Bắc Giang: Nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn kém hiệu quả, vì sao?

2022.04.06 - 1943 lượt xem

Hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng những năm qua nhưng sau đó không ít công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Khắc phục bất cập trên như thế nào là vấn đề đặt ra với các cấp chính quyền, ngành chức năng. 

Nhiều công trình “đắp chiếu”

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 thôn: Nghè, Chùa và Bãi Dài, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được xây dựng năm 2008 bằng nguồn vốn chương trình 134 (nguyên giá hơn 2,3 tỷ đồng) và đưa vào sử dụng năm 2009 (UBND xã được giao quản lý). Theo thiết kế, công trình có công suất 90 m3/ngày đêm. Hoạt động chưa được bao lâu thì đập dâng không giữ được nước, bùn đất làm tắc đường ống nên không cung cấp được nước cho các hộ dân.

Công trình cấp nước sạch tại xã Huyền Sơn (Lục Nam) bỏ không cả chục năm nay.

 Ông Trần Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công trình được xã giao cho 3 thôn tự quản lý và cử người trông coi. Khi hư hỏng, chúng tôi tiến hành họp các hộ dân hưởng lợi bàn việc sửa chữa, khắc phục nhưng các hộ cho rằng công trình không hiệu quả (thiếu nước vào mùa khô) nên không nhất trí đóng góp tiền sửa chữa. UBND xã cũng không có nguồn kinh phí cho việc này nên công trình bỏ không cả chục năm nay”. “Mục sở thị” công trình này, chúng tôi thấy đập dâng không còn tác dụng (nước chảy dưới chân đập), khu vực cửa lấy nước ngập bùn đất. Hàng rào khu xử lý nước han rỉ, bên trong cây cối, cỏ dại mọc um tùm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 134 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ năm 1994 đến nay bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Thời gian đầu, hầu hết các công trình đều hoạt động tốt. Nhưng sau đó, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là “đắp chiếu” - không hoạt động như công trình tại xã Huyền Sơn. Cụ thể, toàn tỉnh có 11/134 công trình hoạt động kém hiệu quả (tỷ lệ giữa công suất thực tế và công suất thiết kế dưới 30%) và 49/134 công trình không hoạt động (doanh nghiệp quản lý 5 công trình, UBND cấp xã quản lý 44 công trình).

Lựa chọn đơn vị quản lý có năng lực

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn các công trình nước sạch sau khi hoàn thành giao cho UBND cấp xã quản lý, vận hành nhưng địa phương không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, thu không đủ chi nên không duy tu, sửa chữa dẫn đến nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. 

Việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành chưa chặt chẽ dẫn đến một doanh nghiệp xin quản lý nhiều công trình nên không bảo đảm nguồn lực tài chính để đầu tư, vận hành. Có công trình giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng do không thu được tiền sử dụng nước của các hộ dân nên doanh nghiệp cũng bỏ mặc. Nhận thức của người dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số về sử dụng nước sạch còn những hạn chế nhất định...

Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung kém hiệu quả, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành rà soát và nâng cấp, cải tạo một số công trình bằng các nguồn vốn khác nhau; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, khai thác công trình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ và sử dụng các công trình nước sạch nông thôn. 

Cuối năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu và UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 15 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Sơn Động đã giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng có nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: Đối với những công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động khác trên địa bàn tỉnh, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng, xác định rõ tồn tại, nguyên nhân của từng công trình và tình hình quản lý, vận hành của đơn vị quản lý. Trên cơ sở đó, các công trình do doanh nghiệp quản lý yêu cầu doanh nghiệp lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cụ thể đối với từng công trình, thời gian hoàn thành. Trong trường hợp không có khả năng quản lý vận hành, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi để lựa chọn giao doanh nghiệp khác quản lý. 

Đối với các công trình cấp nước do UBND cấp xã quản lý tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nhận đầu tư và quản lý, vận hành công trình. Trường hợp không có doanh nghiệp nhận quản lý công trình, đề xuất danh mục cần đầu tư, cải tạo, sửa chữa nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động (còn khả năng khai thác) để khôi phục cấp nước cho nhân dân. Những công trình không còn khả năng sửa chữa, sử dụng sẽ đề xuất thanh lý.

Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi. Các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân. 

Từ thực tế cho thấy việc quản lý, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung không đơn giản. Lý do là đối với công trình cấp xã, thôn, doanh nghiệp không mặn mà vì rất khó thu được tiền sử dụng nước sạch của người dân bởi họ còn có các nguồn nước khác. Nếu giao cho xã quản lý thì khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa khi hư hỏng, tổ quản lý nước sạch của xã chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế. 

Vì thế, vấn đề mấu chốt hiện nay đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là lựa chọn được đơn vị quản lý có năng lực thực sự, đồng thời xây dựng giá dùng nước cho tất cả các công trình làm căn cứ khai thác và quản lý, từ đó trích kinh phí thu được để tái đầu tư. Công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch cũng cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ công trình của cả cộng đồng.

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/