Lựa chọn vị trí có thể xây dựng đập dâng trên sông Hồng

2023.06.05 - 718 lượt xem

Viện Quy hoạch Thủy lợi vừa có chuyến khảo sát thực địa để tính toán, lựa chọn số lượng, vị trí và quy mô công trình đập dâng trên sông Hồng.

Chủ động ứng phó với tình trạng hạ thấp mực nước

Trong khuôn khổ Dự án “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa dọc sông Hồng nhằm đánh giá hiện trạng, thu thập các số liệu cần thiết để phục vụ cho việc lập quy hoạch thủy lợi lưu vực hai hệ thống sông này.

Đoàn công tác đã khảo sát thực trạng thượng lưu các công trình thủy lợi dọc sông Hồng như cống Xuân Quan, Liên Mạc; trạm bơm Đan Hoài, Thanh Điềm, Ấp Bắc… Ảnh: Trung Quân.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi, mục tiêu của việc lập quy hoạch là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển thượng nguồn, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cấp nước dân sinh, công nghiệp và các ngành kinh tế xã hội khác);

Tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, đô thị, khu công nghiệp; phòng chống lũ và giảm nhẹ thiên tai cho lưu vực sông; cải tạo môi trường nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước của lưu vực đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh (quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi…) theo Luật Quy hoạch; làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm, 5 năm và dài hạn trên lưu vực sông.

Trên cơ sở đó, đoàn công tác đã khảo sát thực trạng thượng lưu các công trình thủy lợi dọc sông Hồng như cống Xuân Quan, Liên Mạc; trạm bơm Đan Hoài, Thanh Điềm, Ấp Bắc… để đánh giá khả năng lấy nước, những thuận lợi, khó khăn đối với các phương án/giải pháp dự kiến.

Trong đó, tập trung khảo sát các vị trí có thể nghiên cứu xây dựng đập dâng trên sông Hồng (hạ lưu cống Xuân Quan), sông Đuống (hạ lưu cống Long Tửu) làm cơ sở tính toán, lựa chọn số lượng, vị trí và quy mô công trình đập dâng dự kiến trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, xem xét thực trạng sạt lở bờ, bãi sông Hồng; tình trạng hoạt động vận tải đường thủy trên các sông nhằm đề xuất các giải pháp công trình phù hợp. Xem xét thực trạng các công trình xả nước thải trên sông, từ đó nghiên cứu, xem xét đến vấn đề môi trường khi đề xuất xây dựng đập dâng…

Dựa trên các chỉ số, kết quả thu được, đoàn khảo sát đánh giá, vấn đề hạ thấp mực nước trên sông Hồng đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi lấy nước dọc sông Hồng.

Căn cứ thực trạng dòng chảy, mực nước, hoạt động của các công trình thủy lợi và các hoạt động khai thác, phát triển kinh tế trên sông cho thấy quy hoạch thuỷ lợi lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần xem xét các giải pháp ứng phó đối với tình trạng hạ thấp mực nước, trong đó tập trung vào các công trình dòng chính.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch Thủy lợi), trong năm 2023, Viện dự kiến thực hiện 8 đợt công tác khảo sát thực địa, khảo sát tổng hợp tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn vùng nghiên cứu.

Trong đó, tập trung vào việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước; điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn lực; hiện trạng thủy lợi, kết quả thực hiện quy hoạch thủy lợi thời kỳ trước trên phạm vi vùng quy hoạch.

Đoàn công tác cũng xem xét thực trạng sạt lở bờ, bãi sông Hồng; tình trạng hoạt động vận tải đường thủy trên các sông nhằm đề xuất các giải pháp công trình phù hợp. Ảnh: Quang Dũng.

Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển, nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai; dự báo tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thuỷ lợi.

Bên cạnh đó, xác định quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi. Phân tích, tính toán và xây dựng phương án thủy lợi theo các kịch bản phát triển trên phạm vi vùng quy hoạch; xác định giải pháp thủy lợi cho từng loại đối tượng trên phạm vi lưu vực và liên vùng, bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hòa, phân phối nguồn nước; chuyển nước liên lưu vực, quốc gia; giảm thiểu rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước trên phạm vi vùng quy hoạch... Đồng thời, đề xuất giải pháp công trình, danh mục công trình, dự án, thứ tự ưu tiên.

Lòng dẫn các sông trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình liên tục bị hạ thấp

Ông Đào Ngọc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi trăn trở, mặc dù công tác phát triển thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình đã được quan tâm đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, trước tác động của tự nhiên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần phải tháo gỡ trên lưu vực sông.

Lòng dẫn hầu hết các sông trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình liện tục bị hạ thấp làm cho nhiều công trình thủy lợi hiện nay không thể lấy được nước. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Tuấn, từ năm 2000 trở lại đây, lòng dẫn hầu hết các sông trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình liện tục bị hạ thấp làm cho nhiều công trình thủy lợi hiện nay không thể lấy được nước như cống Liên Mạc, Long Tửu, trạm bơm Phù Sa, Thanh Điềm, Bạch Hạc, Đại Định… và xu hướng hạ thấp lòng dẫn ngày càng dịch về thượng lưu.

Cùng với việc suy thoái dòng chảy trong các sông Đáy, Nhuệ, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải thì chất lượng nước các sông nội đồng cũng đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, dòng chảy trên toàn bộ mạng sông bị suy giảm và mức độ ngày càng trầm trọng theo thời gian. Nước biển dâng làm cho mực nước trong mùa kiệt trên các sông vùng ven biển đều tăng lên, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn gây khó khăn cho hệ thống công trình thủy lợi trên toàn lưu vực.

Hiện tượng hạ thấp lòng dẫn, thay đổi tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình ven sông.

Vấn đề là hệ thống công trình phân lũ cần được rà soát lại để bổ sung, cải tạo, nâng cấp, tu bổ nhằm đáp ứng yêu cầu phân lũ có thể điều khiển được cả thời gian và lưu lượng khi tình huống xảy ra. Đồng thời, cải tạo hạ tầng cơ sở thuỷ lợi dần từng bước để có đủ điều kiện đưa nước sông Hồng vào sông Đáy cả mùa kiệt và mùa lũ, tiến tới làm sống lại dòng sông Đáy.

Quá trình phát triển kinh tế, xã hội chưa quan tâm đầy đủ đến tính an toàn và bền vững của nguồn nước đã đặt công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai trước những thách thức rất lớn. Ảnh: Quang Dũng.

Ngoài ra, đây là lưu vực sông quốc tế, diện tích nằm ngoài lãnh thổ của nước ta chiếm tới 49%, việc khai thác và sử dụng nước ở Việt Nam chịu tác động của các thách thức cả từ hoạt động sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước và tại các quốc gia thượng nguồn.

Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho vùng hạ du (làm xói lở bờ sông, mực nước bị hạ thấp, thiếu nước mùa khô, tăng nguy cơ lũ, ngập lụt vào mùa mưa) tác động đến nguồn nước trên lưu vực sông Hồng.

"Hiện nay, ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc, trong đó có xu hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dẫn đến yêu cầu thay đổi về thời gian cấp, lượng cấp, chất lượng nước cấp. Do đó, cần có nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Đồng thời, việc phát triển mạnh mẽ các khu chăn nuôi, các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đặt ra yêu cầu tiêu thoát nước hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường", ông Đào Ngọc Tuấn cho biết.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/