Hiệu quả từ những công trình thủy lợi đa mục đích (P2)

2023.01.03 - 1172 lượt xem

Trong những năm gần đây, thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Thực tế cho thấy, nhiều công trình thủy lợi đã có vai trò rất quan trọng phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài 2: Thủy lợi giảm nhẹ thiên tai

Kiểm tra công tác tích nước trước mùa mưa bão ở hồ Nà Thèm, phường Dân Chủ, TP Hòa Bình (Hòa Bình).

Từ chỗ chỉ đơn thuần tích nước để bảo đảm tưới tiêu, các công trình thủy lợi giờ đây đều phải bảo đảm đa mục đích, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thủy lợi "cắt" lũ

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện ba đến bốn đợt lũ, các đợt lũ lớn có đỉnh lũ thường lớn hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm có tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với đặc điểm lũ thường lên nhanh và xuống rất chậm gây ngập lụt nghiêm trọng và kéo dài đến vùng hạ du các sông. Đặc biệt là các đợt lũ lớn, lũ chồng lũ xảy ra liên tục trong những năm 2010, 2013, 2016, gây ngập lụt nghiêm trọng trên các lưu vực sông khu vực Hà Tĩnh.

Lũ về, toàn bộ nhà cửa, tài sản, ruộng vườn đều bị ngập sâu trong dòng nước, gây nhiều thiệt hại, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Mọi thay đổi bắt đầu nhìn thấy rõ từ năm 2017 khi công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi-Cẩm Trang hoàn thành việc xây dựng và tiến hành chặn dòng, tích nước. Với dung tích chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang thật sự cho thấy hiệu quả tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Theo đánh giá, với tần suất mưa rất lớn vào mùa mưa lũ ở miền tây Hà Tĩnh (trung bình tổng lượng mưa cả đợt vào khoảng 1.000mm), nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang "cắt" hàng trăm triệu mét khối nước lũ thì các xã vùng hạ du huyện Vũ Quang và thượng du Đức Thọ sẽ bị ngập sâu trong biển nước. Chưa hết, nhiều đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5 (lên huyện Vũ Quang) có thể bị nhấn chìm trong nước; trung tâm huyện lỵ sẽ bị nước lũ cô lập.

Với công trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8m, dung tích hồ chứa 775 triệu m³, hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang cho thấy hiệu quả tích nước và điều tiết lũ hiệu quả cho vùng hạ du. Hiệu quả "cắt" lũ của hồ Ngàn Trươi-Cẩm Trang rất cần được nghiên cứu, áp dụng cho các công trình thủy lợi ở các địa phương khác.

Ngăn mặn hiệu quả

Là tỉnh ven biển Tây, mỗi năm tỉnh Kiên Giang phải tiến hành đắp hàng trăm đập tạm ngăn mặn xâm nhập, giữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời nhưng lại tốn kém tiền tỷ này đang ngày càng giảm dần.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, năm 2022, toàn tỉnh giảm, không phải đắp khoảng 260 đập tạm ngăn mặn, giúp tiết kiệm cho ngân sách hơn 20 tỷ đồng. Kiên Giang có địa hình thấp và nằm cuối nguồn nước ngọt, riêng vùng U Minh Thượng bị chia cắt bởi sông Cái Lớn nên mặn thường xâm nhập sâu và khó đưa nước ngọt về vùng này. Thế nhưng nhờ được quan tâm đầu tư và đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm nên đến nay tỉnh đã cơ bản ngọt hóa và chủ động kiểm soát xâm nhập mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên và phía tây sông Hậu.

Cống Cái Lớn xây dựng trên sông Cái Lớn cách cửa biển chừng 13km, cống Cái Bé xây dựng trên sông Cái Bé ngang với cống Cái Lớn, cống Xẻo Rô xây dựng trên sông Xẻo Rô cách cống Cái Lớn 3km. Những hệ thống cống này có nhiệm vụ kiểm soát nước mặn từ biển Tây, giữ ngọt và tăng lượng nước ngọt lấy từ sông Hậu về vùng U Minh, kết hợp tuyến đê biển Tây phòng, chống thiên tai, mở mang giao thông, hỗ trợ người dân thích ứng biến đổi khí hậu.

Những hệ thống này góp phần kiểm soát mặn, ngọt chủ động, giúp người dân các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang không chỉ có nguồn nước ngọt sinh hoạt về mùa khô mà còn góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống, có điều kiện thuận lợi chuyển đổi cây con, xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đồng thời có thể chi viện nguồn ngọt cho vùng nuôi tôm khi cần, chủ động mở rộng vùng nuôi tôm vào nội địa khi có nhu cầu của chính người nông dân vùng hưởng lợi. Đặc biệt, trước biến động bất thường của thiên tai, cống Cái Lớn-Cái Bé có một vai trò đặc biệt trong ứng phó hạn, mặn xâm nhập.

Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, nước mặn tại Hậu Giang chủ yếu xâm nhập từ cống Cái Lớn, tình hình tranh chấp mặn-ngọt xảy ra trên diện rộng nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại nền nông nghiệp. Hằng năm, tỉnh phải đầu tư hơn 40 tỷ đồng để đắp các con đập thời vụ phục vụ sản xuất của nông dân, nhưng vẫn không chủ động, vừa tốn kém lại ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do vậy, hệ thống thủy lợi Cái Lớn đã phần nào hóa giải những khó khăn nêu trên.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã thành hiện thực, in một dấu mốc vào lịch sử phát triển của vùng nông nghiệp quốc gia, khẳng định quan điểm "thuận thiên, nhưng có kiểm soát".

GS, TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, với tư cách là Tổ trưởng Tổ quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm "thuận thiên" theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP không có nghĩa là không có tác động gì vào thiên nhiên mà chủ động sống chung với lũ mặn, mặn lợ; tìm hiểu các quy luật tự nhiên để tìm cách tác động để thiên nhiên phục vụ con người, kiểm soát các tác động bất lợi của lũ, hạn, mặn phục vụ dân sinh, kinh tế. Công trình Cái Lớn-Cái Bé chính là nhằm mục đích đó.

Nguồn: nhandan.vn