đủ cho các công trình đầu mối để phục vụ việc vận hành. Đặc biệt là những hồ chứa nước công ty mới được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý, tại công trình đầu mối chưa có nhà quản lý. Vào mùa mưa bão, trong quá trình vận hành công trình, nhân viên cứ phải đội mưa cả ngày lẫn đêm để làm việc chứ không có nơi trú.
“Thậm chí công trình hư hỏng công ty cũng không có kinh phí sửa chữa. Ví như khu vận hành đập Lại Giang ở phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) được làm hoàn toàn bằng sắt, mà hiện nay đã gỉ sét toàn bộ. Giàn công tác bị đứt gãy, anh em phải lấy dây cột để khắc phục tạm; cầu thang đi lên để đóng mở cửa đập đã rệu rã mà công ty không có tiền để sửa chữa. Năm 2013, công ty phải cầu cứu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng các nhà điều hành tại các hồ chứa mới nhận và sửa chữa giàn công tác của đập Lại Giang để đảm bảo an toàn cho công trình”, ông Nguyễn Văn Phú bộc bạch.
Chưa hết, theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa quy định trách nhiệm cho các đơn vị quản lý thủy nông rất nhiều việc, không dưới 10 nhiệm vụ. Ví như phải cắm mốc chỉ giới khu vực phạm vi bảo vệ công trình; phải có giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt; lắp đặt camera tại các công trình đầu mối, kiểm định an toàn hồ chứa, rà soát quy trình vận hành… Thế nhưng để thực hiện những nhiệm vụ kể trên cần phải có nhiều tiền.
“Nhiệm vụ nào công ty cũng có thể làm được, nhưng không có kinh phí để thực hiện. Công ty đang quản lý 63 hồ chứa, đến nay mới chỉ 1 hồ Định Bình được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, để hồ này được cấp giấy phép sử dụng nguồn nước mặt công ty đã phải bỏ ra 500 triệu đồng. 62 hồ còn lại nếu muốn được cấp phép sử dụng nguồn nước mặt mỗi hồ cũng phải tiêu tốn khoảng 200-300 triệu đồng. Đó là chưa kể những nhiệm vụ khác, nhiệm vụ nào cũng cần đến kinh phí, chúng tôi rất muốn hoàn thành trách nhiệm nhưng “lực bất tòng tâm”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn