2022.11.08 - 1067 lượt xem
Hệ thống kênh thủy lợi nội đồng xã An Khương, huyện Hớn Quản đầu tư từ nhiều năm trước, đang hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn xã có hàng trăm héc ta đất trồng lúa nhưng chỉ gần một nửa trồng được 2 vụ, muốn phát triển diện tích lúa 3 vụ phải đầu tư thêm hệ thống kênh mương nội đồng. Năm 2021, dự án xây dựng hệ thống kênh thủy lợi nội đồng xã An Khương được triển khai thi công, người dân rất phấn khởi, sẵn sàng giải phóng mặt bằng nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, bồi thường dẫn đến dự án chậm hoàn thành.
Mong hệ thống kênh sớm hoàn thành
Theo thiết kế, dự án xây dựng hệ thống kênh thủy lợi nội đồng xã An Khương dài gần 7km, bao gồm sửa chữa, nâng cấp 2.847m kênh chính; xây dựng mới và sửa chữa 3.066m kênh nhánh; sửa chữa, nâng cấp 820m kênh tưới. Ngoài ra, xây dựng mới đường bê tông dọc tuyến kênh với chiều dài 2,8km. Tổng kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh.
Gia đình ông Điểu Cảnh sinh sống và làm ruộng tại ấp 3, xã An Khương. Khu vực này chưa có kênh thủy lợi nên cứ hết mùa mưa là thiếu nước tưới. Vì vậy, mỗi năm ông chỉ canh tác 1 vụ lúa. Với 8.000m2 đất ruộng, mỗi vụ thu khoảng 3 tấn lúa, sau khi trừ chi phí còn hơn 10 triệu đồng, không đủ trang trải chi tiêu trong gia đình. Xung quanh nhà ông cũng có nhiều hộ dân tộc S’tiêng sống bằng nghề trồng lúa và việc sản xuất của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Ai cũng mong Nhà nước sớm xây dựng thêm kênh thủy lợi để có thể gieo trồng 3 vụ, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Lê Hoàng Phi Vũ (giữa) đã cưa cây cao su và bàn giao mặt bằng làm tuyến đường dọc kênh thủy lợi, nhưng vẫn chưa nhận được tiền đền bù
Để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng kênh thủy lợi, toàn xã có 20 hộ phải giải phóng mặt bằng. Trong đó, gia đình ông Điểu Cảnh là một trong 7 hộ trong diện thu hồi đất để xây dựng mới đoạn kênh cuối tuyến dài 426m. Cuối năm 2020, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hớn Quản tiến hành cắm mốc, kiểm kê, áp giá tài sản, cây trồng trên đất cho các hộ dân. Đến nay, 2 năm trôi qua, người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
“Khu vực này, mùa khô không có nước nên bà con không trồng được lúa. Vì vậy, người dân rất đồng tình khi Nhà nước làm kênh thủy lợi. Từ khi Ban Quản lý dự án và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cắm mốc đến nay đã 2 năm, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Bà con chờ đợi lâu và đã nhiều lần ý kiến. Khi nào nhận được tiền thì gia đình tôi mới giao đất cho đơn vị thi công. Mong các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ để kênh thủy lợi dẫn nước về ruộng”. Ông Điểu Cảnh, ấp 3, xã An Khương, huyện Hớn Quản |
Xã An Khương có hơn 60% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân phát triển kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và các loại cây dài ngày. Toàn xã có 260 ha đất trồng lúa, trong đó lúa 2 vụ là 120 ha, còn lại trồng 1 vụ vì thiếu nước tưới. Do đó, việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng sẽ đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng, tạo thuận lợi để người dân tăng diện tích và sản lượng lúa hằng năm.
Mòn mỏi chờ tiền đền bù
Tháng 3-2021, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng xã An Khương được khởi công. Theo quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, thời gian thi công xây dựng là 540 ngày. Trước khi triển khai thi công kênh thủy lợi, chính quyền địa phương đã phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chấp hành giải phóng mặt bằng và việc nâng cấp, xây dựng mới thêm kênh thủy lợi dẫn nước vào nội đồng, phục vụ sản xuất lúa cũng là mong ước chung của nhiều người. Vì vậy, không đợi đến khi địa phương vận động, các hộ dân đã tự nguyện chấp hành giải phóng mặt bằng. Điển hình như anh Lê Hoàng Phi Vũ tự giải tỏa 1.500m2 đất cao su vào tháng 6 để làm tuyến đường dọc kênh chính thủy lợi. Đến nay, anh vẫn chưa nhận được biên bản áp giá bồi thường.
Một đoạn kênh thủy lợi đã được nâng cấp, sửa chữa
Trước những kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư và các ngành chức năng sớm đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Ngô Công Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: “Dự án triển khai 2 năm nay nhưng chưa thực hiện xong công tác bồi thường. Hiện còn đoạn kênh cuối tuyến chưa thi công. Qua những lần tiếp xúc cử tri, người dân ý kiến khi nào giao tiền thì họ mới bàn giao mặt bằng. Địa phương sẽ thành lập đoàn tiếp tục đi vận động các hộ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.
Hiện nay, những đoạn không vướng giải phóng mặt bằng đã hoàn thành việc sửa chữa. Riêng đoạn xây dựng mới đã thi công 50m trong tổng 426m. Ngoài vướng giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công còn gặp những khó khăn khác. Ông Nguyễn Duy Thắng, chỉ huy trưởng công trình xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng xã An Khương cho biết: “Năm 2021, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, công trình tạm dừng thi công dài ngày. Năm nay, mưa nhiều khiến việc thi công hệ thống kênh và đường bị gián đoạn, đến đầu tháng 9 mới khởi động trở lại. Dự án chỉ mới hoàn thành 80% khối lượng, chậm tiến độ so với dự kiến. Đơn vị cũng đã đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 31-12 năm nay”.
Con đường đất dọc kênh thủy lợi lầy lội sau mỗi trận mưa
Được biết, công tác áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn kênh 426m cuối tuyến gặp trở ngại do thay đổi chính sách trong quá trình Trung tâm Phát triển quỹ đất xây dựng đơn giá và phương án bồi thường, hỗ trợ trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, tháng 6-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND về việc ủy quyền xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, hồ sơ bồi thường được trả lại cho UBND huyện Hớn Quản thẩm định phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đến tháng 8-2022, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 265/TB-UBND tạm dừng thực hiện Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Do đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải lập lại hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm định phê duyệt. Từ đó dẫn đến thời gian thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài.
Trong các lần áp giá mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất chỉ mới xây dựng đơn giá đền bù đất lúa nhưng chưa áp giá bồi thường cây lúa trên đất. Do đó, hồ sơ bồi thường phải làm lại trình Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang đôn đốc đơn vị thi công cố gắng hoàn thành công trình trong năm 2022. Ông PHAN VĂN DIẾN, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hớn Quản trả lời phỏng vấn của phóng viên trong tháng 9-2022 |
Đến nay, con đường dọc tuyến kênh chỉ mới được rải đá, chưa biết bao giờ thảm bê tông. Thời điểm này, mỗi khi trời mưa, con đường đất dọc tuyến kênh rất lầy lội, khiến phương tiện khó lưu thông. Trong khi công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn giậm chân tại chỗ, do đó người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng để xây dựng đoạn kênh cuối tuyến. Hơn ai hết, người dân địa phương rất mong công trình sớm hoàn thành, góp phần cải tạo môi trường sinh thái vùng khô hạn. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông cũng là điều kiện cần để xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn: Bình Phước Online