Huyện Yên Thủy - Hòa Bình: Linh hoạt chống hạn cho sản xuất nông nghiệp

2022.02.28 - 1644 lượt xem

Yên Thủy là một trong những địa phương thường xuyên bị hạn, thiếu nước sản xuất của tỉnh. Để chủ động trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2021 - 2022, huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thủy lợi để phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, nguồn nước tưới phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp đảm bảo.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện tổ chức đoàn kiểm tra các công trình thủy lợi tích nước phục vụ sản xuất, trên cơ sở kết quả kiểm tra xây dựng phương án phòng, chống hạn. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2021 - 2022 của huyện trên 7.600 ha, trong đó, diện tích lúa 420 ha, diện tích ngô 1.600 ha, cây có củ lấy bột khoảng 1.400 ha, mía 1.500 ha, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương, vừng) trên 1.700 ha, rau đậu các loại 650 ha. Căn cứ tình hình nguồn nước tại các công trình thủy lợi, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân đáp ứng được khoảng 55% diện tích gieo trồng. Do đó, sẽ có khoảng 450 ha cây trồng có khả năng bị hạn (lúa 40 ha, cây hoa màu 300 ha, cây công nghiệp 110 ha).

Từ tình hình thực tế tại các địa phương, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn linh hoạt xây dựng kế hoạch chống hạn. Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Là địa phương thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND huyện quan tâm tới công tác tu sửa công trình thủy lợi. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh hỗ trợ, UBND huyện ưu tiên dành ngân sách huyện để sửa chữa, nâng cấp hồ chứa, bai dâng. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành của tỉnh có giải pháp dẫn nước về Yên Thủy khắc phục tình trạng thiếu nước; tăng cường công tác trồng rừng và bảo vệ rừng.

Theo thống kê của phòng NN& PTNT, toàn huyện hiện có 159 công trình thủy lợi, gồm: 71 hồ chứa, 87 bai dâng, 1 trạm bơm điện. Trên địa bàn huyện đang triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp cống xóm Hổ 1 (xã Ngọc Lương), bai Giáp Trụ (xã Phú Lai) đều đảm bảo tiến độ để hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước tháng 5/2022. Tuy nhiên, vẫn còn 7 công trình cần cải tạo, nạo vét để phục vụ sản xuất là: Hồ Đồng Tâm, hồ Ninh Hòa (xã Yên Trị), bai xóm Đồi, bai Bể, hồ Đồi Than, tuyến kênh mương xóm Liêu đi xóm Đồi (xã Ngọc Lương), bai Chuông (xã Bảo Hiệu)... Cùng với việc nạo vét kênh mương huyện khuyến khích bà con đào, khoan giếng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vụ đông xuân 2021 - 2022.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực bám đồng ruộng hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn, tưới nhỏ giọt, phun mưa... đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu vào thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, nhất là với cây ăn quả, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong năm 2021, huyện đã chuyển 135,3 ha lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm. Năm 2022, huyện dự kiến chuyển đổi 120,5 ha lúa, chủ yếu là khu vực thiếu nước, không đảm bảo cấy trong khung thời vụ sang trồng cây hàng năm là 119 ha và cây lâu năm 1,5 ha.

Nhờ chủ động nước tưới phục vụ sản xuất, vụ đông năm 2021, huyện hoàn thành kế hoạch đề ra; năng suất, sản lượng của các loại cây trồng hàng năm đều tăng so với năm 2020. Hiện, tình hình nước tưới phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân trên địa bàn huyện đảm bảo. Trên 1.200 ha cây ăn quả được tưới nước đúng quy trình chăm sóc. Huyện đã hoàn thành cấy lúa chiêm xuân theo đúng kế hoạch đề ra. Các xã, thị trấn tiếp tục làm đất và gieo trồng các loại cây hoa màu với phương châm "làm đất đến đâu gieo trồng đến đấy”, đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/