Bình Định: Hệ thống thủy lợi 'dẫn mùa vàng' đến nông dân

2023.05.18 - 1356 lượt xem

Hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố, khép kín, đưa nước tưới đến những cánh đồng thường xuyên khô hạn, như ‘dẫn mùa vàng’ đến với nông dân.

Ruộng đồng thoát cảnh triền miên “khát” nước

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 164 hồ thủy lợi có dung tích chứa từ 50.000m3 trở lên; có 4 hệ thống thủy lợi lớn, gồm: Hệ thống thủy lợi sông Kôn - Hà Thanh, hệ thống thủy lợi La Tinh, hệ thống thủy lợi phía Bắc huyện Phù Mỹ và hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang.

Những hệ thống thủy lợi nói trên đảm bảo tưới tiêu cho hơn 64.000ha diện tích lúa và cây trồng cạn. Riêng Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định đang quản lý 66 hồ chứa lớn cùng 24 đập dâng lớn trên các sông Kôn - Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang và trên 1.080km kênh mương; các địa phương quản lý 99 hồ chứa vừa và nhỏ.

Nhờ hệ thống thủy lợi được xây dựng kiên cố, thường xuyên được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; hệ thống kênh mương phủ kín, đưa nước tưới về những cánh đồng thường xuyên bị khô hạn đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất cho cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hệ thống thủy lợi Định Bình - Văn Phong làm hồi sinh nhiều “vùng đất chết” ở các huyện Phù Cát và Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định nêu ví dụ về lợi ích của hệ thống thủy lợi mới hình thành ở Bình Định là hệ thống hồ Đồng Mít, cung cấp nước tưới cho 3 địa phương là An Lão, Hoài Ân và Hoài Nhơn.

Tại huyện An Lão, hệ thống này cung cấp nước tưới tại chỗ cho 163ha đất canh tác của 2 xã An Dũng và An Trung. Ở thị xã Hoài Nhơn, hàng năm địa phương này có khoảng 2.000ha bị thiếu nước tưới, thế nhưng từ khi có hệ thống thủy lợi Đồng Mít, 2.000ha nói trên đã thoát cảnh thiếu nước tưới, hơn 4.000ha đất lúa và đất màu cũng được cấp nước ổn định.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi này còn tiếp nước ổn định cho các trạm bơm ven sông An Lão để tưới cho 725ha đất canh tác nằm ngoài hệ thống tưới ở các huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn.

“Nước hồ Đồng Mít xuống đến đập ngăn mặn Lại Giang còn tiếp nước cho các trạm bơm cung ứng cho 900ha đất canh tác ở các xã Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Hương và cấp nước cho 155ha nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ lưu sông Lại Giang.

Trong tương lai, hệ thống thủy lợi Đồng Mít sẽ có thêm nhiệm vụ cấp nước cho Nhà máy gang thép Long Sơn được xây dựng tại xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn) với lưu lượng khá lớn. Cũng nhờ hệ thống này cắt lũ mà mùa lũ các năm vừa qua, thị xã Hoài Nhơn không còn bị lũ uy hiếp như những năm trước”, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ.

Hệ thống kênh tưới Thượng Sơn - Nước Gộp cũng đã làm xanh lại vùng đất trung du huyện Tây Sơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, với hệ thống thủy lợi Đồng Mít - Lại Giang, những khu vực ven sông Lại đoạn thuộc thị xã Hoài Nhơn trước đây thường thiếu nước từ giữa tháng 5 đến tháng 6, nay nông dân đã có thể an tâm sản xuất vụ hè và vụ thu mà không còn lo ruộng “khát” nước.

“Hệ thống thủy lợi Đồng Mít chẳng những đảm bảo nước tưới cho mùa khô mà còn cắt lũ tốt vào mùa mưa; cùng với đập Lại Giang và đập ngăn mặn Lại Giang đã hình thành một chỉnh thể mang lợi ích đến cả vùng canh tác rộng lớn suốt từ An Lão, Hoài Ân đến Hoài Nhơn”, ông Nguyễn Chí Công nói.

Trước đó, hệ thống kênh tưới Thượng Sơn - Nước Gộp cũng đã làm xanh lại vùng đất trung du huyện Tây Sơn. Trước khi có hệ thống này, gần 800ha đất canh tác; trong đó có gần 250ha lúa và gần 550ha cây màu ở đây phải thường xuyên lâm cảnh khô hạn, chỉ trông mong vào nước trời, hoặc phải trồng các cây lâm nghiệp kém hiệu quả. Hiện nay trên diện tích này, nông dân đã đủ nước thâm canh cây 2 vụ lúa và 3 vụ màu cho năng suất rất cao.

Nhờ nước từ hồ Định Bình đưa về qua hệ thống kênh chuyển nước N3 Văn Phong, nên vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, huyện Phù Cát trồng hơn 4.000ha đậu phộng, năng suất bình quân đat 43 tạ/ha. Ảnh: Đ.L

“Nhờ có kênh tưới Thượng Sơn, hơn 40ha đậu phộng áp dụng theo quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP của nông dân thôn Thượng Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) đã trở thành nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến sản phẩm dầu phụng OCOP 3 sao của HTX. Nhờ nước từ kênh tưới Thượng Sơn đã biến nhiều thửa đất tưởng chừng phải bỏ hoang trở thành bờ xôi ruộng mật”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang cho hay.

Hồi sinh những vùng “đất chết”

Nói về lợi ích của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, khẳng định không có hệ thống nào hiệu quả to lớn bằng hệ thống Định Bình - Văn Phong.

Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, trước khi có hồ Định Bình, ruộng ở đây chỉ canh tác được mỗi năm 1 vụ lúa bấp bênh do chủ yếu hưởng nước trời hoặc phải bơm, tát. Từ khi có nước tự chảy, 500ha đất sản xuất lúa ở đây có thể sản xuất 2 - 3 vụ lúa năng suất ổn định mỗi năm, 627ha cây màu sản xuất được 3 vụ/năm, đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, hệ thống Định Bình - Văn Phong còn cấp nước ổn định, hiệu quả cho hệ thống Tân An - Đập Đá. Nhờ đó, 4.700ha đất canh tác trong khu tưới này trước đây phải thường xuyên chống hạn vụ hè thu nay đã thoát được cảnh này. Hệ thống Định Bình - Văn Phong cấp nước ổn định cho khoảng 10.000 ha/năm cho hệ thống Tân An - Đập Đá.

Nhờ tuyến kênh chuyển nước N3 Văn Phong đưa nước từ hồ Định Bình về, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) hình thành vùng xoài tập trung 100ha. Ảnh: V.Đ.T.

Không những vậy, hệ thống Định Bình - Văn Phong còn tiếp nước cho hệ thống La Tinh (huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ). Những năm trước đây, do hồ Hội Sơn nằm trên địa bàn huyện Phù Cát không đủ nước, nên không đảm bảo tưới cho 1.700ha đất canh tác.

Nay thông qua kênh chuyển nước N3 Văn Phong, nước của hệ thống Định Bình - Văn Phong đã tiếp ứng đủ cho 1.700ha nói trên. Ngoài ra, trước đây vào mùa khô, dòng chảy của sông Hà Thanh không đảm bảo tưới, nên tại phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (thành phố Quy Nhơn) có 800ha đất canh tác thường xuyên bị thiếu nước vào vụ hè thu, nay nước hồ Định Bình chảy xuống sông Kôn rồi chuyển qua kênh tiếp nước về Quy Nhơn, nên 1.600 đất canh tác lúa của thành phố Quy Nhơn đã sản xuất ổn định.

Có lẽ, rất nhiều nông dân ở huyện Phù Cát “hàm ơn” tuyến kênh chuyển nước N3 Văn Phong. Bởi, trước khi có tuyến kênh này, hàng ngàn ha đất ở các xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh không thể canh tác được cây gì.

Trước đây, trên đất này chỉ trồng được cây dừa ta, cây mì (sắn) và cây điều cho hiệu quả kém. Từ khi có tuyến kênh chuyển nước N3 Văn Phong đưa nước từ hồ Định Bình về, những nơi trước đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nay đã phủ xanh đậu phộng (lạc), mè (vừng), bắp (ngô), dừa xiêm và xoài cát, những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Anh Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát thường nói vui: “Nước tưới Văn Phong chính là cuộc cách mạng mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cát”.

Hệ thống kênh mương ở Bình Định "dẫn mùa vàng" đến với bà con nông dân. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ nước tưới dồi dào nên vụ đông xuân 2022 - 2023, vừa qua huyện Phù Cát trồng hơn 4.000ha đậu phộng, năng suất bình quân đạt 43 tạ/ha. Với giá bán tại vườn 15.000 đồng - 18.000 đồng/kg đậu tươi, mỗi ha đậu phộng bà con có lãi từ 23 - 25 triệu đồng/vụ. Không chỉ vậy, trên những diện tích trồng cây lâu năm bà con trồng xen đậu phộng, mè cho tăng thêm thu nhập không ít”, ông Lương Văn Khoa cho hay.

Từ khi chủ động được nước tưới từ hệ thống kênh Văn Phong, ông Đào Kim Bằng ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) mạnh dạn chặt bỏ cây keo để trồng cây ăn quả xen canh với đậu phộng. Đến nay, vườn cây ăn quả 3 năm tuổi của ông Bằng đã chuẩn bị cho thu hoạch. Dưới tán cây ăn quả, ông Bằng sản xuất xen canh mỗi năm 2 vụ đậu phộng, khoản thu nhập từ đậu phộng ông Bằng vừa trang trải cuộc sống cho gia đình, vừa lấy ngắn nuôi dài đầu tư cho vườn cây ăn quả.

"Nhờ được hệ thống Văn Phong cấp nguồn nước tưới nên tôi đã phát triển được vùng nguyên liệu cây nha đam ở thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát. Nha đam là cây chịu nhiệt, chịu hạn nhưng phải giữ được độ ẩm ổn định cây mới có thể phát triển”, anh Võ Trần Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Kaizen, cho hay.

Nguồn: nongnghiep.vn