2021.12.14 - 2105 lượt xem
Cả 2 nhóm giải pháp “công trình” và “phi công trình” đều đóng vai trò quan trọng để phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ cuối năm 2020, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã triển khai dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé.
Huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh là hai địa phương được chọn để triển khai thực hiện dự án, thí điểm bốn mô hình sinh kế đại diện cho ba vùng sinh thái nước mặn - ngọt - lợ. Bao gồm: mô hình trồng mãng cầu xiêm diện tích khoảng 9 ha, mô hình trồng lúa - rau màu tổng diện tích khoảng 20 ha, mô hình sinh kế dứa - thủy sản khoảng 10 ha, mô hình lúa - tôm diện tích khoảng 12 ha.
Sau khi được chọn để thực hiện nhân rộng mô hình sinh kế luân canh lúa - rau màu, ông Võ Tấn Phát, người dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ đã ứng dụng trồng thử khoảng 3.000 m2 dưa hấu trên nền đất lúa. Với kiến thức học được từ lớp tập huấn, ông Phát đã cải tạo đất, chăm sóc, bón phân với liều lượng thích hợp, kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn sinh trưởng. Kết quả, ruộng dưa của ông đạt năng suất 2 tấn/0,1 ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/vụ.
Bên cạnh việc triển khai các mô hình, dự án còn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Cụ thể như cống hộp, cống hở, cống hở kết hợp trạm bơm điện; thi công đường dây điện phục vụ trạm bơm, xây dựng giao thông nông thôn kết hợp nạo vét kênh thủy lợi trong vùng dự án.
Công trình cống hộp ven kênh Miếu, ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ đã hoàn thành ngày 20/4, phục vụ tưới tiêu khoảng 26 ha đất sản xuất của 19 hộ dân canh tác lúa. Ông Ngô Văn Tám, ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết, mấy năm trước không điều tiết được nước tưới tiêu, nên đến vụ Đông Xuân là sản xuất thất mùa lắm. Đến khi cống hộp kênh Miếu được đầu tư, vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 có nước nên 1,5 ha lúa của gia đình được bảo vệ, yên tâm sản xuất.
Cùng với đó, dự án thực hiện các hoạt động phi công trình khác như: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, thành lập và củng cố các tổ hợp tác sản xuất, thông tin, tuyên truyền tổ chức hội thảo cho từng mô hình, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, các tư vấn tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp liên kết chuỗi…
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, địa phương được hưởng lợi rất nhiều từ dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nói chung và dự án triển khai các mô hình sinh kế nói riêng. Qua đây, không chỉ giúp kiểm soát nguồn nước mà còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, nhất là các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn.
Các mô hình sinh kế và hạ tầng thủy lợi đi kèm giúp phần nào giảm bớt áp lực đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế. Các dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Người nông dân ĐBSCL yên tâm sản xuất nông nghiệp nhờ các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hiếu.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Đức Thịnh cho biết, phát triển thuận thiên là yêu cầu của Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ để phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó cả 2 nhóm giải pháp “công trình” và “phi công trình” đều rất quan trọng.
"Thời gian tới, những giải pháp “phi công trình” cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đó là những vấn đề nâng cao năng lực cho người dân, áp dụng những quy trình kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất… Những giải pháp đó sẽ phát huy giá trị của những công trình tại khu vực ĐBSCL. Ví dụ như việc sử dụng lượng nước ngọt bên trong những cống ngăn mặn rất quan trọng, trong điều kiện thiếu nước ngọt, việc ứng dụng những quy trình sản xuất cây trồng như nào để giảm thiểu việc lạm dụng nước tưới cho cây trồng, nâng cao năng lực cho người dân nhận diện những nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thoái hóa đất…", ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Tại tỉnh Hậu Giang, 73 công trình thuỷ lợi đã được đầu tư, nâng diện tích đất có hệ thống thủy lợi khép kín trên 77.000ha, chiếm 58,5% diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín, có diện tích 30 - 100 ha/vùng hầu hết diện tích sản xuất lúa, cây ăn trái, mía, khóm và trên 70% diện tích trong rau màu đều được bơm tưới. Đồng thời, tỉnh đã triển khai các dự án có quy mô lớn như: Hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng; hệ thống cống ngăn mặn Nam kênh Xà No; xây dựng các cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt cho các vùng bị ảnh hưởng. Xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng. Song song đó, công tác khai thác, vận hành và quản lý công trình thuỷ lợi luôn được tăng cường thông qua việc củng cố và xây dựng mới Tổ hợp tác dùng nước, Hợp tác xã bơm tưới tiêu để khai thác tối ưu hoá công năng của các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nông thôn được tốt hơn. |
Nguồn: nongnghiep.vn