Thủy lợi Vĩnh Long ứng phó với xâm nhập mặn

2022.02.21 - 3576 lượt xem

Quy hoạch thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt

Từ sau Giải phóng đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã chịu 4 đợt xâm nhập mặn lớn: Vào mùa khô năm 1997- 1998, 2004- 2005, 2015- 2016 và 2019- 2020. El Nino năm 2014- 2016 trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất, cường độ mạnh nhất trong khoảng 60 năm qua.

Đầu năm 2016, hạn mặn kỷ lục xảy ra ở ĐBSCL, Vĩnh Long lần đầu tiên công bố thiên tai xâm nhập mặn (cấp độ 2). Tiếp tục mùa khô 2019- 2020, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và độ mặn lên cao mức lịch sử, tỉnh công bố thiên tai xâm nhập mặn lần thứ 2.

Giai đoạn từ sau 1975 đến năm 2004, công tác thủy lợi ở Vĩnh Long chủ yếu nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu, chống ngập úng do triều cường, lũ lụt phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Sau hạn, mặn xảy ra trên diện rộng vào mùa khô năm 2004- 2005, đầu tư cho thủy lợi để ứng phó với xâm nhập mặn được tỉnh quan tâm, trên cơ sở triển khai các công trình theo quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh đến năm 2010 (phê duyệt năm 2004) và quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh đến năm 2020 (phê duyệt năm 2013).

Tuy nhiên trong các quy hoạch này, đầu tư cho thủy lợi để ứng phó với xâm nhập mặn kết hợp phòng chống hạn còn mang tính lồng ghép.

Năm 2016, hạn, mặn kỷ lục xảy ra. Tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (công bố năm 2018). Trong quy hoạch thủy lợi lần này, vấn đề ứng phó với xâm nhập mặn kết hợp phòng, chống hạn được đặc biệt chú trọng, không những cho vùng Nam Mang Thít mà còn cả vùng Bắc Mang Thít và các cù lao trên các sông lớn.

Công tác thủy lợi chuyển hướng mạnh mẽ sang ứng phó hạn, mặn, vấn đề trữ- cấp nước ngọt cho sản xuất dân sinh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Giải pháp thích ứng không thể chỉ “tránh, né, kiểm soát” mà “tấn công trực diện” vào xâm nhập mặn, tiến đến “ngăn mặn triệt để”.

Trong đó giải pháp công trình thủy lợi để kiểm soát mặn được quy hoạch bằng việc xây dựng hệ thống đê bao dọc các sông chính (sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Mang Thít) kết hợp với xây cống lớn tại các cửa sông, rạch lớn nối với các sông chính để khép kín toàn bộ 2 vùng, mặn 4‰ đến đâu xây dựng cống ngăn mặn đến đó.

Xây dựng cống cửa sông ngăn triều cường, mặn xâm nhập

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi lớn được xây dựng, trong đó có nhiều cống lớn mang lại sự đột phá trong phòng, chống xâm nhập mặn.

Đầu tiên có thể kể đến cống Nàng Âm (Vũng Liêm) rộng 20m hoàn thành vào năm 2007 thuộc Tiểu dự án thủy lợi Nam Mang Thít được Bộ Nông nghiệp- PTNT đầu tư giai đoạn năm 2000- 2007.

Đây là cống hở có khẩu độ lớn nhất ở tỉnh thời đó, giúp ngăn mặn và cấp nước ngọt cho gần 3.000ha đất canh tác vùng phía Đông QL53 của huyện Vũng Liêm.

Cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng đưa vào sử dụng 2 cống có quy mô hiện đại nhất tỉnh là cống Vũng Liêm (rộng 75m) và cống Tân Dinh (rộng 40m) phục vụ ngăn mặn cho hàng chục ngàn héc ta đất canh tác của 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp- PTNT còn triển khai các dự án thủy lợi lớn kết hợp ứng phó xâm nhập mặn tại các cù lao, vùng ven các sông lớn và xây các cống lớn tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít để từng bước khép kín, ngăn mặn, trữ- cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít và một phần vùng Bắc Mang Thít.

Trong đó nổi bật nhất là hoàn thành cống Cái Tôm ở Vũng Liêm (cửa rộng 20m) vào năm 2020; cống Gò Ân, cống Đường Trôm (Vũng Liêm), cống Rạch Đôi (Mang Thít) thuộc dự án đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2)…

Một dự án đê bao lớn nhất tỉnh từ trước đến nay là dự án nâng cấp đê bao dọc sông Hậu dài hơn 26km (thuộc Bình Tân, Trà Ôn và TX Bình Minh) được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021- 2025, trong có sẽ xây dựng hàng loạt các cống lớn tại các vàm sông, rạch nối với sông Hậu.

Trong 4 năm tới (2023- 2026), Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ triển khai dự án công trình thủy lợi vùng Nam Mang Thít, trong đó sẽ xây dựng mới 6 cống lớn: Sậy Đồn, Bưng Trường, Mương Khai Lớn, Cái Cá, Sa Rày, Trà Ngoa, sửa chữa cống Nàng Âm… nhằm hoàn chỉnh thủy lợi vùng Nam Mang Thít.

Sau khi các dự án, công trình thủy lợi này hoàn thành thì có khoảng 80.000ha đất tự nhiên được kiểm soát mặn, trữ nước triệt để (gồm toàn bộ vùng Nam Mang Thít và một phần của vùng Bắc Mang Thít thuộc 2 huyện Mang Thít, Tam Bình và TX Bình Minh).

Tuy nhiên, hiện tại ở nhiều nơi trong tỉnh, việc kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn chỉ bằng hệ thống ô bao nhỏ (từ 100- 1.000 ha/ô bao) và vấn đề trữ nước ngọt trong mùa khô còn khó khăn, nhất là ở vùng phía Bắc sông Măng Thít.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh- Nguyên Viện Trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, đối với tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian tới cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi và tiếp tục xây dựng các cống cửa sông giáp với các sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên) có quy mô lớn như cống Vũng Liêm để ứng phó với kịch bản biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cực đoan.

Các cống cửa sông nhằm ngăn triều cường, mặn xâm nhập trong mùa khô, đồng thời tận dụng các sông, rạch, kinh sau cống để vừa làm hồ trữ nước. Cống cửa sông được thiết kế bằng hoặc gần bằng độ rộng cửa sông hiện tại, có thể tăng thêm.

Ngày 19/8/2021, UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT bổ sung thêm dự án thủy lợi vùng Bắc Mang Thít và Nam QL1 (dự án này dự kiến đề xuất trong quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn đến năm 2030 vào dự án quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Bộ Nông nghiệp- PTNT sắp trình Chính phủ phê duyệt). Mục tiêu dự án là kiểm soát triều, ngăn mặn, cấp nước tưới tiêu cho khoảng 50.000ha thuộc các huyện Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình và TX Bình Minh. Dự án đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng, thời gian thực hiện sau năm 2025, trong đó có các cống lớn tại các vàm sông để phòng, chống xâm nhập mặn, ứng phó nước dâng.

Nguồn: baovinhlong.com.vn