Bình Phước: Chủ động nguồn nước sản xuất

2023.05.12 - 872 lượt xem

Các tỉnh miền Nam nói chung và Bình Phước nói riêng, mỗi năm bước vào mùa khô hạn, việc thiếu nước phục vụ sản xuất là điều không tránh khỏi. Trong những năm trở lại đây, hệ thống đập thủy lợi, kênh mương được Nhà nước quan tâm đầu tư cùng với chủ động điều tiết nước linh hoạt đã góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhân dân.

Linh hoạt điều tiết nguồn nước

Bình Phước hiện có 73 công trình thủy lợi, trong đó có 62 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn. Các công trình đảm bảo phục vụ nước tưới cho 9.286 ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 55 công trình với gần 8.000km kênh mương và đảm bảo nguồn nước tưới cho 6.580 ha đất nông nghiệp. Việc đầu tư bê tông hóa kênh mương đã góp phần tránh tình trạng hao hụt, thất thoát nguồn nước trong quá trình vận hành đưa nước về đồng ruộng.

Xã Lộc Khánh cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống kênh mương nội đồng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất

Cán bộ các trạm thủy nông luôn theo dõi điều tiết nguồn nước để người dân lấy nước tập trung và sử dụng hiệu quả

Vào mùa khô hạn, các đập chứa nước sẽ vơi dần, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc điều tiết đảm bảo sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm luôn được các đơn vị quản lý công trình thủy lợi quan tâm thực hiện. Theo đó, các công trình thủy lợi sẽ được nhân viên trạm thủy nông theo dõi, điều tiết luân phiên cho từng khu vực, xả nước liên tục từ 3-5 ngày. Khu vực có đường mương nước đi qua, người dân sẽ tranh thủ lấy nước vào ruộng hoặc đưa vào ao tích trữ. Từ đó, sẽ kiểm soát được nguồn nước và giúp người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần cho biết: Thời gian qua, chúng tôi phối hợp các địa phương xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng công trình để người dân căn cứ vào lịch lấy nước tập trung. Qua đó, giúp người dân sử dụng nguồn nước hiệu quả và tránh lãng phí. Chúng tôi cũng kiểm soát được lượng nước tại các hồ chứa để chủ động điều phối đảm bảo nguồn nước thường xuyên và liên tục phục vụ hoạt động sản xuất của người dân, nhất là vào mùa khô hạn.

Thâm canh tăng vụ  

Xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có 2 công trình thủy lợi là đập dâng Lộc Khánh và đập dâng Cần Lê với 7 công trình kênh mương nội đồng được bê tông hóa có tổng chiều dài 12,6km. Các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 253 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa gần 190 ha. Hệ thống kênh mương dẫn nước được đầu tư bài bản, đảm bảo nguồn nước ổn định, từ đó giúp nông dân có điều kiện thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập.

Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, ông Thanh đào mương dẫn nước về đến vườn và đào ao dự trữ nước để tưới tiêu cho vườn cây

Trước đây, 2 sào ruộng của gia đình anh Lâm Ôn ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm. Đầu năm 2022, khi Nhà nước đầu tư và đưa vào sử dụng 2km kênh mương nội đồng, gia đình anh cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây đã tăng lên 3 vụ/năm. Anh Lâm Ôn cho biết: Trước đây, mùa khô lấy nước vào ruộng khó lắm, nước ít lại thường xuyên thiếu nên chỉ làm được 2 vụ lúa/năm. Nay được Nhà nước xây dựng mương bê tông, nguồn nước dồi dào, mình có thể làm được 3 vụ/năm. Bà con ấp Sóc Lớn mừng lắm.

Gần 4 sào sầu riêng 8 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Minh Thanh ở ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh trước đây tưới bằng nước giếng khoan. Nguồn nước luôn thiếu hụt vào mùa khô. 3 năm trước, hệ thống kênh mương đi qua khu vực cách vườn khoảng 200m. Ông Thanh đã đầu tư làm mương dẫn nước về vườn, đào ao dự trữ nước. Vì vậy, ông không còn lo lắng thiếu nước tưới cho vườn cây như trước. Ông Thanh chia sẻ: Lúc chưa có kênh mương thủy lợi, nơi đây thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Gia đình tôi khoan 2 giếng nhưng vẫn không đủ nước tưới cho vườn. Nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng. Nay thì nước đầy đủ, trồng cây gì cũng phát triển tốt, đời sống bà con được nâng cao.

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, song nguồn lực còn hạn chế. Các công trình chỉ đáp ứng được nước tưới trong khu vực dự án, trong khi nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước là những giải pháp hữu hiệu. Qua đó, vừa ổn định diện tích sản xuất vừa đảm bảo nguồn nước tưới cây trồng vào mùa khô.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn