2022.02.25 - 1518 lượt xem
Theo Bộ Tài chính, để phục vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp tỉnh, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi có thể huy động, sử dụng từ nguồn khác (thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn hợp pháp khác), đặc biệt trong bối cảnh và khả năng ngân sách trong giai đoạn hiện nay.
Cử tri tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 được Bộ Tài chính quy định tại Quyết định số 1477/QĐ-BTC, mức giá này ngang bằng so với mức giá áp dụng trong giai đoạn 2018-2020, trong khi đó, một số khoản chi phí tăng và chưa được tính trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, dẫn đến kinh phí hỗ trợ không đủ chi cho các hoạt động quản lý vận hành công trình thủy lợi như: sửa chữa thường xuyên, nạo vét kênh mương, chi phí bảo trì...
Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính khi ban hành quy định mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong năm 2022, cần xem xét hồ sơ phương án giá của địa phương đề xuất để bổ sung các chi phí liên quan; đồng thời, ban hành giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo lộ trình như giai đoạn trước đây (5 năm), đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 3 Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đã quy định các khoản mục chi phí, lợi nhuận dự kiến bao gồm trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Khoản 1 Điều 36 Luật Thủy lợi quy định: Trong từng thời kỳ, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Điều 37 Luật Thủy lợi quy định: Nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi bao gồm: thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; các khoản cấp, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các khoản hợp pháp khác. Đồng thời, nguồn tài chính nêu trên đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư số 73/2018/TT-BTC ngày 15/8/2018 hướng dẫn sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước.
Do đó, để phục vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp tỉnh, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi có thể huy động, sử dụng từ nguồn khác (thu từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn hợp pháp khác), đặc biệt trong bối cảnh và khả năng ngân sách trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi (thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi).
Trong đó, đã sửa đổi một số nội dung về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế triển khai thực hiện. Sau khi nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo quy định./.
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn