3.000 tỷ và ‘thu hồi vốn’ chỉ sau một trận lũ

2022.10.11 - 2312 lượt xem

Sau hơn 5 năm vận hành, hồ chứa nước lớn thứ ba của cả nước không chỉ cắt lũ hiệu quả mà còn 'giải khát' cho đồng ruộng và cân bằng hệ sinh thái.

Ngăn "bom nước" dội xuống hạ du

“Chưa mưa đã lụt” là cụm từ cửa miệng phác họa trọn vẹn yếu tố khắc nghiệt của thời tiết ở vùng đất Hà Tĩnh nói chung, “rốn lũ” xã Đức Hương, huyện Vũ Quang nói riêng.

Năm 2020 hồ Ngàn Trươi giữ lại 500 triệu m3 nước trong thời điểm mưa xối xả nhằm cắt lũ cho hạ du. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Với một công trình thủy lợi đa mục tiêu như hồ Ngàn Trươi, việc đánh giá hiệu quả cần một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, bước đầu, sau hơn 5 năm chặn dòng, phải khẳng định nguồn nước Ngàn Trươi đã tưới ổn định cho hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của 6 huyện, thị xã, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Cung cấp nước sạch phục vụ dân sinh; đồng thời cắt lũ, giảm lũ cho vùng hạ du. Đặc biệt, khi mặn xâm nhập qua cống Đò Điệm, hồ Ngàn Trươi đã bổ sung kịp thời nước ngọt cho sông Nghèn để tạo nguồn cho các trạm bơm địa phương tưới chống hạn”.

Ngày chưa hình thành đại công trình thủy nông Ngàn Trươi – Cẩm Trang, tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là nỗi ám ảnh của hàng ngàn hộ dân nơi đây. Những thôn thấp lũ như Hương Đại, Hương Tân, Hương Thọ chưa bao giờ hình thành suy nghĩ xây dựng căn nhà khang trang hay chăn nuôi quy mô lớn, bởi sau một trận “đại hồng thủy”, bao nhiêu tài sản đều trôi theo dòng nước bạc, nhà cửa, vườn tược tan hoang, xác xơ. Các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương cũng vì thế mà càng làm càng rối.

Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2010, hơn 80% hộ dân 3 thôn Hương Đại, Hương Tân, Hương Thọ nước lũ ngập tận nóc nhà, chính quyền và lực lượng cứu hộ chỉ kịp di dời người và một phần tài sản đến nơi tránh trú an toàn. Hay đợt lũ năm 2016, tuy không dữ dội như năm 2010 nhưng cũng nhấn chìm 70% số hộ với đỉnh lũ lên đến gần 4 mét.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4), Bộ NN-PTNT, bảo: “Mới nghe qua đầu tư 3.000 tỷ để xây dựng một hồ chứa thủy lợi, ai cũng hốt hoảng, nghĩ bụng biết đến bao giờ mới hết khấu hao. Tuy nhiên, nhìn lại con số thống kê thiệt hại của bà con trong các đợt lũ lịch sử những năm qua, có thể thấy chúng ta đã thu hồi vốn sau một trận lũ”.

Viện dẫn hiệu quả của đại công trình Ngàn Trươi sau khi chặn dòng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hương, ông Nguyễn Nam Thắng cho hay, trước năm 2017 hầu như hộ dân nào trong xã cũng phải trang bị thuyền hoặc xây nhà tránh lũ nhưng sau khi hồ chứa này đi vào vận hành, việc điều tiết nước hợp lý trong giai đoạn mưa xối xả đã cắt được lũ cho hạ du.

“Bây giờ thuyền bà con gác lên chạn, còn nhà tránh lũ được sử dụng để chứa nông sản, thức ăn cho gia súc. Dịp nào mưa lớn, bà con di dời tài sản lên tuyến đường trên kênh Ngàn Trươi để tránh trú, còn mùa nắng tuyến đường này được sử dụng để phơi lúa, phơi rơm. Không ngoa khi nói Ngàn Trươi là công trình lợi đơn lợi kép”, ông Thắng nhấn mạnh.

Số liệu lưu trữ tại Ban 4 một lần nữa khẳng định, vai trò cắt lũ, giảm lũ cho hạ du của hồ Ngàn Trươi trong những năm qua đặc biệt hiệu quả. Điển hình là trận lũ lịch sử năm 2020, nhấn chìm một số huyện phía nam Hà Tĩnh như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh…

Nhà tránh lũ nay chỉ dùng để chứa nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời điểm đó, lượng mưa đo tại các địa phương trên trong một ngày lên đến hơn 1.000mm thì tại khu vực huyện Vũ Quang, Hương Khê cũng xấp xỉ 1.000mm. Trong lúc nước sông Ngàn Sâu cuồn cuộn đổ về hạ du, để cắt lũ, Ban 4 đóng cửa tràn, giữ lại 500 triệu m3 nước trong hồ Ngàn Trươi.

“Thử hình dung xem, nếu “quả bom nước” 500 triệu m3 dội xuống hạ du kết hợp mưa tần suất 2%, tôi dám chắc nhà dân ở huyện Vũ Quang, Đức Thọ… phải ngập đến tận nóc”, ông Hoàng Xuân Thịnh vừa chỉ tay vào nhật ký vận hành hồ chứa lưu trữ trên máy tính vừa nói.

Hết thời “ăn đong”

Sau cắt lũ, nước hồ Ngàn Trươi tưới mát cho hơn 3.000 ha cây ăn quả có múi của người dân các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn… Đây là cây trồng chủ lực, mỗi năm mang lại hàng trăm tỷ đồng cho người sản xuất.

Hiện nước từ hồ Ngàn Trươi đang tưới mát cho gần 12.000 ha đất lúa ở các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, một phần huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà. Ảnh: Tùng Đinh.

Vựa cam xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) có 1.500 hộ dân thì có đến gần 1.000 hộ trồng cam, với tổng diện tích hơn 490 ha. Ngày trước, nguồn nước tưới cho cam chủ yếu lấy từ ao hồ, tuy nhiên, những năm hạn nặng, nước hồ cạn kiệt, cả đồi cam hàng trăm gốc héo rũ, chết khô. Mấy năm nay, nước Ngàn Trươi bổ sung cho các ao hồ liên tục nên cam Đức Lĩnh xanh tươi bốn mùa, năng suất, chất lượng đều vượt trội hơn so với những vùng cam thiếu nước.

Đối với nhiệm tưới cho cây lúa, từ năm 2017 đến nay gần 12.000 ha ở các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, một phần huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà không bao giờ thiếu nước, kể cả nước tưới sản xuất rau màu vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh – đơn vị đang quản lý, vận hành 16,2 km kênh chính Ngàn Trươi khẳng định, nước Ngàn Trươi đã thay thế hoàn toàn nguồn nước lấy từ sông La qua trạm bơm Linh Cảm.

Trước đây, vụ hè thu việc phục vụ tưới cực kỳ căng thẳng, đặc biệt, những thời điểm nước sông La cạn kiệt, cán bộ trạm bơm phải phân ca trực 24/24h chờ nước dâng để vận hành máy. Thời gian bơm tưới mỗi đợt kéo dài 19 - 20 ngày, ngốn chi phí tiền điện hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Mùa nắng hạn, nguồn nước Ngàn Trươi đã cứu sống hàng ngàn ha cây ăn quả có múi. Ảnh: Tùng Đinh.

“Sau khi vận hành tưới tự chảy từ hồ Ngàn Trươi, việc lấy nước chủ động, kịp thời hơn, rút ngắn thời gian xuống còn 10 – 12 ngày/đợt. Đặc biệt, mỗi năm ngoài tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng tiền điện, đơn vị còn giảm được hàng trăm triệu chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng trạm bơm. Quan trọng nhất, những diện tích cuối kênh trước đây “khát” nước nay không bao giờ thiếu nước”, ông Thắng thông tin thêm. 

Hơn 30 ha đất nông nghiệp ở xứ đồng Cồn Trùa, Đồng Dài, Khenh Pheo thuộc 3 thôn Hương Đại, Hương Tân, Hương Thọ - xã Đức Hương, huyện Vũ Quang bao đời nay bỏ hoang vì hạn hán, lũ lụt.  Mùa nắng, gió lào thổi đổ rạp cả cánh đồng ngô, mùa mưa đậu chưa kịp thu hoạch đã bị lũ nhấn chìm, mất trắng.

Thiên tai hoành hành năm này qua năm khác đẩy người dân Hương Đại, Hương Tân, Hương Thọ lâm cảnh khốn khó, đói nghèo. Họ phải “ăn đong” từng bữa, thậm chí “mùa đậu xanh năm nay đã ăn hết mùa đậu xanh năm sau (tiền bán đậu năm sau đã ứng mua gạo ăn từ mùa đậu năm nay - PV)”.

“Trước thiếu gạo ăn như vậy nhưng hơn 3 năm nay bà con đã có thóc tấn cất bồ nhờ sản xuất năm hai vụ lúa. Các ki ốt kinh doanh gạo trên địa bàn phải đóng cửa vì không bán được hạt nào”, anh Nguyễn Phú Thành, vừa là cán bộ xã vừa là hộ dân tiên phong “đánh thức” cánh đồng hoang chia sẻ.

Vụ Xuân năm 2019, anh Thành thuê lại hơn 1 mẫu ruộng bỏ hoang ở đồng Cồn Trùa, Đồng Dài, Khenh Pheo với giá 250 ngàn đồng/sào để sản xuất lúa. Lúc bấy giờ nhiều người còn nghĩ anh “điên” khi đầu tư vào diện tích đất chưa bao giờ sinh lãi, nhưng kết thúc vụ thu hoạch cả xã trầm trồ bởi ruộng nào cũng trĩu bông, vàng óng, năng suất thu về trên dưới 3,4 tạ/sào. Đặc biệt vụ hè thu năm 2021, dù các xã, các huyện khác trên địa bàn tỉnh giảm năng suất nhưng lúa của người dân Đức Hương vẫn đạt gần 2,4 tạ/sào, một con số chưa từng có trong lịch sử.

Nhận thấy anh Thành sản xuất hiệu quả, một số hộ dân xin lại ruộng để canh tác, kể từ đó cánh đồng 30 ha hồi sinh, mỗi năm đem về hơn 300 tấn lúa cho nông dân, giải quyết triệt để bài toán thiếu gạo ăn.

Anh Thành bảo: “Cha ông từng nói “nhất nước, nhì phân…”, kể từ khi công trình Ngàn Trươi vận hành, dân Đức Hương được hưởng lợi cực kỳ lớn. Đồng ruộng hết “khát” vào mùa hè, thoát ngập úng vào mùa mưa, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

32 hòn đảo lớn nhỏ trong khu vực lòng hồ là điều kiện thuận lợi để Vũ Quang phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Ảnh: Tùng Đinh.

Bây giờ, khi chưa đầu tư đồng bộ được hệ thống kênh nhánh, để khai thác tối đa hiệu quả nguồn nước Ngàn Trươi, Bộ NN-PTNT và tỉnh Hà Tĩnh đang hướng đến nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái khu vực lòng hồ, gắn với Vườn quốc gia Vũ Quang. Đồng thời, phát điện nhằm tăng nguồn thu cho cho ngân sách.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ, năm 2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái thuộc VQG Vũ Quang với diện tích 70 ha. Nơi đây ngoài hệ thống động thực vật phong phú; phong cảnh hữu tình còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Đặc biệt, khu vực lòng hồ có 32 hòn đảo lớn nhỏ là điều kiện thuận lợi để Vũ Quang phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch môi trường, du thuyền lòng hồ, khám phá, trải nghiệm…

Ngoài việc có thể trở thành một điểm đến quan trọng để liên kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh thì đây còn là điểm nhấn trên tuyến du lịch liên kết với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Nguồn: nongnghiep.vn