Thành phố Kon Tum: Đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt

2023.03.20 - 1309 lượt xem

Nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2022-2023, thành phố Kon Tum đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do tình trạng hạn hán gây ra.

Theo thống kê, vụ Đông- Xuân này, thành phố Kon Tum có 1.998ha cây trồng các loại; trong đó, có 1.310ha lúa, 218ha bắp, 470 ha rau, đậu các loại. Toàn thành phố cũng có khoảng 2.192ha cây lâu năm (gồm cây ăn quả và cà phê) cần tưới nước thường xuyên.

Trong khi đó, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 2-3/2023, mực nước trên sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum có dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy có khả năng đạt thấp hơn từ 40- 60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; thiếu nước có khả năng xảy ra.

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, thành phố Kon Tum đang triển khai nhiều giải pháp điều tiết, vận hành, phân phối nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Lực lượng thủy nông thường xuyên kiểm tra, điều tiết nguồn nước tưới. Ảnh: TH

Ông Lê Đại Thắng- Trạm trưởng Trạm thủy nông thành phố Kon Tum cho biết: Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có tổng số 34 công trình thủy lợi, trong đó có 9 công trình hồ chứa; 18 công trình đập dâng, 7 công trình trạm bơm điện với tổng năng lực tưới dự kiến 1.649,34ha. Để đảm bảo nước tưới cho cây trồng, đơn vị phối hợp với chính quyền các xã, phường trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước của các hồ chứa để tổ chức điều tiết nước tưới hợp lý, nhất là ở các công trình có đầu mối là hồ chứa như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Loy, Đăk Chà Mòn 1. Đồng thời, áp dụng biện pháp giữ nước, tích nước như sử dụng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa nâng cao năng lực tích nước; xây dựng lịch tưới cụ thể cho từng tuyến kênh, quản lý chặt chẽ các cống lấy nước,công trình tưới tránh xảy ra rò rỉ, lãng phí nước; thực hiện tưới luân phiên, khoa học, từ khu xa đầu mối đến khu gần đầu mối, khu cao tưới trước khu trũng tưới sau. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng; duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, cửa van điều tiết nước, máy đóng mở đảm bảo cho hoạt động tưới không bị gián đoạn.

Được đánh giá là vựa lúa của thành phố Kon Tum với diện tích gieo trồng vụ Đông- Xuân trên 310ha, xã Đoàn Kết rất chú trọng đảm bảo nước tưới để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại năng suất cao.

Ông Nguyễn Đình Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, UBND xã Đoàn Kết đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị- xã hội và Ban nhân dân các thôn trên địa bàn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ tình hình khô hạn, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và chủ động chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng cao, đưa vào trồng các loại cây có nhu cầu nước tưới ít như: Đậu phộng, bắp, rau, hoa màu, nếu sản xuất lúa chỉ nên sử dụng giống lúa ngắn ngày. Huy động nhân dân tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương nội đồng, thường xuyên thăm đồng, lấy nước hợp lý, tránh gây lãng phí hoặc thất thoát nguồn nước.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Kon Tum chưa xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tuy nhiên, dự kiến những đập dâng có khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất vào cuối vụ như: Khu tưới đập Đăk Tu Wuyt (xã Vinh Quang); Hồ chứa Tân Điền (xã Đoàn Kết); Kon Ri Sút; Đăk Kơ Wel (xã Đăk Blà); Ông Thiệu (xã Đăk Cấm); Đăk Lê (xã Chư Hreng); Đăk Trum (xã Ngok Bay); Đập thôn 3 (phường Trần Hưng Đạo). Tổng diện tích các loại cây trồng có khả nặng bị hạn là 870,65ha (gồm 445,65ha lúa và 425ha cà phê).

Người dân thường xuyên thăm đồng và tham gia điều tiết nguồn nước. Ảnh: T.H

Do đó, Trạm thủy nông thành phố đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư sẵn sàng triển khai phương án bơm nước từ sông Đăk Bla bằng máy bơm điện của trạm bơm Vinh Quang, Măng La, Tà Rộp để tưới và tạo nguồn, dùng máy bơm bơm chuyển tiếp tưới cho khu tưới Tân Điền, Cà Tiên; đặt máy bơm tại vị trí suối của hồ chứa Đăk Loy bơm tưới bổ sung cho vị trí bị hạn. Riêng các diện tích cây trồng xa công trình thủy lợi hoặc người dân canh tác dựa vào nguồn nước tưới tự nhiên của các khe, suối; các xã vận động nhân dân đào giếng, đắp đập tạm ngăn dòng, sử dụng các máy bơm của hộ gia đình để bơm tưới.

Đối với nước sinh hoạt, theo ông Phan Thanh Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, qua theo dõi các năm, thời điểm cuối mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 4) tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt có khả năng xảy ra ở một số khu vực như: Tổ dân phố 3, 4, 5, 6 và Trường THCS Chu Văn An thuộc phường Trần Hưng Đạo , thôn 6 xã Đoàn Kết, xã Hòa Bình, thôn Plei Bur của xã Ia Chim và một số vùng thuộc các xã Ngok Bay, Kroong, Vinh Quang, Đăk Năng, Đăk Rơ Wa. Trước tình hình này, thành phố đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước để trữ nước. Tăng cường điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung; hướng dẫn người dân nạo vét đáy giếng đào, chia sẻ nguồn nước sạch trong thôn, xóm. Trong trường hợp thiếu nước nghiêm trọng, các địa phương tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ chở nước từ các nơi khác đến.

Thời tiết hanh khô còn kéo dài, tình trạng hạn hán vẫn diễn biến khó lường. Do đó, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với khô hạn của thành phố Kon Tum sẽ góp phần hạn chế thiệt hại, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn.

Nguồn: baokontum.com.vn