Mang màu xanh đã trở lại nơi từng bị mặn quanh năm

2021.12.13 - 1865 lượt xem

Nhờ phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thuỷ lợi mà nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước được kiểm soát.

Khốn khổ vì thiếu nước ngọt

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững khu vực ĐBSCL thức ứng với biến đổi khí hậu đã đặt ra 4 vấn đề then chốt. Cụ thể là: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với bến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển hệ thống thủy lợi ĐBSCL; Phòng chống sói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp.

Riêng với lĩnh vực thủy lợi, với chiến lược phát triển đồng bộ, dựa trên giải pháp công trình không hối tiếc và ít hối tiếc, Bộ NN-PTNT đã xác định đầu tư hệ thống thủy lợi là trọng tâm, then chốt để giải quyết các vấn đề còn tồn tại của ngành, góp phần biến những thách thức thành cơ hội.

Những năm gần đây, nhờ phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thuỷ lợi mà nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước được kiểm soát.

Điển hình như vườn rau xanh tốt của gia đình bà Thị Thiệt (ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đang được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Trên diện tích khoảng 1600 m2, gia đình bà Thiệt chủ yếu trồng các loại rau như mồng tơi, rau dền, rau muống, xà lách.. đạt sản lượng 5 - 6 tấn/năm.

Việc trồng trọt và chăn nuôi của bà Thị Thiệt đã thuận lợi hơn nhiều nhờ hưởng lợi từ công trình Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vậy nhưng ít ai biết được đã có những giai đoạn nước mặn xâm nhập khiến cuộc sống của gia đình bà Thiệt nói riêng và bà con ở ấp Thạnh Bình nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi các công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đi vào hoạt động thì tình hình này đã được cải thiện hơn. Gia đình bà Thiệt cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, vì đã không còn nỗi lo xâm nhập mặn.

“Hồi năm 2015-2016, nước mặn xâm nhập cả năm, những tháng hạn tôi không thể trồng được cây màu nào, cũng không có nước ngọt để mà sinh hoạt hàng ngày luôn. Thế nhưng từ khi các công trình thủy lợi được đưa vào hoạt động thì đến nay không còn mặn nữa. Việc trồng trọt rất thuận lợi, có thể sản xuất, trồng rau màu quanh năm suốt tháng”, người nông dân bộc bạch.

Theo ông Danh Sum, Phó Trưởng ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, khoảng những năm 2015 - 2016, khi chưa có cống, nước mặn vào khoảng 2-3 tháng. Vì nước mặn không xuống nên bà con nông dân nơi đây không thể trồng được rau màu. Từ khi có cống ngăn mặn thì tình trạng đó không còn nữa, việc trồng trọt và chăn nuôi của người nông dân cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang

Công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước là 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và một khoang âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống và van âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Trên cống có thiết kế cầu giao thông nông thôn.

Công trình cống Cái Lớn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61 có chiều dài hơn 5,7 km, bề rộng mặt đê 9m, chiều rộng phần xe chạy 7m, bao gồm 3 cây cầu và 9 cống tròn, cống hộp.

Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Kết hợp với tuyến đê biển Tây, dự án sẽ tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, theo dự kiến, đến cuối năm 2021, 9 cống thuộc dự án WB9 và 8 cống kết dư của dự án Cái Lớn – Cái Bé sẽ được hoàn thành.

“Như vậy chỉ còn lại 7 cống trên sông Cái Lớn, chúng tôi sẽ xin chủ trương đầu tư tiếp tục thực hiện trong giai đoạn năm 2021-2025. Nếu đủ nguồn vốn thì việc triển khai đến khoảng năm 2023 sẽ hoàn thành. Theo đó sẽ có thể hoàn toàn chủ động công tác điều tiết nước để phục vụ sản xuất tôm – lúa và vùng mặn – lợ - ngọt trong khu vực”, ông Nguyễn Văn Tư cho hay.

Cống Cái Bé có tổng chiều rộng thông nước là 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và một khoang âu thuyền rộng 15m. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về sản xuất lúa, với sản lượng năm 2021 ước đạt 4,5 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh, sản lượng thu hoạch cả năm phấn đấu vượt mốc 100.000 tấn.

Trong nội bộ ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch từ trồng lúa 1 vụ/năm với năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Nguồn: nongnghiep.vn