2022.01.06 - 2243 lượt xem
Theo dự báo, trong các tháng mùa khô đầu năm 2022, hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina yếu; lượng mưa ở Bắc Bộ thấp hơn TBNN, các khu vực khác cao hơn TBNN. Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phổ biến có mức trữ cao nên nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022; xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức cao hơn TBNN.
I. Nhận định tình hình nguồn nước và nhận định hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ đông xuân 2021-2022
1. Nhận định xu thế thời tiết, nguồn nước trong vụ Đông Xuân
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong các tháng mùa khô đầu năm 2022, ENSO trong trạng thái La Nina yếu; lượng mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thấp hơn TBNN, các khu vực khác cao hơn TBNN.
Tình hình nguồn nước trên các lưu vực sông:
- Khu vực Bắc Bộ: Dòng chảy thiếu hụt từ 20÷30%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng.
- Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Tổng lượng dòng chảy trên các sông thấp hơn so với TBNN cùng kỳ từ 5÷45%, các sông ở Nam Tây Nguyên cao hơn TBNN từ 15-40%. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ từ ngày 28/01-03/02, 26/02-05/3, 28/3-03/4, 29/4-04/5.
2. Nhận định tình hình từng khu vực
Vụ Đông Xuân 2021-2022, trong thời gian mùa khô ở các khu vực trên phạm vi cả nước, nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp được nhận định như sau:
a) Khu vực Miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ
Các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ phổ biến từ 49-99% DTTK, một số tỉnh có dung tích trữ thấp gồm Sơn La 50%, Cao Bằng 59%, Bắc Giang 65%. Các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyến Quang hiện có dung tích trữ khoảng 89% DTTK.
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ được bảo đảm cung cấp từ các hồ chứa thủy lợi; có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các địa phương hồ chứa có mức trữ thấp (Sơn La, Cao Bằng,..).
Các hồ chứa thủy điện sẽ tăng cường phát điện bổ sung nước cho hạ du bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022. Các đợt lấy nước gồm 3 đợt, tổng cộng 16 ngày, cụ thể:
+ Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 04/1 đến 24 giờ 00’ ngày 06/1/2022 (3 ngày);
+ Đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 15/1 đến 24 giờ 00’ ngày 22/1/2022 (8 ngày);
+ Đợt 3: Từ 0 giờ 00’ ngày 13/2 đến 24 giờ 00’ ngày 17/2/2022 (5 ngày).
Trong thời gian lấy nước, mực nước tại trạm Thủy văn Hà Nội trong Đợt 1 duy trì từ 1,7 m trở lên; Đợt 2 các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước tại trạm Thủy văn Hà Nội dự kiến đạt trung bình khoảng 1,90 m); Đợt 3 duy trì mực nước tại trạm Thuỷ văn Sơn Tây từ 1,8 m trở lên.
Do tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng vẫn tiếp diễn nên mặc dù các nhà máy thủy điện vận hành hết công suất phát điện nhưng mực nước ở hạ du sông Hồng chỉ được duy trì ở mức thấp hơn các năm trước đây làm ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi.
b) Khu vực Bắc Trung Bộ
Các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ trung bình đạt từ 66÷98% DTTK sẽ cơ bản đáp bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Vụ Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, với tổng lượng mưa trong vụ Đông Xuân tới thấp hơn từ 20-40% so với TBNN, cần lưu ý nguy cơ xảy ra hạn nhẹ, cục bộ tập trung ở vùng ngoài công trình phục trách tưới và các công trình thủy lợi nhỏ; thời điểm cao điểm cao nhất có thể có khoảng 9.600÷13.100 ha bị ảnh hưởng (Thanh Hóa 8.000÷11.000 ha, Nghệ An 1.500÷2.000 ha, TT. Huế 100 ha).
c) Khu vực Nam Trung Bộ
Dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt 91÷100% DTTK; các hồ thủy điện tham gia bổ sung nước hạ du vùng Nam Trung Bộ hiện nay cơ bản đã tích đầy nước với dung tích trữ trung bình 99% DTTK. Nguồn nước sẽ đáp ứng cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022.
Đến cuối vụ, việc vận hành của một số hồ chứa thủy điện có thể ảnh hưởng đến khả năng lấy nước và xâm nhập mặn trên các lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba, sông Cái Phan Rang và sông Lũy – La Ngà. Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cục bộ có khả năng ảnh hưởng cục bộ cho khoảng 1.300-2.600 ha tại các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận.
d) Khu vực Tây Nguyên
Các hồ chứa thủy lợi có dung tích đạt 90÷99% DTTK, nguồn nước sẽ đảm bảo sản xuất cho vụ Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn có khả năng thiếu nước và hạn hán cục bộ vào tháng 4-5 với diện tích bị ảnh hưởng từ 3.100÷6.200 ha tại các vùng ngoài công trình thuỷ lợi phụ trách tưới ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.
đ) Khu vực Đông Nam Bộ
Dung tích hồ chứa các tỉnh hiện tại đạt 76÷98% DTTK, nguồn nước sẽ đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021 – 2022. Tuy nhiên, cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2022, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
e) Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Theo tính toán của các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022 ở mức cao hơn so với TBNN nhưng thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020. Thời gian ảnh hưởng từ đầu tháng 1/2022, so với 2019-2020 muộn hơn gần 30 ngày, một số thời điểm có mức độ ảnh hưởng xấp xỉ năm 2015-2016. Cụ thể, diễn biến xâm nhập mặn khả năng như sau:
Ở vùng các cửa sông Cửu Long:
- Tháng 12/2021, ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu từ 20÷30 km, chưa gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi.
- Tháng 1/2022, mặn xâm nhập vào sâu từ 35÷45 km, bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong các kỳ triều cường.
- Tháng 2-3/2022, xâm nhập mặn vào sâu từ 50÷65 km, thấp hơn từ 15÷25 km so với năm 2020, thấp hơn từ 5÷10 km so với năm 2016, có khả năng gây khó khăn cho việc lấy nước của các công trình thủy lợi.
- Từ tháng 4/2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm.
Trên sông Vàm Cỏ:
- Tháng 1-2/2022, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Ranh mặn 4 g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 55÷60 km, thấp hơn từ 20÷25 km so với năm 2020, thấp hơn từ 20÷30 km so với năm 2016.
- Tháng 3-4/2022, ranh mặn 4 g/l lớn nhất có khả năng xuất hiện, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 85÷95 km, thấp hơn từ 25÷30 km so với năm 2020, thấp hơn từ 20÷25 km so với năm 2016.
Trên sông Cái Lớn:
Các cống Cái Lớn, Cái Bé đã hoàn thành và đưa vào vận hành, đảm bảo kiểm soát xâm nhập mặn hiệu quả.
II. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022
1. Giải pháp chung
- Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.
- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, có kế hoạch phân phối nước hợp lý và kịp thời điều chỉnh khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2021-2022, lưu ý ưu tiên nước bảo đảm cho sinh hoạt, gia súc, cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao,...
- Bố trí cơ cấu sản xuất, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
- Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa, lũ, bão trong năm 2021; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.
- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả.
2. Giải pháp cụ thể của từng vùng, khu vực
- Khu vực miền núi phía Bắc: Cần cân đối, sử dụng tiết kiệm lượng nước trữ các hồ chứa, bảo đảm cung cấp suốt vụ gieo trồng; các khu tưới của các hồ chứa có mức trữ thấp cần xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
- Khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ: Tăng cường phương tiện lấy nước chủ động để tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung của các hồ chứa thủy điện trong 3 đợt xả nước, đồng thời tranh thủ trữ nước tối đa vào các vùng trũng, ao, hồ, hệ thống kênh mương để tưới dưỡng, đề phòng trường hợp nguồn nước hệ thống sông Hồng xuống thấp, không đủ điều kiện cho các hệ thống công trình thủy lợi vận hành.
- Khu vực Trung bộ: Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi để dành cung cấp cho vụ Hè Thu. Tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện, như: Quảng Trị (lưu vực sông Thạch Hãn), Quảng Nam, Đà Nẵng (Vu Gia-Thu Bồn), Phú Yên (sông Ba-Bàn Thạch), Ninh Thuận (sông Cái Phan Rang), Bình Thuận (sông La Ngà - Lũy)..v.v. cần có kế hoạch điều tiết cụ thể để bổ sung nước trong các thời kỳ khô hạn ở vụ Đông Xuân.
- Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Vùng thuộc hạ du hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah được cung cấp bổ sung nước trong các thời kỳ khô hạn. Các vùng ngoài phạm vi cấp nước của các công trình thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo. Tranh thủ bơm, tát, trữ nước dự trữ khi có điều kiện về nguồn nước.
- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn; khoanh vùng cụ thể các diện tích khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để thực hiện thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống phù hợp với tình hình nguồn nước; tổ chức quan trắc độ mặn để thực hiện việc lấy nước hợp lý.
Nguồn: TCTL