2022.09.21 - 1606 lượt xem
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được đầu tư, nạo vét đảm bảo sản xuất lúa 2 vụ ổn định, trong đó có khoảng 90.000 ha sản xuất lúa 3 vụ.
Tăng diện tích đất trồng lúa
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, giúp khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích đất trồng lúa. Đến năm 2020, diện tích đất sản xuất lúa toàn tỉnh là 393.267 ha, tăng 36.932 ha so với năm 2008. Trong đó, diện tích đất chuyên trồng lúa 2 và 3 vụ/năm là trên 280.000 ha, còn lại là đất luân canh vụ lúa, vụ tôm (mô hình lúa – tôm).
Hệ thống thủy lợi lớn, kênh mương được đầu tư, nạo vét khơi thông, đã giúp các vùng sản xuất lúa trọng điểm của Kiên Giang mở rộng diện tích đất trồng lúa, tăng sản lượng. Ảnh: Trung Chánh.
Cùng với đó, Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa – tôm, góp phần nâng cao giá trị, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Diện tích chuyển đổi này chủ yếu tập trung ở vùng ven biển, thuộc các huyện vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành. Nâng tổng diện tích mô hình lúa - tôm đến năm 2020 đạt 102.486 ha (năm 2008 là 66.410 ha).
Đến nay hệ thống thủy lợi đã đáp ứng tốt cho tưới tiêu, kiểm soát lũ, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định, trong đó có khoảng 90.000 ha lúa 3 vụ/năm. Đưa Kiên Giang trở thành tỉnh dẫn đầu về sản xuất lúa, với sản lượng nhiều năm liền đều đạt hơn 4 triệu tấn/năm. |
Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi lớn và thủy lợi nội đồng, đã tạo điều kiện cho thau chua rửa phèn, tưới tiêu hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm tỉnh còn tăng vốn sự nghiệp cho ngành nông nghiệp để đầu tư xây dựng các cống và đập thời vụ, để phòng chống mặn xâm nhập, phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vào mùa khô.
Cụ thể, toàn tỉnh đã có 117 hệ thống cống trên các tuyến đê được xây dựng, góp phần kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ cho sản xuất. Hơn 2.700 km kênh, mương được kiên cố hóa hoặc nạo vét thường xuyên, 609 công trình thủy lợi nội đồng theo quy hoạch đã được cải tạo, nâng cấp. Cơ giới hóa khâu bơm tưới, đã đầu tư 1.252 trạm bơm, trong đó có 240 trạm bơm điện vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng mới.
Ổn định vùng sản xuất lúa 2-3 vụ/năm
Nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, Hòn Đất là huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là huyện có diện tích đất lúa lớn nhất, với khoảng 80.000 ha, mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu tấn lúa hàng hóa. Ông Lê Văn Giàu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, đầu tư hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện hiện có 2 nguồn vốn, gồm: vốn Nghị định 35/NĐ-CP của Chính phủ và vốn cấp bù thủy lợi phí hàng năm.
Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư, kiên cố hóa, giúp chủ động khâu bơm tưới, sản xuất lúa đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Trung Chánh.
Cụ thể, công trình vốn hỗ trợ kinh phí sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi (cấp bù thủy lợi phí) năm 2022 huyện được cấp 27,6 tỷ đồng, thực hiện 22 công trình, với tổng chiều dài 139,4 km. Trong đó, xã Bình Giang được đầu tư 5 công trình, tổng chiều dài 39,5 km, xã Nam Thái Sơn đầu tư 5 công trình, chiều dài 25,2 km… Các công trình được nạo vét, gia cố, làm bờ bao, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu, bảo vệ vùng sản xuất lúa hiệu quả.
Công trình thủy lợi vốn Nghị định 35/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2022 huyện Hòn Đất được cấp 4,6 tỷ đồng, thực hiện 15 công trình. Trong đó, có 13 công trình nạo vét, gia cố kênh mương, với tổng chiều dài 61,2 km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Xây dựng mới cầu cống và duy tu, sửa chữa các cống hở, vốn hơn 2,9 tỷ đồng…
Hệ thống kênh mương nội đồng ở huyện Hòn Đất được đầu tư nạo vét thường xuyên, không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất mà còn giúp nông dân tiêu thụ lúa được dễ dàng hơn. Ảnh: Trung Chánh.
Tương tự, huyện Giồng Riềng, đã tập trung xây dựng các cống, đập, đê bao, trạm bơm để đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Việc quản lý, duy tu, nâng chất các công trình thủy lợi nội đồng cũng được UBND các xã chú trọng, khơi thông dòng chảy, để đảm bảo nguồn nước tưới và thoát nước trong mùa lũ.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng, ông Trần Ngọc Khải cho biết, từ các nguồn vốn đầu tư, huyện tập trung xây dựng các cống, đập, đê bao, trạm bơm để đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Hàng năm đều duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng, đảm bảo thông thoáng tưới và thoát nước phục vụ sản xuất. Đến nay, huyện đã đầu tư nạo vét được 749 tuyến kênh dài 1.617 km, xây dựng 205 cống đập, 166 trạm bơm điện, phục vụ bơm tưới cho khoảng 20.000 ha đất trồng lúa, sản xuất ổn định 2, 3 vụ/năm. |