2022.11.28 - 1401 lượt xem
Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (chương trình) được triển khai tại tỉnh từ năm 2018. UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan, tập trung là Sở NN&PTNT, Y tế, GD&ĐT và UBND các huyện, xã thực hiện chương trình. Trong đó, ngành Y tế được giao phối hợp và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ để đạt 3 mục tiêu chính: 60 xã đạt "vệ sinh toàn xã”, 30 xã đạt "vệ sinh toàn xã bền vững”, 85 công trình nước và nhà tiêu trạm y tế xã được cải tạo, xây mới.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Thị Thủy cho biết: Ngành Y tế tập trung thực hiện chương trình nhằm tăng tỉ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) để cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn, giảm các bệnh liên quan đến vệ sinh trong cộng đồng. Qua đó, góp phần đạt các mục tiêu chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, chương trình được gia hạn đến hết năm 2022.
Để đạt "vệ sinh toàn xã” phải có từ 70% hộ trở lên có NTHVS; 80% hộ trở lên có điểm rửa tay bằng xà phòng; tất cả các trường học, trạm y tế trên địa bàn có nước sạch, công trình vệ sinh và điểm rửa tay đang hoạt động. Trong khi đó, năm 2017 khi chưa thực hiện chương trình, tỷ lệ NTHVS tại nhiều huyện trong tỉnh còn thấp: Đà Bắc 50,7%, Yên Thủy 63,6%, Kim Bôi 63,9%, Tân Lạc 64%... Nhà tiêu không hợp vệ sinh chủ yếu là nhà tiêu một ngăn hoặc hố đào. Đối với trạm y tế, trường học mới có 73,8% trạm, 53,2% trường (điểm chính) có NTHVS.
Quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng gặp những khó khăn về nhân lực ít, nhất là trong giai đoạn chống dịch Covid-19 phải huy động toàn bộ nhân viên y tế. Mặt khác, khi nhập đơn vị hành chính cấp xã, việc lựa chọn xã tham gia chương trình để đảm bảo về đích đúng hạn không dễ. Đặc biệt là nhận thức và điều kiện kinh tế của người dân ở vùng nông thôn là những rào cản. Việc xây dựng, sử dụng, bảo quản NTHVS của đồng bào chưa cao, còn thói quen không rửa tay thường xuyên với xà phòng.
Xác định những thách thức đó, hàng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định rõ lộ trình, mục tiêu cần đạt và công tác phối hợp, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Trong đó, ngành đã triển khai các hoạt động tập huấn cho cán bộ nòng cốt cấp tỉnh, huyện. Lực lượng này tiếp tục triển khai tại các xã, xóm tham gia chương trình với nhiều hoạt động như: Tuyên truyền trên loa phát thanh, lồng ghép trong các cuộc họp xóm, thăm hộ, vẽ bản đồ vệ sinh, vẽ tranh tường truyền thông cổ động vệ sinh toàn xã, thúc đẩy thị trường thiết bị vệ sinh…
Khi mới triển khai, dự án hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 1 triệu đồng, hộ cận nghèo 500 nghìn đồng để xây dựng NTHVS. Từ năm 2020 không còn hỗ trợ mà tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh vì chính mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Khoa học đã chỉ ra, vệ sinh kém liên quan đến nhiều bệnh như tiêu chảy, tả, da liễu, phụ khoa, mắt, tay chân miệng, suy dinh dưỡng... Khi cơ thể suy yếu cũng dễ nhiễm nhiều loại bệnh khác, ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi và kinh tế gia đình. Thông điệp "CLTS”: "Cả làng ta sợ/ Cả làng ta sửa/ Cả làng ta sạch/ Cả làng ta sướng” đã được truyền đi nhằm kích hoạt, giải phóng những động lực sẵn có trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng để họ thấy được vai trò chủ thể, sự cần thiết thực hiện hành vi vệ sinh. Chỉ khi thấy được vệ sinh là nhu cầu tự thân mới có sự bền vững.
Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ dân có NTHVS ở vùng nông thôn trong tỉnh tăng dần theo từng năm; năm 2018 đạt 71,75%, năm 2019 đạt 79,15%, năm 2020 đạt 82,56%, năm 2021 đạt 83,74% và dự kiến hết năm 2022 đạt 85%. Năm 2022, cũng là năm cuối thực hiện chương trình, Sở Y tế đặt mục tiêu: 100% hộ và 100% giáo viên, học sinh các trường (không kể các điểm trường) trong 8 xã "vệ sinh toàn xã bền vững” được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng NTHVS; được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, nước sạch vào các thời điểm quan trọng. 8 trạm y tế xã của 4 huyện có công trình nước sạch và NTHVS, điểm rửa tay đang sử dụng được…
Đến nay, 3 mục tiêu chính ngành Y tế phối hợp và chủ trì thực hiện đã đạt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn. Cụ thể, 60 xã tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh đạt "vệ sinh toàn xã”, 30 xã đạt "vệ sinh toàn xã bền vững (đánh giá lại sau 2 năm đạt vệ sinh toàn xã), 85 công trình nước và nhà tiêu trạm y tế xã được cải tạo, xây mới. Đây là những nền tảng, cơ sở quan trọng để các huyện tiếp tục nhân ra diện rộng nhằm xây dựng nông thôn mới văn minh.
Nguồn: "Báo Hòa Bình Điện Tử"