ĐBSCL: Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022

2022.01.22 - 1764 lượt xem

Mùa khô 2021 - 2022, xâm nhập mặn được dự báo khả năng đến sớm hơn so với mọi năm, diện tích lúa đông xuân, nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng.

Xâm nhập mặn đến sớm

Theo dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 80%. Những tháng đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và ENSO vẫn ở trong trạng thái La Nina yếu. Từ khoảng tháng 4 - 5/2022, ENSO có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính.

Theo dự báo về lượng mưa, từ tháng 1 - 3/2022, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn TBNN, cùng thời kỳ do có nhiều khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa. Đến tháng 4 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10 đến 30% so với TBNN. Đến tháng 5 tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Ngoài ra, trong tháng 6 tháng đầu năm 2022, tại ven biển các tỉnh Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường ở mức cao trong khoảng thời gian từ ngày 28/1 - 3/2/2022, đợt 2 từ 26/2 - 5/3/2022 và đợt 3 từ 28/3 -   3/4/2022. Như vậy, về mặt sản xuất cần chú ý đến những hiện tượng xuất hiện mưa trái mùa trong mùa khô năm 2021 - 2022.

Dự báo tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 2022 ở khu vực ĐBSCL sẽ đến sớm, tác động sâu hơn so với mực nước trung bình nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ xâm nhập của nước mặn sẽ không gay gắt như năm 2019- 2020. 

Theo kế hoạch, lúa đông xuân 2021 - 2022 tỉnh Bạc Liêu sẽ giảm 3.400 ha do thiếu nước ngọt. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu: 4.000ha thiếu nước ngọt

Tại Bạc Liêu, dự báo năm mùa khô năm 2021 - 2022 vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn khá gay gắt.

Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022,  có nguy cơ thiếu nước do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục quản lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt, thêm vào đó nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn chi phí sản xuất vụ đông xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn.

Đối với diện tích trồng rau màu, do tác động của hạn hán xâm nhập mặn kéo dài sẽ gây khó khăn cho diện tích sản xuất rau màu. Dự báo diện tích rau màu có nguy cơ thiếu nước ngọt trong các tháng 3 - 4 năm 2022, chất lượng nước ngọt không cao do bị nhiễm phèn dẫn đến năng suất rau màu không cao.

Ngoài ra, dự báo nhiều khả năng 4.000ha diện tích lúa trên đất tôm của TX Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu có nguy cơ thiếu nước ngọt và giảm năng suất trong tháng 1/2022.

Về nuôi trồng thủy sản, sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25%o vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm của mùa khô.

Trước diễn biến trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động ban hành kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022.

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đưa ra 3 kịch bản là mùa khô năm nay sẽ ít gay gắt, tương đương và gay gắt hơn mùa khô "lịch sử" năm 2019 - 2020. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cơ quan liên quan chuẩn bị ứng phó cho tình huống mùa khô năm nay tương đương mùa khô năm 2019 - 2020.

Nuôi trồng thỷ sản cũng được dự đoán gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài ra, về giải pháp công trình tỉnh Bạc Liêu đã chi hơn 18,6 tỉ đồng để đắp 89 đập vụ lúa - tôm, 448 đập vụ đông xuân, hỗ trợ bơm tát nước, khoan bổ sung và kéo dài đường ống nước sạch…

Các địa phương, chủ động nạo vết hệ thống thủy lợi trữ nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Sóc Trăng: Khuyến cáo sản xuất các giống lúa chịu mặn 1 - 2%o  

Tại Sóc Trăng, để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, xây dựng lịch điều tiết nước, vận hành các cống ngăn mặn ăn hợp lý đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời vận động, tuyên truyền cho người dân làm Thủy lợi nội đồng tuân thủ xuống giống theo lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo.

Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh Tế, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) chia sẻ: thị xã Ngã Năm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các huyện giáp ranh với thị xã Ngã Năm như huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) và huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Trong đó, chủ động phối hợp với Ban điều tiết nước tại cống âu thuyền Ninh Quới cho hợp lý không để mặn xâm nhập xâm vào vùng ngọt của địa phương.

“Trạm quản lý thủy nông của thị xã Ngã Năm chủ động phối hợp với Trạm thủy nông của huyện Hồng Dân và Ban quản lý âu thuyền Ninh Quới để nắm rõ tình hình mặn xâm nhập, để thông báo cho người dân kịp thời để chủ động dự bơm trữ nước”, ông Nhật cho biết.

Theo ông Nhật, thì mặn sẽ nhập vào địa bàn thị xã Ngã Năm qua 2 đường, một là theo sông quản lộ Phụng Hiệp qua âu thuyền Ninh Quới khi đóng mở cống cho các phương tiện lưu thông qua lại, hai là qua sông Xẻo Chích tại (bến phà Ngân Dừa, huyện Hồng Dân).

Phòng Kinh Tế thị xã Ngã Năm đã chủ động khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng an toàn, chọn những giống lúa có khả năng chống chịu độ mặn đạt ngưỡng từ 1 - 2 %o, thì  hiện nay trên địa bàn triển khai nhiều là các giống lúa ST.

Về giải pháp công trình, hàng năm thị xã Ngã Năm thường xuyên chỉ đạo các địa phương nạo vét các hệ thống kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng, đồng thời, gia cố các ô đê bao khép kín. Vận hành tốt 66 trạm bơm và 36 thuyền bơm… trên bịa bàn toàn thị xã, để chủ động bơm trữ nước.

Nguồn: nongnghiep.vn