2022.11.02 - 2325 lượt xem
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là công trình đầu tiên ứng dụng đường ống thép dẫn nước có đường kính 2m. Đây cũng là hệ thống liên hồ chứa đầu tiên tại Việt Nam.
Cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ - tỉnh Ninh Thuận, có dung tích 219 triệu m3. Ảnh: Đình Thung.
Một số chuyên gia chia sẻ rằng: “Đúng như tên gọi của dự án, Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ mang vẻ đẹp hoàn mỹ từ thẩm mỹ, chất lượng, ứng dụng công nghệ tân tiến trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí cho tới bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam”.
Đầu tư công xưởng để tuyển 140.000 tấn tro bay đạt tiêu chuẩn Mỹ
GS. TS Phan Sỹ Kỳ - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổ trưởng Tổ Chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT chia sẻ: Để xây dựng được 900.000 m3 bê tông của đập dâng hồ Sông Cái thuộc Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là vấn đề rất khó. Bởi, nếu là bê tông truyền thống thì 1m3 cần khoảng 300 – 400kg xi măng. Khối bê tông càng lớn, dùng càng nhiều xi măng và nước thì quá trình thủy hóa càng mạnh dẫn đến nhiệt lượng trong lõi tăng cao gây ứng xuất, giãn nở không đều và nứt toác bê tông lúc tuổi còn non.
Bởi vậy, không thể đổ bê tông một cách liên tục được mà phải chờ nhiệt độ bê tông giảm xuống rồi mới đổ được lớp tiếp theo, cho nên tiến độ thi công sẽ bị chậm lại.
Còn nếu chọn giải pháp đổ bê tông đầm lăn, thay thế một phần xi măng bằng tro bay (hoặc khoáng Puzolan) thì 1m3 bê tông chỉ cần sử dụng dưới 100kg xi măng (thay vì 300 – 400kg/1m3 như bê tông truyền thống), như vậy hiệu quả là rất lớn. Đặc biệt, khối bê tông tro bay vừa thấp vừa có khả năng tản nhiệt nhanh hơn bê tông thường.
Với đập Tân Mỹ, để đổ hơn 900.000 m3 bê tông đầm lăn cần 140.000 tấn tro bay. Nếu chở tro bay từ nhà máy nhiệt điện Phả Lại ngoài miền Bắc vào Ninh Thuận với quãng đường trên 1.000km thì quá tốn kém.
Trong khí đó, chất lượng tro bay của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (cách công trường thi công khoảng 80km) lại không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ (vì chưa đầu tư xưởng tuyển). Bởi vậy, dự án quyết định đầu tư xưởng tuyển tro bay ngay tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để tận dụng nguồn vật liệu giá rẻ tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Đập dâng hồ chứa nước Sông Cái nhìn từ trên cao. Ảnh: Đình Thung.
Hoàn mỹ như Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ
Theo GS. TS Phan Sỹ Kỳ, công trình đập Tân Mỹ bắt đầu thi công từ tháng 6/2019 đến khoảng tháng 12/2020 là hoàn thành khối lượng đổ bê tông. Đó là kỷ lục rất lớn của ngành thủy lợi. Nếu đắp đập bằng đất đá, chắc chắn công trình không thể hoàn thành được trong thời gian ngắn như vậy. Lý do là vì bê tông đầm lăn có thể thi công cả mùa mưa lẫn mùa khô, còn đập đất thì mùa mưa công trường phải ngừng hoạt động.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 5.951 tỷ đồng. Là công trình đa mục tiêu, liên tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là trái tim của thủy lợi Ninh Thuận. Trong đó, hồ Sông Cái có dung tích trữ 219 triệu m3, lớn hơn tổng dung tích 21 hồ chứa hiện có của tỉnh Ninh Thuận. |
Đó là chưa kể bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trong cả nước và diễn biến hết sức phức tạp, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động cán bộ kỹ thuật, nhân công vận chuyển vật tư thiết bị đến công trường.
Đặc biệt, công trình đập Tân Mỹ kế thừa được tất cả những ưu điểm giải pháp bê tông đầm lăn trên thế giới và Việt Nam (từ kinh nghiệm xây dựng hồ Nước Trong, Định Bình, Bản Mồng,...). Đây là đập bê tông dài nhất Việt Nam, xây dựng đẹp nhất và chất lượng thuộc loại tốt nhất.
Bằng chứng là sau khi làm xong công trình, Hội đồng thẩm định đã khoan mỗi đập phụ 1 lỗ từ đỉnh xuống tận đáy (riêng đập chính khoan 2 lỗ) để kiểm tra, kết quả được các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá ở mức rất tốt so với các “siêu công trình” đập bê tông thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát…
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cũng là công trình đầu tiên của Việt Nam được đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống kín để phục vụ tưới cho vùng hạ du. Điểm đầu là hệ thống đập dâng Tân Mỹ và điểm cuối ở huyện Thuận Bắc.
Đặc biệt, ống thép có đường kính lên tới 2m, chịu được áp lực rất lớn. Bởi đập hồ chứa nước Sông Cái được xây dựng tại cao trình 100m so với mực nước biển, vận tốc nước min là 44m/giây. Trong khi đó, đập nhà máy thủy điện Sông Đà thấp hơn rất nhiều nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng vỡ đường ống dẫn nước.
Một góc hồ chứa nước Sông Cái. Ảnh: Đình Thung.
Để làm được điều đó, đường ống nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được thiết kế theo dạng xoắn liên tục, được làm từ thép dày 12cm. Toàn bộ quá trình thi công, lắp đặt, hàn đều áp dụng cơ giới thay vì làm thủ công. Bởi, không có người nào có thể chui vào sâu bên trong đường ống để hàn các mối nối (dài 6m/đoạn) như vậy.
Giải pháp đường ống dẫn nước đã khắc phục các bất lợi về khí hậu khắc nghiệt, lượng bốc hơi lớn tạo tiền đề cho áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đồng thời xây dựng hình mẫu cho công tác quản lý vận hành tự động hóa, hiện đại hóa trong các giai đoạn đầu tư tiếp theo để hoàn thiện dự án.
Kênh bằng ống kín rất phù hợp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trước đây, người dân muốn sản xuất nông nghiệp theo quy mô đại trang trại, phải tạo áp mới có thể sử dụng, còn nay nguồn nước có sẵn, người dân chỉ việc dùng.
Vừa xây dựng hoàn thành, vừa vận hành để chống hạn
Trong quá trình đầu tư xây dựng, Bộ NN-PTNT đã tập hợp và nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực địa chất, thủy văn, kết cấu, thủy công, vật liệu xây dựng… góp phần tối ưu hóa các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình sớm góp phần chống hạn cho địa phương.
Cụ thể, với phương châm xây dựng đến đâu kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất đến đó, từng bước phát huy hiệu quả đầu tư, đến nay công trình đã hoàn thành 29,6km đường ống chính, kịp thời cấp nước chống hạn cho hơn 7.400ha đất canh tác.
Trước đó, từ 2018 đến 2020, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tổ chức thi công, thông nước kỹ thuật và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành đến km22 và đảm bảo nước tưới cho hơn 4.700 ha, tạo nguồn cấp nước chống hạn cho 400 ha khu tưới các hồ Phước Trung, Phước Nhơn và Thành Sơn, đặc biệt là tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và đảm bảo nước tưới cho cây lâu năm các xã bị hạn nặng như Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Phước Trung.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ mang vẻ đẹp hoàn mỹ từ thẩm mỹ, chất lượng, ứng dụng công nghệ tân tiến trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí cho tới bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Ảnh: Đình Thung.
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là dự án đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận, một trong những vùng khô hạn nhất nước.
Đây cũng là hệ thống liên hồ chứa (gồm 4 hồ: Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh) đầu tiên của Việt Nam. Việc đầu tư dự án có những tư duy đột phá về giải pháp thủy lợi chuyển nước từ Lâm Đồng (nơi có lượng mưa nhiều) về Ninh Thuận tại hồ chứa Sông Cái để cấp nước trực tiếp cho vùng dự án, cấp bổ sung cho các hồ còn thiếu nước trong khu vực tạo thành kết nối mạng hồ chứa.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng một công trình đồ sộ và kỳ vĩ như vậy nhưng không để xảy ra một thương vong nào. Trong khi đó, cách công trình Thủy điện Hòa Bình khoảng 300m về phía hạ lưu sông Đà có hẳn một Đài tưởng niệm. Nơi đây đặt trang trọng 168 tấm bia đá ghi danh 168 người đã hy sinh trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô). Điều đó cho chúng ta thấy rằng, ngoài việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chúng ta còn luôn quan tâm đến vấn đề an toàn lao động.
Ngày 16/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong khu vực; đồng thời đề nghị Bộ, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu sử dụng hiệu quả hơn nữa lòng hồ, mặt hồ. Trong đó nghiên cứu khả năng phát triển điện mặt trời trong khu vực hồ, bởi khu vực hồ xa đường dây tải điện quốc gia, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản. |
Nguồn: nongnghiep.vn