2022.03.09 - 1618 lượt xem
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 vừa hoàn thành giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên lên đến hơn 384.000 ha
Dự án được xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang theo quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được xác định là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.
Hệ thống này kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng; góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổng mức đầu tư dự án là 3.309,5 tỷ đồng. Công trình được khởi công tháng 10/2019, hoàn thành tháng 11/2021.
Thay đổi tư duy về công trình thuỷ lợi
Trước đây, các công trình thuỷ lợi dùng để điều tiết nguồn nước thường chỉ ngăn nước mặn, giữ nước ngọt nhưng với dự án thuỷ lợi này, việc điều tiết mặn ngọt sẽ được làm linh động để phù hợp cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đây là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn. Quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật đã thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
Theo Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), điều đặc biệt ý nghĩa là với công trình lớn, có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp như vậy nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện. Công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng có khối lượng tương đối lớn, với gần 300 hộ bị ảnh hưởng và hơn 100 hộ hiến đất để xây dựng tuyến đê nhưng được sự đồng thuận rất cao của người dân, thời gian thực hiện được rút ngắn tối đa.
Cùng với đó trong suốt quá trình thi công (24 tháng) thì đã có đến 8 tháng khu vực thi công bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Không những vậy, do ảnh hưởng của hạn mặn lịch sử năm 2019-2020, việc đắp các đập tạm tại kênh Ông Hiển cũng đã ảnh hưởng đến tuyến đường thủy vận chuyển vật liệu đến công trình. Thêm vào đó, từ cuối năm 2020 giá vật liệu tăng đột biến, nhất là thép và cát xây dựng… nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực cao độ của các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện, toàn bộ dự án đã hoàn thành, nhiều công trình thuộc dự án vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Cục Quản lý Xây dựng công trình cũng cho rằng việc hoàn thành dự án cũng tạo sự thay đổi trong tư duy và nhận thức đối với công tác thuỷ lợi khu vực ven biển ĐBSCL, đó là từ tư duy "ngăn mặn" sang "kiểm soát nguồn nước".
Khái niệm "Thuận thiên" đối với nông nghiệp đã được minh chứng rõ nét bằng công trình "Thích ứng có sự kiểm soát" này, đây là vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình thủy lợi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm sau đợt hạn mặn năm 2015-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã có nghiên cứu để đầu tư 11 công trình. Nhiều công trình đang được đẩy mạnh triển khai, nhất là hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ tỉnh Hậu Giang, một phần tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Những công trình này khi phát huy hiệu quả đầy đủ sẽ tác động tích cực đến khoảng 1 triệu ha lúa, cây ăn trái và vùng nuôi trồng thuỷ sản.
"Về giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đang bàn với các tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Các hệ thống liên tỉnh mà chúng tôi đầu tư sẽ nhắm đến mục tiêu điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025 khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Còn mục tiêu xa hơn là chúng tôi phấn đấu đến năm 2030 giải quyết được câu chuyện này", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Nguồn: baochinhphu.vn