2022.10.31 - 1544 lượt xem
Vừa qua, tại tỉnh Bắc Kạn, đã diễn ra Hội thảo giới thiệu công nghệ ép cọc PRESS–IN sử dụng cừ ván thép chống thấm cho đập đất và hồ chứa thủy lợi.
Chương trình do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn và tổ chức Jica tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số tổng cục thuộc Bộ NN-PTNT, viện nghiên cứu, trường đại học, các ban quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi và đại diện Sở NN-PTNT 16 tỉnh.
Công nghệ “Press-in” là công nghệ ép tĩnh cọc với khả năng giảm thiểu tiếng ồn và rung động trong thi công thay cho phương pháp thi công bằng búa rung hay búa đóng cọc truyền thống. Công nghệ ép cọc “Press-in” có thể thi công tại nhiều địa hình phức tạp như công trường chật hẹp, thi công bị cản trở trên cao, trên sườn dốc, bờ kè và thi công trên mặt nước.
Công nghệ “Press-in” với phương pháp thi công bằng công nghệ khoan cắt kết hợp với hệ thống phun nước áp lực cao đã giải quyết triệt để hạn chế mà ép cọc truyền thống không thể thực hiện được khi gặp địa chất khó khăn như nền cứng, đá, đá cuội.
Các đại biểu tham quan mô hình ép cọc công nghệ ép cọc PRESS–IN. Ảnh: Ngọc Tú.
Hội thảo đã giới thiệu công nghệ ép cọc đơn lẻ, ép cừ kết hợp với xói nước, ép cừ vào nền đất cứng, biện pháp ép cừ trong không gian hẹp và biện pháp tĩnh không hạn chế. Công bố thông tin về kết quả khảo sát ứng dụng công nghệ ép cọc PRESS–IN tại Việt Nam, giới thiệu các tiêu chuẩn cọc cừ, chỉ dẫn thiết kế, thi công và giám sát việc thi công bằng công nghệ ép cọc PRESS–IN.
Các đại biểu dự hội thảo cũng được giới thiệu một số công trình thực tế đã thi công theo công nghệ ép cọc PRESS–IN sử dụng cừ ván thép chống thấm tại một số nước như công trình hồ Koshiozu (tỉnh Aichi, Nhật Bản); hồ Miyama (tỉnh Kochi, Nhật Bản và hồ Barn Island (Vương quốc Anh).
Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo PGS.TS Lê Thanh Hùng, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, hiện nay Việt Nam vẫn sử dụng các công nghệ chống thấm truyền thống, tuy nhiên các giải pháp truyền thống độ bền chỉ được 15 năm đến 20 năm thì có thể thấm lại và phải xử lý. Do đó, với công nghệ ép cọc PRESS–IN sẽ giải quyết được những nhược điểm đó. Công nghệ ép cọc tĩnh sử dụng cừ ván thép chống thấm rất phù hợp với thực tế tại Việt Nam, đặc biệt là đập đất và hồ thủy lợi tại các tỉnh miền núi.
Trong khi đó, theo ông Thái Quốc Hiền, Giám đốc Trung tâm Công trình đồng bằng, ven biển và đê điều, Viện Thủy Công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), với công nghệ truyền thống một số công trình gặp địa chất đá cuội, sỏi hoặc nền đá phong hóa mà cần chống thấm khu vực đấy thì chúng ta không thực hiện được. Với công nghệ ép cọc PRESS–IN, quan trọng nhất là dùng mũi khoan để phá và đưa cừ xuống sâu hơn trong lớp đá cuội mà hiện nay chúng ta chưa làm được. Đây là công nghệ mới rất phù hợp với nước ta.
Ông Thái Quốc Hiền, Giám đốc Trung tâm Công trình đồng bằng, ven biển và đê điều, Viện Thủy Công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) giới thiệu tiêu chuẩn cọc cừ, chỉ dẫn thiết kế, thi công và giám sát việc thi công bằng công nghệ ép cọc “Press-in”. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 934 hồ chứa xuống cấp cần sửa chữa. Phần lớn những hồ chứa này được xây dựng cách đây hàng chục năm, thậm chí vài chục năm, chủ yếu thân đập đắp bằng đất.
Những năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố về đập, hồ chứa thủy lợi (Năm 2017 có 23 vụ; 2018 xảy ra 12 vụ; 2019 cả nước bị 11 sự cố). Do đó, việc áp dụng công nghệ mới trong gia cố, sửa chữa hồ, đập là rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí đầu tư.
Nguồn: nongnghiep.vn