2022.11.23 - 1297 lượt xem
Trong mấy năm qua, nhiều công trình thủy lợi tại Quảng Bình đã được nâng cấp, sửa chữa. Không chỉ tạo nên nét tươi mới mà nâng cao hiệu quả sử dụng…
Ông Đinh Khánh Hậu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Qua 2 năm, nguồn vốn từ dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã hỗ trợ Quảng Bình 10 công trình hồ chứa nước thủy lợi. Đến nay, mỗi công trình đã khoác lên mình diện mạo mới, mang nét đẹp hiện đại và đang phát huy được hiệu quả sử dụng".
Theo đó, các công trình được đầu tư nâng cấp sửa chữa lớn được phân bố tại huyện Lệ Thủy (3 công trình), huyện Quảng Trạch (4 công trình), còn lại TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Bố Trạch.
Hồ chứa Đập Suôn được sửa chữa đảm bảo an toàn, tích nước. Ảnh: T.P
Cùng với đó, các hoạt động phi công trình về an toàn đập, quy hoạch và quản lý an toàn, quy trình vận hành, tính bền vững của công trình cũng được chú trọng. “Việc sửa chữa, cải tạo các hồ, đập bị hư hỏng về kết cấu và thiếu năng lực xả lũ được thực hiện. Qua đó, đảm bảo cấp nước phục vụ nông nghiệp gần 770 ha; cải tạo tiểu khí hậu vùng, an toàn lũ cho hạ du”- ông Hậu nhấn mạnh.
Dự án WB8 tỉnh Quảng Bình nằm trong danh mục dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Bộ NN-PTNT phê duyệt gồm 2 tiểu dự án. Trong đó, tiểu dự án "Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Phú Vinh và tiểu dự án "Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước (năm 2)".
Đến nay, các đơm vị đã thi công hoàn thành 10 hồ chứa (Phú Vinh, Thanh Sơn, Đập Làng, Vũng Mồ, Long Đại, Đồng Suôn, Thạch Trường, Cây Bốm, Bưởi Roi và Đồng Vạt) và đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Ông Phạm Chính Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT Quảng Bình cho biết: “Giá trị thực hiện và giải ngân đạt 90%, được nhà tài trợ WB, Bộ NN-PTNT, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO)… đánh giá cao về chất lượng và tiến độ xây dựng công trình qua các đợt kiểm tra định kỳ”.
Các công trình thủy lợi được nâng cấp sửa chữa đều được đánh giá cao về mặt chất lượng, thẩm mỹ. Mỗi công trình được mang một dáng vẻ riêng.
Nhiều hồ chứa trước đây bị thấm qua đập, qua cửa cống nên lượng nước tích chỉ đạt một nửa. Đến bây giờ, thượng nguồn con đập là hồ nước mênh mông. Chưa qua hết mùa mưa năm nay, nhưng lượng nước ở các hồ chứa đã xấp xỉ đạt ngưỡng.
Hồ Đồng Vạt tạo nên nét đẹp giữa vùng đồi như một điểm du lịch. Ảnh: T.P
Chúng tôi về xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch), khi công trình Đập Suôn được bàn giao đưa vào sử dụng. Đập thủy lợi này được thi công xây dựng năm 1985, có dung tích trên 2,1 triệu m3 nước, tưới cho gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Qua hơn 30 năm sử dụng, hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi được nâng cấp, sửa chữa, công trình đập hồ chứa Đồng Suôn được khoác lên mình tấm áo mới.
Con đập chính của hồ chạy dài vững chắc giữa vùng trời nước mênh mông. Mái hạ lưu con đập được xây rãnh, mặt đập trồng cỏ ngăn sạt lở theo từng ô vuông lớn.
Theo những con đường bê tông rộng, đi qua vùng dân cư, đồi núi thoai thoải, chúng tôi đến hồ Đồng Vạt (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch),
Hồ chứa Đồng Vạt được xây dựng từ năm 1980 nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Không đảm bảo an toàn và tích nước sử dụng hữu ích. “Trước đây, lòng hồ thường cạn nước. Nhưng bây giờ, nước đã được tích đầy”, ông Phạm Chính Lâm cho biết.
Đập chính của hồ Đồng Vạt được đầy tư thật vững chắc chạy lượn mềm như ôm lấy lòng hồ đẹp như tranh vẽ. Con đường dẫn cũng được đổ bê tông chắc chắn và rộng rãi, chạy vòng nhẹ xuyên qua giữa những tán cây.
Nhiều công trình thủy lợi mang nét đẹp tươi mới giữa núi đồi. Ảnh: T.P
Ông Lê Văn Hải, nông dân xã Quảng Phương cho hay, trước đập bị rò nước nên hồ thường bị cạn. Mùa hè cũng không có nước dẫn về ruộng. “Nay thì khác rồi. Hồ chứa nước nhiều lắm và không còn thấm chảy nữa. Bà con vui mừng vì làm ruộng đủ nước được mùa”- ông Hải nói trong niềm vui.
Khi nói về hiệu quả các công trình thủy lợi, ông Phạm Chính Lâm cho biết, ngoài yếu tố thẩm mỹ thì các công trình bảo đảm được nhiệm vụ tưới, cấp nước trên địa bàn.
“ Nhờ những công trình này đã giúp người dân thêm niềm vui được mùa trong sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa là người dân thực sự an tâm khi mùa mưa bão đến”, ông Lâm nói thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn