2023.01.03 - 1186 lượt xem
Do điều kiện tự nhiên đất nước trải dài và dốc, đồng thời lại nằm ở hạ nguồn các sông lớn, 65% lượng nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong nước là từ bên ngoài, cho nên các công trình thủy lợi có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để giữ, điều tiết nước, đồng thời góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một cực đoan.
Bài 1: Nước đến đâu, mầu xanh đến đó
Nhờ nguồn nước cấp từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, đồng bào Raglai huyện Bác Ái (Ninh Thuận) chuyển sản xuất từ một vụ lên ba vụ.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Ðảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm, đầu tư cho công tác thủy lợi, các địa phương hằng năm đều huy động lượng lớn sức người, sức của để làm thủy lợi, tạo tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất và đời sống. Nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng và khai thác hiệu quả mang lại mầu xanh cho nhiều vùng đất vốn khô cằn, sỏi đá.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khoảng 65% lượng nước chúng ta đang sử dụng hiện nay là từ ngoài lãnh thổ, chỉ có 35% là từ trong lãnh thổ. Mặt khác, ở nước ta mưa thì nhiều nhưng không đồng đều, cả về không gian và thời gian. Như vậy, bài toán của thủy lợi là phải trữ nước, cân bằng nước, phải tính toán, quy hoạch liên vùng, liên tỉnh... bảo đảm cho phát triển từng vùng kinh tế. Nhờ có giải pháp thủy lợi tốt mà những vùng đất khát như Ninh Thuận, Bình Thuận đến nay đã cơ bản hết khát.
Hồi sinh những vùng đất khô cằn
Hồ Vực Mấu ở huyện Quỳnh Lưu là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An vào thời điểm hiện nay. Ban đầu hồ có dung tích hơn 40 triệu m3, sau này nâng cấp lên 75 triệu m3 như hiện nay.
Là lớp người đầu tiên tham gia đắp đập hồ Vực Mấu, ông Nguyễn Chiến Thắng (70 tuổi) ở xóm 11, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai cho biết: Kể từ khi có nước hồ Vực Mấu về, cuộc sống của người dân Quỳnh Trang chúng tôi cùng với hàng chục xã trong vùng Hoàng Mai nghèo khó này mới có điều kiện phát triển. Năm xưa, cuộc sống hết sức vất vả, bấp bênh. Cây lúa sống nhờ hạt mưa của trời. Người dân ở các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Xuân, Quỳnh Trang... vẫn không thể nào quên được những năm khô hạn, lúa đang vào thì đẻ nhánh chết đỏ ngoài đồng, đành phải cắt về cho trâu bò ăn. Khi có nước từ hồ Vực Mấu, việc sản xuất của người dân có tính chủ động và phát triển mạnh. Diện tích gieo trồng tăng, năng suất cao.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, Vũ Thị Bích Hằng cho biết: "Nhờ có nước từ hồ Vực Mấu mà hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... được ổn định, có hiệu quả bền vững hơn. Ðây còn là công trình có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ du. Ngoài ra, khai thác thủy sản lòng hồ cũng được phát triển. Từ khi có hồ Vực Mấu, đời sống người dân ở phía tây bắc huyện Quỳnh Lưu và nam thị xã Hoàng Mai đã có nhiều thay đổi".
Bình Thuận, tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong những địa phương có lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất so với cả nước. Tình trạng khô hạn kéo dài, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, mùa khô thường kéo dài, mưa ít, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng.
Nhờ các công trình thủy lợi, tình trạng khô hạn ở Bình Thuận đã được giải quyết cơ bản. Từ một địa phương chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đưa vào khai thác sử dụng trải rộng trên hầu khắp các địa phương. Tổng dung tích các hồ chứa khoảng 442 triệu m3 với năng lực tưới thiết kế là 73.300ha, tăng 41.000ha so với năm 2001 chỉ có 32.300ha. |
Thế nhưng, nhờ các công trình thủy lợi, tình trạng khô hạn đã được giải quyết cơ bản. Từ một địa phương chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đưa vào khai thác sử dụng trải rộng trên hầu khắp các địa phương. Tổng dung tích các hồ chứa khoảng 442 triệu m3 với năng lực tưới thiết kế là 73.300ha, tăng 41.000ha so với năm 2001 chỉ có 32.300ha.
Những công trình thủy lợi quan trọng nhất của Bình Thuận đã phát huy hiệu quả cao như: hồ Sông Quao, huyện Hàm Thuận Bắc, dung tích 73 triệu m3 với năng lực thiết kế tưới 8.120ha; hồ Cà Giây, dung tích 37 triệu m3, cấp nước tưới cho gần 4.000ha đất canh tác của huyện Bắc Bình; hồ Lòng Sông 36,8 triệu m3, tưới cho 4.260ha đất canh tác thuộc huyện Tuy Phong; hồ Sông Móng, dung tích 37 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 4.670ha đất sản xuất của huyện Hàm Thuận Nam.
Khá tương đồng về thời tiết với Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế hơn 194 triệu m3 nước, 30 trạm bơm điện, bốn hệ thống đập dâng lấy nước trên Sông Cái; một số đập thời vụ với tổng chiều dài kênh mương hơn 967km, mỗi năm cấp hơn 22 triệu m3 nước cho hơn 73.000ha đất sản xuất, nước sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được ví như trái tim của hệ thống thủy lợi Ninh Thuận, có vai trò quan trọng trong việc trung chuyển, điều tiết, sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn Sông Cái là nơi có lượng mưa nhiều hằng năm để đưa nước liên thông về các hồ chứa Cho Mo, Thành Sơn, Sông Trâu, Bà Râu, Ông Kinh từng bước ổn định, góp phần giải quyết việc thiếu nước vùng phía bắc của tỉnh.
Nông dân Lê Trọng ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn phấn khởi cho biết: "Các công trình thủy lợi đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn sỏi đá. Nước đến đâu, mầu xanh đến đó, nước về giúp người dân mạnh dạn khai hoang, phục hóa, mở rộng sản xuất. Gia đình ông Trọng canh tác 5 sào ngô, lúa, những năm trước không đủ nước tưới phải luân canh trồng đậu xanh, có vụ bỏ hoang đất. Nay, nhờ có nguồn nước dồi dào từ hệ thống kênh Tân Mỹ đưa về tận đồng ruộng, bảo đảm tưới tiêu giúp năng suất cây trồng tăng cao, thu nhập tăng lên đáng kể.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ðặng Kim Cương cho biết: Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động nguồn lực triển khai 14 dự án hạ tầng thủy lợi. Trong đó, sáu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nâng diện tích chủ động tưới toàn tỉnh lên 60%, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; giúp nhân dân trong vùng dự án có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ một đến hai vụ/năm lên hai đến ba vụ/năm và chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa, đất gò đồi, đất trồng cây màu năng suất kém sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Hồ Ngàn Trươi nằm ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
"Nối mạng" kênh mương để liên thông dòng nước
Năm 2002, kênh chuyển nước Bắc Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam dài 19,87 km có nhiệm vụ chuyển nước từ hồ thủy lợi Ba Bàu về hồ Cẩm Hang được khởi công xây dựng và đã phát huy hiệu quả. Kênh tiếp nước hồ Cà Giây, huyện Bắc Bình dài 9,22km, lấy nước từ nguồn xả thủy điện Ðại Ninh tiếp vào hồ Cà Giây đã đưa diện tích tưới lên 6.650ha, sản xuất lúa từ hai vụ nâng lên ba vụ/năm, tăng hơn hai lần so với thiết kế ban đầu.
Nhờ được bổ sung nguồn nước từ tuyến kênh này, đến nay diện tích tưới ổn định của hồ Cà Giây đã tăng lên 16.578ha, tăng 10.893ha so với khi chưa có công trình; kênh 812-Châu Tá, với chiều dài hơn 33km, có nhiệm vụ chuyển nước từ nguồn sau thủy điện Ðại Ninh về các vùng sản xuất của hai huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc; bổ sung nước cho hồ Sông Quao, tăng năng lực tưới lên 10.500ha; đồng thời bổ sung nước chống hạn cho khoảng 12.000ha đất canh tác thuộc các xã phía nam huyện Bắc Bình (xã Sông Bình, xã Sông Lũy và xã Bình Tân), các xã phía bắc huyện Hàm Thuận Bắc (xã Thuận Hòa, xã Hồng Sơn, xã Hồng Liêm) và khu tưới Sông Quao; đặc biệt là giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi cho các xã dọc theo tuyến kênh và các vùng phụ cận thành phố Phan Thiết. Ðây là công trình nối mạng tạo dấu ấn đặc biệt, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn nơi có tuyến kênh đi qua.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Mai Kiều cho biết, hiện nay, Bình Thuận đã đưa vào sử dụng 12 kênh nối mạng với tổng chiều dài 168,7km, với năng lực thiết kế 37.700ha, trong đó tiếp nước ổn định khu tưới đã có là 19.700ha và mở rộng khu tưới 18.000ha. Kết quả đầu tư các công trình thủy lợi từ khi tái lập tỉnh đã nâng tổng diện tích gieo trồng được tưới của Bình Thuận từ 32.600ha (năm 1992) tăng lên hơn 115.000ha (cuối năm 2021).
Vào mùa khô hằng năm, dung tích của tất cả hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ đủ cấp nước phục vụ sản xuất từ một đến hai vụ/năm, trong khi đó vào mùa mưa lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn và để bảo đảm an toàn các hồ chứa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận phải xả thừa, rất lãng phí.
Cùng với sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ninh Thuận đã thực hiện chiến lược đầu tư xây dựng những công trình liên thông các hồ chứa trên địa bàn tỉnh vừa bảo đảm an toàn các hồ chứa vừa cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích trong khu tưới các hồ chứa từ hai vụ đến ba vụ/năm. Cụ thể như liên thông nước từ hồ chứa nước Sông Biêu, CK7, huyện Ninh Phước cấp nước bổ sung cho khu tưới hồ Tân Giang, huyện Thuận Nam, nhờ đó tăng diện tích tưới từ 1.400ha lên 2.730ha từ hai đến ba vụ/năm.
Liên thông nước từ các hồ chứa Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo bổ sung cấp nước cho hạ du Sông Cái thuộc khu tưới các đập dâng Nha Trinh-Lâm Cấm luôn có đủ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi. Liên thông nước từ kênh nhánh TM20 thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ về hồ chứa nước Thành Sơn, huyện Ninh Hải, bổ sung nước chủ động tưới cho hơn 155ha diện tích canh tác nơi đây và cấp nước chống hạn cho hơn 700ha canh tác vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống đập Nha Trinh-Lâm Cấm, mở ra nhiều triển vọng khôi phục và mở rộng diện tích hoang hóa trước đây.
Ðể khai thác cao nhất hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước, câu chuyện về điều tiết nước liên vùng, chuyển nước từ những nơi thừa tới những khu vực khô hạn, hoặc bổ sung nguồn nước cho những hồ thủy lợi thường xuyên cạn kiệt vào mùa khô ở Bình Thuận, Ninh Thuận là những thí dụ về hiệu quả và vai trò của đầu tư, xây dựng và khai thác tốt các công trình thủy lợi hiện nay, góp phần quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng như đời sống dân sinh.
(Còn nữa)
Hiện nay, nước ta đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000ha. Cả nước hiện có 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên. Tổng năng lực tưới của hệ thống các công trình thủy lợi đạt 4,28 triệu héc-ta, trong đó hằng năm bảo đảm cấp nước cho 7,3 triệu héc-ta đất trồng lúa, 1,72 triệu héc-ta rau màu; hơn 6 tỷ m3 nước sinh hoạt và công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất. |
Nguồn: nhandan.vn