Phía sau chân đập thủy lợi sông Lèn

2023.03.13 - 1536 lượt xem

Phía sau chân đập thủy lợi sông Lèn là sự hy sinh thầm lặng của hàng trăm kỹ sư, công nhân, đang miệt mài xây đắp nên những công trình kỳ vĩ.

Hơn nửa triệu người được hưởng lợi từ dự án

Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn do Bộ NN-PTNT giao Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi làm chủ đầu tư với tổng tổng mức đầu tư hơn 1.616 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là hơn 1.253 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Trung ương và địa phương. Dự án được khởi công từ ngày 21/6/2021, dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Dự án được Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tài trợ, cho vay thực hiện theo hình thức ODA.

Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn thuộc dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai, nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu (KEXIM1). Tiểu dự án bao gồm các công trình, đầu mối sông Lèn, sông Càn, kênh De. Trong đó, công trình đầu mối sông Lèn là hạng mục có quy mô lớn nhất trong tiểu dự án, gồm các hạng mục âu thuyền, cống ngăn mặn cấp II, kích thước 3x40m, nối giữa huyện Hậu Lộc và Nga Sơn để tạo đập, trữ nước ngọt và ngăn nước mặn từ biển xâm nhập.

Đây là công trình ngăn mặn, giữ ngọt, để tạo nguồn cung cấp cho khu vực Bắc sông Mã thuộc các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Bỉm Sơn (Thanh Hóa) bao gồm 26.214ha đất nông nghiệp. Dự án cũng hướng tới đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho trên 613.000 người dân, cung cấp nước cho hoạt động chăn nuôi và nước sản xuất cho khu công nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp giao thông thủy, bộ trong khu vực; giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là vùng lòng sông phía hạ lưu công trình ngăn mặn… Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục hỗ trợ tiêu úng cho huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn.

Công trình đầu mối sông Lèn nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Ý tưởng làm đập ngăn mặn trên sông Lèn được manh nha từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, một số chuyên gia thủy lợi đưa ra ý tưởng về xây dựng đập bằng đập cao su. Tuy nhiên, nhận thấy vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng công trình thủy lợi đối với các địa phương vùng đông bắc tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN-PTNT đã nghiên cứu và đầu tư dự án thủy lợi sông Lèn là công trình đa mục tiêu, mang tính bền vững, lâu dài.

Ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho hay: “Đây là công trình có quy mô lớn ở phía bắc Việt Nam chỉ đứng sau công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Mặc dù khối lượng công việc lớn, nhưng chất lượng thi công công trình đảm bảo tốt yêu cầu đề ra.

Công trình thủy lợi này sau khi bàn giao đưa vào sử dụng sẽ phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay các nhà thầu đang thực hiện tăng ca, tăng kíp, đẩy nhanh tiến độ dự án, nhằm đưa công trình về đích đúng hẹn”.

Ông Phạm Đình Văn (bên trái) - Trưởng ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đi kiểm tra thực tế các hạng mục tại dự án thủy lợi sông Lèn. Ảnh: Quốc Toản.

Nhắc đến tiểu dự án thủy lợi sông Lèn, không thể không nhắc đến vai trò của nhà thầu chính - Liên danh HDC Hyundai Development Company, Kumho Engineering & Cóntruction Co. Ltd Joint Ventrere và nhà thầu tư vấn giám sát - Liên danh tư vấn SunJin Engineering & ArchiTechTure Co. LTD, Dehan ConsunTants Co. LTD And Saman Corporation.

Nhận thức được tầm quan trọng và tính phức tạp về kỹ thuật trong thi công dự án, ngay sau khi ký hợp đồng, nhà thầu và tư vấn giám sát đã thiết lập bộ máy, văn phòng, với hàng chục kỹ sư tư vấn, giám sát dày dặn kinh nghiệm túc trực 24/24h tại hiện trường. Các nhà thầu, tư vấn giám sát người nước ngoài có mặt từ khâu giám sát, thi công, tiến độ, an toàn, chất lượng công trình...  nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của dự án.

Theo kỹ sư Đinh Văn Sáu (chuyên gia dự án), do điều kiện mặt bằng thi công phức tạp và thi công vào ban đêm nên các cán bộ giám sát phải thường xuyên làm việc không kể ngày đêm, các dịp nghỉ lễ, Tết. Điều đáng biểu dương là trong gần 2 năm qua, mặc dù khối lượng công việc thi công lớn, nhưng không xảy ra bất cứ tai nạn nào. Đây có thể coi là một thành công lớn của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát.

Cũng theo kỹ sư Đinh Văn Sáu, "đây là dự án thủy lợi trọng điểm, nên Bộ NN-PTNT, Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Lãnh đạo Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi thường xuyên tới thăm và kiểm tra, đôn đốc dự án. Công tác hội họp, giao ban đột xuất dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban quản lý dự án được thực hiện thường xuyên, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình".

Chỉ riêng khối lượng công việc liên quan đến thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng phần nào đó cho thấy mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng của dự án đối với đời sống người dân nói chung, ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng. Theo đó, để có mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công, chính quyền địa phương phải thực hiện thu hồi vĩnh viễn 220.454m2 của 106 hộ, trong đó diện tích đất nông nghiệp thu hồi là 204.651m2, đất ở nông thôn là 21.784m2, đất thủy sản 10.135m2. Thu hồi tạm thời 16.159m2 đất công...

Hối hả khắp công trường

Trời nhá nhem tối, ánh sáng đèn công trường không đủ để tỏ mặt người. Từng tốp công nhân thay ca nhau, hối hả ra vào công trường, chẳng kịp mở lời chào nhau. Chúng tôi ngẩn người một hồi lâu trước sự sừng sững, tấp nập của đại dự án thủy lợi sông Lèn. Thi thoảng lại có cảm giác bị bỏ rơi giữa rừng bê tông, sắt thép cao ngút tầm mắt đang hiện hữu nơi đây.

Đến với công trình thủy lợi sông Lèn (đoạn qua Thanh Hóa) những ngày này, người ta mới hình dung được hết quy mô, tầm vóc của công trình thủy lợi vào loại lớn ở khu vực phía Bắc. Tại đây, các nhà thầu huy động hàng trăm công nhân, thiết bị, tổ chức nhiều mũi, thi công cả ngày lẫn đêm, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. 

Kỹ sư Đinh Văn Sáu (trái) và kỹ sư Nguyễn Đình Quỳnh (nhà thầu phụ Hòa Hiệp) liên tục có mặt tại công trường để đôn đốc tiến độ. Ảnh: Quốc Toản.

Tại công trình đầu mối sông Lèn (hạng mục lớn nhất của tiểu dự án), dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư hiện trường, hàng chục cần cẩu siêu trọng đang vươn cánh tay lực sĩ, nhấc bổng từng cọc cừ, tấm cốt pha thép, cấu kiện bê tông lên rồi từ từ hạ xuống để ghép nối, hoàn thiện những hạng mục còn thi công dang dở. Tiếng búa máy chát chúa xen lẫn tiếng gầm gào phát ra từ hàng chục xe vận chuyển bê tông, cọc cừ, sắt thép tấp nập tiến vào công trường, tạo nên một khung cảnh lao động hết sức khẩn trương. 

Phần thi công đường dẫn đầu cầu dài hàng km cũng không kém phần sôi động. Từng đoàn xe chở đất nối nhau chạy thẳng vào công trường. Máy san, máy ủi, máy đầm chỉ chờ có thế để san gạt, lu lèn nền đường.

Phía bên lòng âu thuyền, hàng nghìn cọc cừ vây, văng chống đã được thi công, để đảm bảo ổn định và kín nước hố móng. Ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất chỉ nghe thấy tiếng nói oang oang của mấy bác thợ lành nghề liên tục huơ tay, điều khiển thợ lái máy cẩu hạ cừ và văng chống vào vị trí.

Công nhân tranh thủ nghỉ ngơi, ăn lót dạ để tiếp tục ca làm việc mới. Ảnh: Quốc Toản.

Phía trên dàn văng chống, một tốp công nhân ngồi vắt vẻo, cùng dây an toàn, tháo vội chiếc găng tay bảo hộ còn dính đầy gỉ sắt, nhai vội mẩu bánh mì lót dạ giữa ca để tiếp tục công việc.

Kỹ sư Đinh Văn Sáu, chuyên gia kỹ thuật của dự án, dẫn đoàn tiết lộ: “Dự án đang rất gấp rút hoàn thiện nên tiến độ căng như dây đàn. Công nhân có thời điểm làm việc quên ăn, quên ngủ. Ở công trường, chỉ cần không tập trung một chút là ca, kíp khác đã hoàn thành trước phần việc được giao. Để đáp ứng tiến độ, có thời điểm công trường tập trung tới hơn 400 công nhân và kỹ sư thay ca nhau làm việc”.

Cũng theo kỹ sư Sáu, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 70.000 tấn xi măng và hàng chục nghìn m3 đất được đưa vào công trình để phục vụ thi công, chưa kể sắt thép và vật liệu khác được vận chuyển tới công trường để phục vụ đổ bê tông, thi công phần móng… Quá trình thi công tuân thủ phương châm “làm đến đâu, gọn đến đó”. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong năm nay. Do vậy, tất cả các mũi tiến công đều phải hoạt động hết công suất.

Trắng đêm trước những thời khắc quan trọng

Điều khiến chủ đầu tư, nhà thầu thi công cảm thấy tự hào khi thi công dự án này đó là hầu hết các phần việc phức tạp, khó khăn (đào hố móng, bê tông móng, chặn dòng…) đều do các nhà thầu phụ Việt Nam đảm nhận và thi công đạt chất lượng tốt.

Quá trình thi công mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết và địa hình, địa vật, nhưng với sự quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tiến độ công trình vẫn đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Dự án đến nay đã hoàn thành trên 60% khối lượng công việc. Riêng hạng mục cống Lèn đạt gần 80% khối lượng công việc…

Kỹ sư Nguyễn Đình Quỳnh (bên phải), nhà thầu phụ Hòa Hiệp, có thời điểm phải thức trắng đêm để giám sát thi công. Ảnh: Quốc Toản.

Áp lực tiến độ và chất lượng thi công công trình khiến khuôn mặt kỹ sư Quỳnh trở nên hốc hác và đen sạm đi nhiều. Ròng rã mấy tháng nay, anh liên tục phải thức, có hôm thức trắng đêm để giám sát các tổ thợ và kiểm soát chặt chẽ khối lượng và chất lượng bê tông đưa vào công trình. Trong tiếng gầm gừ của tiếng máy trộn bê tông, tiếng xe siêu trọng, các kỹ sư phải mất rất nhiều sức lực để hô hào, chỉ đạo công nhân thực hiện đúng kỹ thuật thi công, đảm bảo không để xảy ra sai số gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

“Khó khăn nhất là công đoạn xói hút đất trong khung vây dưới lòng sông. Để làm được việc phức tạp này, chúng tôi phải thuê đội thợ lặn chuyên nghiệp trong miền Nam để thi công. Dưới áp lực cột nước đến 10m dưới lòng sông, công nhân phải dũng cảm, có sức khỏe, chuyên môn, độ tỉ mỉ cao mới có thể trụ vững.

Nếu không được trang bị kỹ lưỡng và thực hiện không đúng kỹ thuật xói hút, anh em có thể bị vùi dưới đáy bất cứ lúc nào. Thi công hố móng phức tạp, nên mỗi ca chỉ làm được 2 tiếng. Các tốp thợ lặn hơn chục người thay nhau làm việc từ sáng đến tối. Sau mỗi lần ngụp lặn, ai nấy mặt đều tái mét vì ở lâu dưới nước”, kỹ sư Quỳnh chia sẻ. 

Kỹ sư Quỳnh cho biết, khi tiến hành thi công bê tông hố móng, ai cũng hiểu đây là mẻ đổ lớn và rất quan trọng của dự án, nên công tác đảm bảo an toàn, chất lượng được đặt lên cao nhất.  

“Bê tông sau khi được kiểm định kỹ lưỡng được đưa vào vị trí để chuẩn bị bơm bê tông bịt đáy bằng phương pháp vữa dâng. Những mẻ đổ bê tông khổng lồ sử dụng gần tới cả trăm lượt xe bê tông, liên tục thay phiên bơm không nghỉ lên các vị trí đã được tính toán từ trước. Tại công trường, hơn 100 công nhân, kỹ sư được huy động để thực hiện các mẻ đổ lớn. 

Trong thời khắc quan trọng của mẻ đổ, bê tông sau khi được bơm đầy các trụ móng chỉ cho phép sai số tính bằng mi-li-mét. Tại mỗi vị trí bơm luôn có từ 3 đến 5 công nhân và 1 giám sát túc trực để đảm bảo hoạt động bơm bê tông ổn định, thông suốt.

Phải mất gần 1 tháng mới thi công xong 1 hố móng. Xong được phần quan trọng nhất, anh em ai nấy cũng thở phào. Các vị trí khác cũng vậy, ai ai cũng đang căng sức ra để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, kỹ sư Quỳnh chia sẻ. 

Phần hố móng công trình đã hoàn thiện. Ảnh: Quốc Toản.

Theo kỹ sư Nguyễn Đình Quỳnh, có thời điểm công trình gần như bị ngưng trệ vì dich Covid-19 gây ra. Thế nhưng may mắn thay, mọi thứ vẫn được kiểm soát: “Năm ngoái dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến lực lượng thi công tại hiện trường “hao tổn” khoảng 20% quân số. Các ca, kíp thi công vừa phải lo công việc, vừa lo chống dịch nên tiến độ công trình cũng bị ảnh hưởng. Qua những thời điểm khó khăn như vậy, chúng tôi lại tập trung nhân lực thi công 3 ca/ngày để bù lại tiến độ thi công. Dù biết là vất vả nhưng với công trình trọng điểm thì không cho phép ngơi nghỉ”, kỹ sư Quỳnh kể.

Tuy nhiên, không khác những dự án xây dựng cơ bản khác, tiểu dự án thủy lợi sông Lèn cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai, trong đó, vấn đề  giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những khó khăn mà dự án đang phải đối mặt.

“Công tác giải phóng vướng mắc khiến việc thi công công trình đầu mối có thể bị chậm trễ một thời gian nữa. Đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường lên cầu và khu nhà quản lý phía bờ hữu vẫn chưa hoàn thiện. Để giải bài toán này rất cần sự vào cuộc và đồng hành của chính quyền địa phương”, ông Phạm Đình Văn, Trưởng ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho hay.

“Hậu phương” vững chắc “tiền tuyến” mới thắng to

Tại công trình đầu mối sông Lèn, lực lượng công nhân chủ yếu là người địa phương khác được điều động đến. Dù không cùng nơi sinh, nhưng họ đã gắn bó mật thiết với nhau nhiều năm, tại nhiều công trình thủy lợi trọng điểm. Bởi vậy, mọi công to việc lớn cho đến chuyện sinh hoạt hàng ngày đều được mọi người san sẻ với nhau.

Kỹ sư Nguyễn Đức Hạnh (quê Bắc Giang chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam) là dân giao thông có thâm niên hàng chục năm công tác. Khuôn mặt của chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam đen bóng không lẫn vào đâu được. Anh nửa đùa, nửa thật như thể tự động viên mình: “Ở đây mà tìm được người trắng hơn tôi khó như lên trời”.

Kỹ sư Nguyễn Đức Hạnh, chỉ huy trưởng công trường của nhà thầu Trung Nam. Ảnh: Quốc Toản.

Hơn chục năm từ khi xây dựng gia đình, anh Hạnh chưa một lần được hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn cùng gia đình, vợ con. Anh bảo, làm xây dựng, công việc thì vất vả, tiền lương nghe thì cũng khá, nhưng thiếu thốn mỗi tình cảm gia đình.

Tại dự án này, đơn vị anh được giao thi công tháp van, dầm van, nạo vét toàn bộ lòng sông, thi công thảm đá, rọ đá gia cố lòng sông... Do khối lượng công việc lớn, nên mấy tháng nay, anh Hạnh chưa có dịp về thăm nhà.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng kỹ sư Hạnh chưa bao giờ có ý định từ bỏ cái nghề mình đã chọn lựa; “Đã gắn với cái nghề này thì phải chấp nhận vất vả. Là dân công trường cho nên anh em cũng xác định xa nhà, xa gia đình. Trung bình vài ba tháng chúng tôi mới tranh thủ về thăm gia đình một lần. Cả đi cả về mất nguyên một ngày nên thời gian dành cho vợ con cũng không được nhiều. Có lần về, vợ con chả nhận ra mình nữa nữa vì khuôn mặt đen cháy”, anh Hạnh cười.

Hơn chục năm gắn bó với nghề, anh Hạnh bảo, hạnh phúc nhất của dân công trường là cưới được người vợ tâm lý, thấu hiểu và luôn chia sẻ với chồng ở những thời khắc quan trọng nhất của đời người.

“Trước đây khi chưa có con thì không sao, nhưng có con rồi thì trăm thứ việc đổ trên đầu vợ. Ngày vợ sinh con đầu lòng, tôi còn tít trên tận Điện Biên. Sinh con xong, vợ thui thủi một mình chăm bọn trẻ. Lúc đó mình chỉ lo vợ bị trầm cảm sau sinh, vì phụ nữ họ đa cảm lắm. Nhiều lúc biết bà xã tủi thân, nhưng bà xã vẫn động viên: “Anh cứ đi làm việc nước đi, việc nhà em lo”. Được vợ quan tâm, chia sẻ, tôi mới vững tâm “chiến đấu” ở công trường", anh Hạnh chia sẻ.

Anh Hạnh nhớ lại: “Có lần vài tháng tôi chưa được về nhà, thằng bé (con anh Hạnh - PV) cứ suốt ngày hỏi mẹ: Sao bố chưa về hả mẹ?. Để yên lòng bọn trẻ, vợ phải vỗ về chúng rằng: Bố đi công chuyện, lát bố về. Biết là như vậy, nhưng nhiều khi áy náy lắm! Có lúc lại lương tâm lại tự vấn rồi tự trách mình: Có lẽ mình chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình?”.

Bởi thế, những ngày nghỉ dài, anh thường dành tất cả thời gian cho vợ, con, gia đình, bởi đối với "lính công trường", bữa cơm gia đình là thứ gì đó rất thiêng liêng, trân quý.

Hết thời gian nghỉ phép, kỹ sư Hạnh lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ khi những đứa trẻ còn say ngủ. Cứ mỗi lần như vậy, mắt anh lại đỏ hoe, nhưng không dám khóc thành tiếng.

Anh Hạnh bảo: “Nghề nào cũng vậy, cũng cần có đức hy sinh. Có chịu thiệt thòi cho bản thân mới làm nên những công trình thủy lợi kỳ vĩ”.

Nguồn: nongnghiep.vn