Hồ Đồng Mít- 'kiệt tác thủy lợi' giữa đại ngàn

2022.12.05 - 1577 lượt xem

Chốn rừng núi thâm u giữa đại ngàn An Lão (Bình Định) bỗng bừng sáng nhờ công trình đầu mối hồ thủy lợi được xây dựng đẹp như tranh vẽ, đó là hồ Đồng Mít…

Mở ra kỳ vọng cho vùng đất khó

Từ thị trấn An Lão (huyện An Lão, Bình Định), theo hướng tây bắc, chúng tôi đi về xã An Trung, nơi hồ chứa nước Đồng Mít đang tọa lạc giữa 4 bề núi rừng. Con đường trải nhựa lượn 1 vòng lên cao, lên cao dần, công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít hiện ra với các hạng mục được thiết kế hài hòa, mỹ thuật, đẹp như tranh vẽ.

Bao bọc quanh công trình hồ chứa nước Đồng Mít là rừng phòng hộ, rừng keo. Màu xanh của cây rừng hòa quyện với màu xanh của nước sông An Lão được tích trữ trong hồ làm nên một không gian sinh thái đầy thơ mộng.

Theo ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một người cả đời tâm huyết với ngành thủy lợi, trước đây, Bộ NN-PTNT cho chủ trương xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít tại huyện An Lão để giải quyết nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt, nước nuôi trồng thủy sản cho các huyện phía bắc tỉnh do UBND tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.

Thế nhưng nhận thấy hồ Đồng Mít có dung tích chứa lớn, đến 89 triệu khối nước, chỉ đứng sau hồ Định Bình nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) với 226 triệu khối và hồ Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) với 110 triệu khối, nên UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.

“Theo quy hoạch của ngành thủy lợi, phía nam Bình Định, vùng đất có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp đã có hồ chứa nước Định Bình cùng một số hồ khác cung cấp, nên cơ bản đã chủ động được nước tưới; phía bắc Bình Định tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít hơn, nhưng từ trước đến nay chưa có hồ chứa nước nào đủ lớn để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, chỉ toàn những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, nên vào những vụ hè thu thường bị thiếu nước vào cuối vụ, nhất là những năm hạn hán.

Hồ chứa nước Đồng Mít hình thành, ngoài những diện tích sản xuất nông nghiệp ở huyện An Lão, các địa phương lân cận như huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn cũng được hưởng lợi, tiếp đến sau này là các địa phương phía bắc huyện Phù Mỹ. Đặc biệt, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ở huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn nước của hồ Đồng Mít”, ông Trần Châu chia sẻ.

Còn nhớ, vào cuối tháng 2/2019, lễ khởi công xây dựng Dự án hồ chứa nước Đồng Mít được Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tại thượng nguồn sông An Lão đã mở ra kỳ vọng lớn cho sản xuất nông nghiệp phía bắc Bình Định.

Dự án gồm 2 hợp phần chính với tổng vốn đầu tư trên 2.140 tỉ đồng. Trong đó, hợp phần Xây dựng công trình đầu mối do Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư có tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng và hợp phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân vùng lòng hồ do Ban quản lý Dự án NN-PTNT Bình Định làm chủ đầu tư có tổng kinh phí hơn 700 tỉ đồng.

Hồ Đồng Mít dần hình thành. Ảnh: M.P.

“Hồ chứa nước Đồng Mít có diện tích lưu vực 160,3 km2, dung tích thiết kế gần 90 triệu m3. Hồ Đồng Mít và đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn) đi vào vận hành sẽ kết nối với nhau, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 276.000 người dân, phục vụ tưới cho 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du các huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cùng các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ.

Hồ Đồng Mít cũng sẽ tạo nguồn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 267 ha, cải thiện môi trường sinh thái, tạo độ ẩm và chống xâm nhập mặn, giảm lũ cho vùng hạ lưu, tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 230 ha, kết hợp xây dựng nhà máy phát điện công suất 7 MW”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Công cuộc “đại di dời”

Để xây dựng hồ Đồng Mít, diện tích phải thu hồi lên đến 1.300 ha. Bình Định đã phải thực hiện một cuộc “đại di dời” 480 hộ người đồng bào dân tộc Hrê với 1.735 nhân khẩu của xã An Dũng đến nơi ở mới tại 2 khu tái định cư tại các xã An Trung và An Hưng có tổng diện tích khoảng 80 ha.

Đến giờ này, khi hồ Đồng Mít đã được xây dựng hoàn thành, đơn vị chủ đầu tư vẫn còn lưu giữ trong lòng mối cảm kích về công tác di dời dân lòng hồ của ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Bình Định. Việc thực hiện tốt công tác di dời dân đã góp phần giúp hồ Đồng Mít thi công kịp tiến độ.

Hồ Đồng Mít đã hoàn thành, Bộ NN-PTNT chuẩn bị bàn giao cho UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhớ lại: Khi ấy, An Lão xác định nhiệm vụ di dời 480 hộ đồng bào dân tộc Hrê ở xã An Dũng về khu tái định cư để nhường đất xây dựng hồ Đồng Mít là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Công tác di dời được quán triệt trong Đảng, trong hệ thống chính trị rồi mới triển khai đến từng hộ dân. Chưa kể những hộ dân ở trong lòng hồ bị ảnh hưởng phải di dời, vận động được những hộ dân ở các xã An Trung, An Hưng nhường đất để xây dựng khu tái định cư cũng “mướt mồ hôi”.

“Hồi ấy chúng tôi thực hiện công tác di dời theo tinh thần “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” mới tạo được sự đồng thuận lớn”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do Ban quản lý Dự án NN-PTNT Bình Định làm chủ công, thế nhưng người của Ban không phải là dân địa phương nên khó thực hiện. Huyện An Lão phải thành lập tổ công tác, thành viên là các trưởng đầu ngành của huyện, những người thấu đáo mọi mặt về đời sống của đồng bào dân tộc để tổ chức gặp gỡ, vận động bà con. Tổ công tác này có nhiệm vụ rà soát lại chính sách đất đai, đơn giá đền bù đã hợp lý chưa để giải thích cho bà con.

Một góc khu tái định cư hồ Đồng Mít. Ảnh: M.P.

Đặc biệt, việc di dời nghĩa địa nhân dân mà đồng bào Hrê gọi là “rừng ma” của xã An Dũng đã làm tốn hao nhiều công sức của chính quyền địa phương. Do dính tới yếu tố tâm linh, nên huyện An Lão phải nhờ đến các già làng, người có uy tín góp tay.

Đặc điểm của đồng bào Hrê là sau khi chôn người thân đã mất vào “rừng ma”, xong là quên mất, không chăm sóc như người Kinh, nên trong “rừng ma” không có những ngôi mộ riêng biệt như nghĩa địa người Kinh. Vì vậy, để tiến hành giải tỏa nghĩa địa xã An Dũng, ngành chức năng không thể hỗ trợ cho từng ngôi mộ.

Khi ấy, các già làng, người có uy tín ở địa phương phải vận động dân làng, chính quyền hỗ trợ tiền để bà con xã An Dũng tổ chức cúng ma, cán bộ địa phương các cấp về dự, có như thế mới giải tỏa được “rừng ma” để xây dựng hồ Đồng Mít.

“Nếu không cúng ma cho “rừng ma” xã An Dũng thì chắc chắn bà con sẽ không chấp nhận di dời. Bởi, họ quan niệm chưa cúng đưa ông bà đi thì họ cũng sẽ không đi, vì ông bà còn nằm trong lòng hồ. Hiện nay, tất cả người dân lòng hồ thuộc xã An Dũng đã an cư tại nơi ở mới, hầu hết bà con đã nhận ruộng để sản xuất, các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cũng đã thực hiện hoàn tất. Điều kiện sống của bà con tại khu tái định cư tốt gấp 10 nơi ở cũ”, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm, chia sẻ.

Đời sống người dân xã An Dũng ở khu tái định cư hồ Đồng Mít cao gấp 10 nơi ở cũ. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án công trình hồ chứa nước Đồng Mít được Bộ NN-PTNT phê duyệt Thiết kế kỹ thuật vào tháng 9/2018. Theo đó, hồ có đập chính ngăn sông được thiết kế theo công nghệ bê tông đầm lăn có chiều dài 378m, chiều cao đập lớn nhất là 62,6m; đập phụ là đập đất đồng chất dài 126m, chiều cao đập lớn nhất là 13,8 m; với khối lượng bê tông đầm lăn hơn 352.000 m3; bê tông thường hơn 87.000 m3; đào đắp đất đá gần 938.000 m3.

Nguồn: nongnghiep.vn