2022.09.21 - 1628 lượt xem
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh hiện có 17/73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp, cần sửa chữa...
Trạm bơm chưa phát huy hết công năng
Đăng Hà là xã vùng sâu, xa, có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, nằm tách biệt với các xã khác của huyện Bù Đăng. Xã có 82% số dân là người dân tộc thiểu số, kinh tế phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, xã có diện tích canh tác lúa nước nhiều nhất huyện Bù Đăng với tổng diện tích gần 500 ha. Mặc dù tại địa phương có 1 trạm bơm cùng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng nhưng hiệu quả hoạt động không cao, nhiều diện tích cây trồng tại đây vẫn phải dựa vào nước trời.
Một phần cánh đồng lúa như da beo do nơi thừa, nơi thiếu nước tại xã Đăng Hà. Ảnh: Trần Trung.
Theo chân cán bộ giao thông thủy lợi xã Đăng Hà đi thăm tất cả các cánh đồng lúa trên địa bàn xã, điều dễ dàng nhận thấy là mùa vụ nơi đây hầu như không theo trình tự mà phụ thuộc vào địa thế với khung cảnh đa sắc màu. Ở những vùng đất trũng, đủ nước tưới cây lúa xanh tốt, trong đó có ruộng lúa đã trổ đòng báo hiệu vụ mùa bội thu. Cạnh đó là vùng đất cằn, nông cạn, cây lúa còi cọc yếu ớt, chuyển màu vàng nhạt. Đan xen là những ruộng đất hoang do không đủ nước tưới nên người dân dùng để chăn trâu, bò hoặc trồng hoa màu.
Ở cạnh hệ thống thủy lợi nhưng không phải anh cũng lấy được nước. Ảnh: Trần Trung.
Theo người dân địa phương, nếu có đủ nước để sản xuất 1 năm 3 vụ thì với 1 ha trồng lúa, năng suất 8 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí sẽ đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hầu hết bà con làm được 2 vụ, nhưng lúc nào cũng trong tình trạng thấp thỏm.
Gia đình anh Lâm Văn Thanh ở tổ 1 thôn 4 có 5 sào ruộng. Anh Thanh cho biết, dù ruộng sát hệ thống kênh mương nhưng nhà ông phải thường xuyên dùng những tấm gỗ, bao tải đất đặt dưới lòng mương để nước dâng lên chảy vào ruộng. “Các cụ xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, với diện tích hiện tại, mỗi năm gia đình tôi trồng 2 vụ, do phụ thuộc thời tiết nên năng suất lúa không ổn định. Nếu thuận lợi, năng suất có thể đạt 6-8 tấn/ha, còn không thuận lợi cũng có khi mất trắng”, anh Thanh nói.
Dù có công trình thủy lợi nhưng phần lớn bà con xã Đăng Hà dựa vào nước trời. Ảnh: Trần Trung.
Ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết: Trạm bơm xã Đăng Hà xây dựng từ năm 2003. Ban quản lý Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đầu tư tài trợ. Ban đầu, trạm có 2 củ máy đặt nổi trên hệ thống đường ray để bơm nước vào cánh đồng Đăng Hà. Nhưng do thiết kế hệ thống máy bơm chưa khoa học nên máy không phát huy hết công suất. Từ khi một số nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Đồng Nai chặn dòng thì mực nước sông bị cạn.
Dù Trạm bơm Đăng Hà Hoạt động hết công suất cũng chỉ đáp ứng 1 phần diện tích sản xuất. Ảnh: Trần Trung.
Nghịch lý mùa mưa nước sông dâng cao, ống bơm tiếp cận được nước sông thì cánh đồng lại không cần nước. Trong khi mùa nắng, nông dân cần nước thì hệ thống bơm lại nằm phơi nắng, rỉ sét. Năm 2012, để đáp ứng nguồn nước sản xuất, UBND tỉnh đã đầu tư thêm 3 máy bơm chìm đặt dưới lòng sông. Tuy nhiên, quá trình vận hành, do tác động của dòng chảy, đất đá bồi lấp nên máy bơm số 1 và số 2 đã hư hỏng. Do vậy, việc cung cấp nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống mương dẫn nước ra đồng được xây dựng 18 năm qua cũng rất bất cập. Đa số lòng mương sâu hơn mặt ruộng khiến nông dân khó lấy nước vào canh tác.
“Tại tất cả các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân đã có rất nhiều ý kiến về việc nâng cấp, sửa chữa trạm bơm và hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng. Sau đó, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cũng cử cán bộ xuống đưa củ bơm đi sửa chữa nhưng hoạt động vài ngày lại hư, chưa kể nếu hoạt động hết công suất, trạm bơm chỉ đáp ứng được 70 ha lúa. Căn cứ vào tình hình địa phương, chúng tôi cũng đã kiến nghị xây dựng đập chứa nước nhưng vẫn đang chờ ngành chức năng trả lời”, ông Lục Đức Lập nhấn mạnh.
Cần 178 tỉ đồng sửa chữa công trình thủy lợi
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có 62 hồ đập lớn nhỏ, thời gian xây dựng từ 15 đến 20 năm, chưa được duy tu sửa chữa, hiện có 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp và đang kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho nhân dân với tổng mức đầu tư 178 tỷ đồng.
Được xây dựng từ năm 2003, trạm bơm Đăng Hà đã không còn phù hợp với sự thay đổi hiện trạng thực tại. Ảnh: Trần Trung.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, đến nay, các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã góp phần rất quan trọng trong cấp nước phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các công trình đã được xây dựng từ lâu, có kết cấu đập đất. Có khoảng 30 công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trên 15 năm.
Một số công trình đã xuống cấp, mái đập bị xói lở, sạt, trượt; thân đập xuất hiện nhiều vết thấm lớn; mặt đập xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi gây cản trở giao thông đi lại trong vùng; lòng hồ bị bồi lắng, không đảm bảo dung tích phục vụ trong mùa khô hàng năm, không đảm bảo an toàn khi tích nước trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc tuyên truyền, vận động để thực hiện dự án cũng như bảo vệ công trình còn gặp nhiều khó khăn; lấn chiếm vẫn còn xảy ra và chưa có giải pháp xử lý triệt để; quản lý chưa được chú trọng….
Thay vì đi cặp ruộng, tuyến kênh bây giờ lại đi theo tuyến đường nhựa, khác xa so với thiết kế ban đầu. Ảnh: Trần Trung.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, hàng năm việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn được Sở phối hợp với các đơn vị quản lý công trình tiến hành kiểm tra các hồ, đập, công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, xem xét đầu tư sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa các công trình không đảm bảo dung tích phục vụ tưới, cấp nước trong mùa khô hàng năm và tiềm ấn nguy cơ không đảm bảo an toàn công trình khi tích nước trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, các ngành và địa phương thực hiện tốt các quy định pháp luật về thủy lợi; thực hiện các hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền, phố biến pháp luật, cơ chế, chính sách; thay đổi thói quen, hành vi lạc hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, môi trường nông thôn; hướng dẫn người dân chủ động tích, trữ nước trong mùa khô hạn, ngập lụt...
“Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh là 85 tỷ đồng. Riêng Trong năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện khởi công và sửa chữa 19 công trình thủy lợi, trong đó khởi công xây dựng mới 13 công trình, sửa chữa 6 công trình. Bên cạnh đó, có 9 công trình bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác sử dụng. Như vậy tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 62 hồ chứa vừa và nhỏ, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Hiện, tổng diện tích tưới chủ động theo thiết kế của các công trình thủy lợi là trên 6.939 ha (đạt 75,04% công suất thiết kế) đạt 13,07% so với tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh (tính đến cuối năm 2021, diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh là 70.765 ha). Đối với diện tích cây trồng còn lại, người dân trong tỉnh phải dùng biện pháp như bơm điện, bơm dầu từ nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm trên địa bàn”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh. |
Nguồn: nongnghiep.vn