Đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu vụ Đông Xuân

2022.12.20 - 1643 lượt xem

Các địa phương chuẩn bị sẵn phương án nhằm cấp nước phục vụ tưới, tiêu vụ Đông Xuân 2022-2023.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới tại một số địa phương khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, trong đó có TP. Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng các phương án chi tiết nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho bà con.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng - Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN-PTNT)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục quản lý công trình thủy lợi(Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Tình trạng mực nước thấp ở các hệ thống sông sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Đây là một khó khăn lớn mà ngành thủy lợi phải đối mặt”.

Được biết, trong nhiều năm qua công tác lấy nước phục vụ gieo cấy gặp nhiều khó khăn do mực nước ở các hồ chứa, công trình thủy lợi không đáp ứng được đủ lượng nước. Theo thống kê từ trạm thủy văn Hà Nội, khoảng 5-6 năm trước, nước luôn được khống chế ở mức 2,2m.

Đây là mức đảm bảo cho công trình thủy lợi thuận lợi lấy nước, nhưng trong 3 năm trở lại đây, mực nước tại Hà Nội không thể đạt mốc này. Bởi vậy, mặc dù các nhà máy thủy điện thượng nguồn đã vận hành tối đa công suất phát điện, nhưng vẫn không thể dâng mực nước sông Hồng đạt 2,2m tại trạm thuỷ văn Hà Nội như trước.

Hơn nữa, nhu cầu lấy nước giữa các khu vực là khác nhau. Khu vực ven biển thường có nhu cầu lấy nước sớm để kịp thau chua, rửa mặn hệ thống thủy lợi nhằm bảo đảm kịp tiến độ mùa vụ.

Trong khi đó vùng trung du lại lấy nước muộn hơn bởi tập quán canh tác cây vụ đông, thời điểm bà con thu hoạch thường là cận Tết. Chính vì vậy các đợt xả nước tăng cường của các hồ chứa thuỷ lợi cũng phải thiết kế riêng thành nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu cho tất cả địa phương.

Đánh giá về tình trạng các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước giữa các vùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý công trình thủy lợi Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mức độ đầu tư vào công trình thủy lợi ở các địa phương là khác biệt.

Có những nơi đầu tư nhanh hơn, một số địa phương khác lại tỏ ra chậm chạp trong việc bổ sung nguồn nước, bởi vậy các đợt cấp nước buộc phải kéo dài . Ông Hùng chia sẻ thêm: “Khi các công trình thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại hơn thì thời gian lấy nước sẽ rút ngắn rất nhiều, giúp tiết kiệm chi phí.”

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam về các giải pháp để cải thiện công suất cho các công trình thủy lợi, ông Đào Ngọc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết: “Về lâu dài, chúng ta cần phải tiến hành xây dựng các công trình đa mục tiêu, thông minh nằm trên hệ thống sông Hồng để có thể nâng được mực nước, đảm bảo cấp nước thường xuyên để các nhà máy thủy điện không phải xả nước gia tăng”.

Nhằm giải quyết những khó khăn về mực nước sông Hồng bị hạ thấp do khai thác cát quá mức, trước mắt cần sự vào cuộc quyết liệt từ các Bộ, ngành khác như Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an… Một khi giải quyết được vấn đề này sẽ giúp cho việc cấp nước trong vụ đông xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ thuận lợi hơn.

Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về thuỷ lợi cần xem xét, tính toán đến giải pháp xây dựng các công trình để có thể nâng đáy sông Hồng, dâng mức nước lên.

Việc xả nước phục vụ đổ ải, gieo cấy cho vùng đồng bằng sông Hồng buộc phải có sự tính toán kĩ lưỡng, tránh lãng phí do lượng nước đổ ra biển quá lớn, gây ra khó khăn về an ninh điện, an ninh nguồn nước.

Chương trình tọa đàm với chủ đề 'Giải bài toán cấp nước vụ Đông Xuân vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ' do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Nguồn: nongnghiep.vn