Đắk Lắk: Nông dân chủ động ứng dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm

2022.06.27 - 2229 lượt xem

Trong những năm gần đây, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng thiếu nước tưới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chủ động tạo nguồn nước để vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, vừa nâng cao giá trị cây trồng và tạo nguồn thu nhập bền vững.

Hằng năm, vào cao điểm mùa khô, một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng. Trước thực tế đó, gia đình ông Trần Đình Thể đã quyết định chuyển đổi 6 sào trồng cà phê lâu năm sang trồng cây ngắn ngày là chanh dây. Đồng thời, để chủ động nước tưới, ông đã đầu tư để đào ao chứa nước cùng với hệ thống tưới béc cho toàn vườn với tổng trị giá 105 triệu đồng. Nhờ đó, vườn chanh dây của gia đình ông luôn tươi tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông TRẦN ĐÌNH THỂ, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk: “Vì mình chỉ tận dụng được nguồn nước ở suối không thôi nên chỉ tưới được 15- 20 gốc cà phê thôi và phải đợi có lại nước. Tôi nghĩ ra cách múc nước hồ, lót bạt ra để dự trữ, để xử lý trong tình huống cây bị khô hạn”.

Việc tưới tiết kiệm tự động giúp cây trồng thẩm thấu dòng nước từ từ, thấm dần vào đất, tập trung tại gốc của cây trồng. Mặt khác, người nông dân có thể điều chỉnh lượng nước phù hợp với sự phát triển của từng loại cây trồng. Việc áp dụng công nghệ này có thể gia tăng năng suất cây trồng từ 10 – 30%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 30 – 50%, giảm chi phí chăm sóc, đầu tư phân bón từ 30 - 50%; tăng thu nhập của hộ gia đình từ 15 – 35%.

Ông PHẠM VĂN VỞ, Xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Tưới nhỏ giọt đem lại lợi ích cho gia đình thứ nhất là bớt được công lao động, thứ 2 là hiệu quả về kinh tế. Hệ thống tưới nhỏ giọt cây bao giờ cũng đẹp hơn tưới dí, cái này phải đầu tư lúc ban đầu, nhưng cây hiệu quả hơn rất nhiều vì độ thẩm thấu và độ mát bì tạo được thảm thực vật xung quanh cây, nhất là cây ăn trái thì cần phải có thảm thực vật xung quanh để giữ mát cây thì phải có tưới nhỏ giọt.”

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Chủ tịch xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Trên địa bàn, hệ thống thủy lợi phục vụ cho tưới tiêu rất hạn chế, có 3 hồ đập  để phục vụ tưới tiêu, nên phải ứng dụng khoa học vào sản xuất đặc biệt là hệ thống tưới nước nhỏ giọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là 1 số mô hình có diện tích canh tác lớn thì ứng dụng vào sẽ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, công sức và chi phí và hiệu quả cây trồng từng bước được cải thiện.”

Có thể thấy, việc thay đổi phương pháp tưới tiết kiệm nước nhỏ giọt hoặc phun mưa kết hợp với kỹ thuật chăm sóc phù hợp đã phần nào giải quyết được vấn đề nước tưới trong trồng trọt và giúp bà con nông dân nhận thức rõ ràng hơn về việc áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật trong canh tác, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; góp phần rất lớn trong việc thực hiện phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Nguồn:quochoitv.vn