2021.12.08 - 1725 lượt xem
Tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, gấp rút hoành thành cống đê biển Tây, nâng cao khả năng chống chịu, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiên Giang là tỉnh ven biển, với tuyến đê biển Tây dài hơn 200 km, trải dài từ Mũi Nai (TP Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh), tiếp giáp với tỉnh Cà Mau. Trên tuyến đê biển này, có hàng trăm cửa sông, rạch đổ ra biển, cần phải đầu tư cống điều tiết mặn, ngọt, chủ động bảo vệ sản xuất. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi tập trung khai phá, ngọt hóa vùng Tứ giác Long Xuyên, hàng chục cống ngăn mặn, giữ ngọt đã được đầu tư trên tuyến đê biển của tỉnh Kiên Giang, mang lại hiệu quả tích cực.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra việc lắp cửa van và vận hành thử nghiệm cống âu thuyền Xẻo Rô. Ảnh: Trung Chánh.
Việc chủ động trong thoát lũ, rửa phèn và đặc biệt là kiểm soát tốt mặn xâm nhập vào mùa khô đã giúp việc sản xuất lúa thuận lợi, hiệu quả hơn. Các địa phương trong vùng như Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… đã nhanh chóng mở rộng diện tích cách tác lúa 2, 3 vụ/năm, đồng thời nâng cao năng suất. Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu ĐBSCL về diện tích sản xuất lúa, với khoảng 720.000 ha gieo trồng mỗi năm, sản lượng trên 4 triệu tấn lúa hàng hóa, trong đó riêng huyện Hòn Đất đóng góp hơn 1 triệu tấn.
Như vậy, để khép kín toàn bộ các cửa sông trên tuyến đê biển Tây, Kiên Giang vẫn còn 9 cống cần tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025. Từ đó, sẽ giúp tỉnh hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống trên tuyến đê biển, chủ động điều tiết mặn, ngọt, phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai hiệu quả. |
Từ đó đến nay, nhiều công trình thủy lợi trên tuyến đê biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang tiếp tục được Bộ NN-PTNT và địa phương quan tâm, đầu tư nhằm chủ động khép kín toàn tuyến. Riêng từ năm 2019 cho đến nay, đã 10 cống kết hợp với cầu giao thông được thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình này là 814 tỷ đồng.
Trong đó, cống Kênh Cụt (TP Rạch Giá), có vốn đầu tư 277 tỷ đồng, thuộc dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB6). Các cống thuộc dự án công trình khẩn cấp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn vùng ven sông Cái Bé, gồm: cống rạch Cà Lang, cống Đập Đá (huyện Châu Thành), có vốn đầu tư lần lượt là 58 và 31 tỷ đồng và cống Sông Kiên (TP Rạch Giá), vốn đầu tư 198 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng, khôi phục và nâng cấp tuyến đê biển An Biên – An Minh, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 cống, gồm: cống kênh Thứ Bảy, cống Xẻo Đôi, cống Xẻo Quao, cống Thuồng Luồng, cống Rọ Ghe và cống Xẻo Nhào, có tổng vốn đầu tư 256 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để hoàn chỉnh tuyến đê ven biển Tây, nhằm đồng bộ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được đưa vào vận hành từ cuối năm 2021 thì vẫn còn nhiều cống cần phải gấp rút đầu tư xây dựng. Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn 27 cống cần đầu tư để hoàn thiện tuyến đê biển. Qua đó, cùng với cống Cái Lớn – Cái Bé sẽ khép kín toàn bộ các cửa sông hướng ra biển, chủ động phát triển sản xuất thuận thiên theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra việc lắp cửa van và vận hành thử nghiệm cống âu thuyền Xẻo Rô. Ảnh: Trung Chánh.
Hiện nay, 9 cống đã có nguồn vốn đầu tư từ dự án chống chịu với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ (gọi tắt là nguồn WB 9). Ngoài ra, cống T3 - Hòa Điền (huyện Kiên Lương) và cống Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành) cũng đã khởi công xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Còn lại 16 cống, chủ yếu tập trung trên tuyến đê biển An Biên – An Minh thì nhờ nguồn vốn kết dư khi đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đầu tư thêm được 9 cống. Trong đó, cống Xẻo Rô được xây dựng dạng cống âu thuyền, có tổng vốn đầu tư hơn 329 tỷ đồng, hiện đã lắp xong cửa van, có thể đưa vào hành trước khi mùa khô 2021-2022 bắt đầu.
Nguồn: nongnghiep.vn