2022.09.29 - 1303 lượt xem
Nếu không có công trình hồ Cửa Đạt cùng hệ thống tưới tự động với chiều dài hơn 370km, hàng nghìn ha canh tác vùng Bắc sông Chu – Nam sông Mã sẽ tê liệt.
32.000 ha ruộng đồng trù phú
Việc hoàn thành xây dựng công trình đầu mối hồ Cửa Đạt đã tạo kho chứa nước khổng lồ 1,45 tỷ m3 ở thượng nguồn sông Chu. Nhưng, điều mà những người thực hiện ký sự này quan tâm, đó là kho nước ấy giúp ích gì để xứ Thanh phát triển.
“Không gì bằng mắt thấy, tai nghe. Tôi sẽ dẫn các nhà báo khảo sát các địa phương để ghi hình, phỏng vấn người dân”, anh Bùi Quốc Đạt nói. Chúng tôi lập tức chuyển đồ nghề lên chiếc xe Mitsubishi V6 3000 để thâm nhập vào các bản làng dọc theo hệ thống kênh chính (gồm hai nhánh kênh chính Bắc và chính Nam) để khảo sát toàn bộ vựa cây trồng 32.000ha vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã.
Tuyến kênh chính Bắc chảy qua địa phận huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Việt Khánh.
Từ đập Dốc Cáy của hồ Cửa Đạt, dòng nước mát trong chảy qua tuy-nen nhà máy thủy điện đổ thẳng vào hệ thống kênh tưới tự động cho vùng hạ du trên địa bàn 6 huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa và một phần diện tích huyện Cẩm Thủy. Anh Đạt cho biết: “Chất lượng nước trong các tuyến kênh đạt tiêu chuẩn A1, sử dụng tốt cho mục đích sinh hoạt”.
Thu đã sang nhưng buổi trưa vẫn oi nóng như mùa hè. Nắng hanh hao xuyên qua bầu trời xanh ngắt khiến da mặt chúng tôi bỏng rát, lưng đẫm mồ hôi. Nhìn dòng nước trong leo lẻo thấu tận đáy chảy ngang dọc trên những cánh đồng lúa chín vàng mùa gặt, cậu quay phim của cơ quan tôi không kìm được lòng mình: “Ước gì em được trút bỏ xiêm y để úp mặt vào lòng kênh mát rượi”.
Nghe thế, một kỹ sư thủy lợi đi cùng đoàn bảo rằng, thực tế đang có “trào lưu” người dân đổ ra kênh tắm vào mùa hè dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm với mật độ dày đặc. Đã có không ít trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra. Vừa rồi, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt phải tổ chức hội nghị, mời lãnh đạo các địa phương dự để cảnh báo và tuyên truyền công tác phòng, chống đuối nước trên hệ thống kênh thủy lợi.
Hệ thống kênh tưới tự chảy Bắc sông Chu – Nam sông Mã thực chất là giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Cửa Đạt (sau khi hoàn thành cụm công trình đầu mối thủy lợi), được đầu tư xây dựng từ năm 2011 đến năm 2018 với tổng kinh phí khoảng 4.300 tỷ đồng; tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km (gồm cả kênh cấp I, kênh cấp II và III).
Đến cánh đồng thôn 2, xã Phú Xuân huyện Thọ Xuân, chúng tôi dừng chân để ghi hình. Từ góc máy trên cao hàng trăm mét qua flycam, khung cảnh thôn quê của ngôi làng nông thôn mới thật trù phú. Bên dòng kênh chính Nam, chiếc máy gặt đập liên hợp chạy băng băng “nuốt” những hạt thóc mẩy vàng vào rồi “nhả” ra bao tải đã có người hứng sẵn. Chủ ruộng chỉ cần đứng trên bờ rồi vác lên xe chở về nhà.
Kênh chính Nam thuộc hệ thống kênh tưới tự động Bắc sông Chu - Nam sông Mã giúp nhiều vùng khô hạn, thiếu nước của huyện Thọ Xuân sản xuất ổn định lúa 2 vụ. Ảnh: Việt Khánh.
Không ai nghĩ từ năm 2018 trở về trước, cánh đồng này là điểm “khát” nước trầm trọng. “Hồi chưa có kênh chính Nam, dân lấy nước rất vất vả. Mỗi nhà có bình quân khoảng 2-3 sào nhưng phải thức đêm canh nước mà cuối cùng vẫn không có. Nhiều lúc vào thời vụ gieo cấy mặt ruộng vẫn khô roong. Bây giờ có kênh thủy lợi chạy qua, nước tự chảy vào ruộng nhà mình, chẳng ai phải lọ mọ đêm hôm nữa. Thậm chí, chỉ vài ngày sau khi gặt lúa nước lại được cấp ngập ruộng để bà con làm đất. So ngày xưa với ngày nay thì đúng là đổi mới thực sự. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi”, ông Trịnh Đình Văn, thôn 2, xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa kể. |
Không có hệ thống thủy lợi hồ Cửa Đạt, hàng nghìn ha đất bị “tê liệt”
Trước đây, khu vực tả Thọ Xuân là một trong những địa bàn khó khăn về nguồn nước nhất xứ Thanh. Điển hình như tại xã Xuân Lập, hàng năm bà con gieo cấy thường xuyên 420 ha lúa hai vụ và 70ha rau màu. Điều kiện lấy nước vô cùng khó khăn, dọc tuyến sông Cầu Chày có tới 7 trạm bơm nhưng vào những năm hạn nặng bà con các thôn vùng cao như Phú Xá, Vũ Thượng, Trung Lập buộc phải chuyển đổi nhiều diện tích lúa sang cây trồng cạn (ngô, lạc).
Ông Đỗ Văn Đạo – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập chia sẻ, nhiều thời điểm nếu trạm bơm ở phía đầu nguồn bơm nước thì mấy trạm bơm phía sau tê liệt, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn khoảng 50 – 60ha. Tuy nhiên, kể từ khi có hệ thống kênh dẫn nước N17 và N19 thuộc hệ thống tưới tự chảy Bắc sông Chu – Nam sông Mã, tình trạng hạn hán, thiếu nước đã chấm dứt. 7 trạm bơm do các hợp tác xã quản lý trước đây, giờ chỉ duy trì hoạt động của 1 trạm bơm Trung Lập để thỉnh thoảng bơm bổ sung trong những thời điểm nắng gắt. Năng suất lúa bình quân của xã cũng tăng từ 2,2 – 2,3 tạ/sào lên 3,4 – 3,5 tạ/sào, có diện tích đạt trên 4 tạ/sào, bà con cũng tiết kiệm được chi phí tiền điện vận hành máy bơm tưới bổ sung ngoài hỗ trợ của nhà nước.
Men theo tuyến kênh N17, chúng tôi tìm đến vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Thọ Long (xã Xuân Lập). 14h chiều, trời nắng như đổ lửa, chỉ có lác đác bóng dáng vài nông dân làm đồng. Hỏi về sự đổi thay sau khi có tuyến kênh N17, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi bảo rằng tuyến mương nước này quý như vàng, bởi bà con không phải đi gánh nước từ ao tưới cho cây dưa chuột, cây đậu bắp nữa. Trưởng thôn Thọ Long Trịnh Công Trung cho biết, vì thiếu nước sản xuất nên người dân trong thôn chủ yếu trồng ngô, vài năm gần đây, bà con chuyển sang trồng dưa chuột, mướp đắng, ớt, đậu bắp, lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa.
Người dân thôn Thọ Long thoát cảnh phải gánh nước từ ao để tưới cho hoa màu. Ảnh: Việt Khánh.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Chi nhánh thủy nông tả Thọ Xuân (Công ty TNHH MTV TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã) chia sẻ, từ năm 2018 trở về trước, khi chưa có hệ thống tưới: Bắc sông Chu – Nam sông Mã, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước hạ nguồn sông Chu và sông Cầu Chày xuống thấp, nhiều trạm bơm treo giỏ, cực kỳ khó khăn. Ước khoảng 1.000ha canh tác thiếu nước. Một số diện tích lúa đang thời kỳ trỗ bông gặp hạn, ảnh hưởng năng suất rất nặng. Bước sang năm 2019, khi hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Cửa Đạt hoàn thiện và đưa vào bàn giao, chính thức phục vụ sản xuất, và con rất phấn khởi vì nguồn nước cơ bản hoàn toàn chủ động, đảm bảo tính thời vụ, khi cần là có.
Ông Lưu Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã cho biết, hiện nay công ty phục vụ tưới tiêu cho 5 huyện của tỉnh Thanh Hóa gồm Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc và Ngọc Lặc thông qua các trạm bơm. Từ năm 2010, khi nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí cũng là lúc mực nước sông Mã hạ thấp do hoạt động hút cát, biến đổi khí hậu.
Trạm bơm Nam sông Mã (còn gọi là trạm bơm Cửu) với các tổ máy trục đứng tổng công suất 35.500m3/h được thiết kế mực nước min là 3,2m. Tuy nhiên, có những lúc mực nước tụt xuống chỉ còn 2,7m, công ty phải xin chủ trương đắp đập ngăn sông Mã để dâng nước mới vận hành được các tổ máy để đưa nước vào đồng phục vụ khoảng 4.000ha đất nông nghiệp (huyện Thiệu Hóa và Yên Định). Còn hàng chục nghìn ha vùng cao phía tây Thiệu Hóa, Tây Yên Định, tả Thọ Xuân rất khó khăn về nguồn nước, phải bơm nhiều cấp mới có nước, nhiều diện tích phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
Một đoạn kênh thuộc hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã chảy qua vùng chuyên canh rau màu thuộc xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Việt Khánh.
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2015 – 2018, có những lúc mực nước tụt xuống dưới 1,7m, dù có đắp đập ngăn sông thì cũng không có nước để bơm phục vụ sản xuất. Rất may là từ đầu năm 2019, hệ thống kênh dẫn nước từ hồ Cửa Đạt được đưa vào hoạt động và tưới tự động “giải khát” cho 13.500ha trong vùng phục vụ của hệ thống Bắc sông Chu – Nam sông Mã. Bên cạnh đó, diện tích 4.000ha đất nông nghiệp phụ thuộc vào trạm bơm điện cũng được hỗ trợ tạo nguồn. Do đó, chi phí tiền tiện vận hành máy bơm của công ty giảm từ 14 – 15 tỷ đồng/năm xuống còn 6-7 tỷ đồng/năm. Số máy bơm cũng giảm từ 118 máy xuống 88 máy.“Thật quá may mắn và vui mừng, bởi nếu hệ thống hồ chứa nước Cửa Đạt không đưa vào vận hành khai thác đúng tiến độ, chắc chắn công ty chúng tôi sẽ bất lực trong việc tìm phương án cấp nước phục vụ sản xuất cho một phần huyện Thiệu Hóa và Yên Định”, ông Tuấn trải lòng.
Ngoài cấp nước ổn định cho khoảng 32.000ha phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã, hồ Cửa Đạt còn tạo nguồn ổn định cho đại công trình thủy lợi Bái Thượng để cơ bản chấm dứt tình trạng hạn hán cho khu vực phía nam sông Chu (phía nam tỉnh Thanh Hóa) với diện tích khoảng 54.000 ha. Như vậy, nguồn nước ngọt của hồ Cửa Đạt gắn với sự thịnh – suy của một nửa diện tích đất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. |
Ngoài cấp nguồn phục vụ sản xuất cho 32.000ha thuộc vùng Bắc sông Chu - Nam sông Mã, hồ Cửa Đạt còn cấp nguồn ổn định cho đại công trình thủy lợi Bái Thượng để cấp nước sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế cho 54.000ha vùng nam sông Chu. Ảnh: Việt Khánh.
Không những thế, công trình còn có vai trò lớn trong việc điều tiết lũ trên sông Chu, phòng chống ngập lụt cho vùng hạ du, đẩy mặn cho hạ nguồn sông Mã và cấp nước phục vụ 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 112MW, cho doanh thu bình khoảng 400 tỷ/năm. Hồ Cửa Đạt được xếp vào công trình trọng điểm an ninh quốc gia vì lẽ đó.