2021.12.07 - 1529 lượt xem
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng lũ, bên cạnh những biện pháp cụ thể cần có chiến lược mang tầm vĩ mô, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống thiên tai (PCTT) gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những hạn chế của công tác PCTT
Những năm vừa qua, công tác dự báo, PCTT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Trong đó, có việc nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là còn thấp. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực.
Đối với nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, về khách quan, các loại hình thiên tai diễn ra rất khốc liệt, bất thường trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài và đặc biệt là khó dự báo. Do đó, đầu tư để cho phòng, chống thiên tai phải đủ mạnh, cả về con người, bộ máy, trang thiết bị thì chúng ta mới có thể khắc phục được, mới chủ động được.
Ngập lụt tại khu vực xã Tân Lâm Hương - Thạch Hà - Hà Tĩnh tháng 10/2021.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh quan điểm, “phải quyết tâm thật cao để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021”. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Tuyệt đối không được chủ quan”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Công tác PCTT đã được đưa vào kế hoạch hằng năm của các cấp ngành, địa phương. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực cho công tác này còn nhiều hạn chế, nên năng lực phòng ngừa ứng phó và công tác khắc phục sự cố khẩn cấp khi thiên tai xảy ra còn nhiều khó khăn.
Điều này dẫn tới thực tế, mặc dù Chính phủ rất nỗ lực bố trí kinh phí, tuy nhiên nguồn lực cho PCTT còn hạn chế và phân tán, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể (mới triển khai được 40 - 50% chương trình đầu tư đê sông, đê biển; 30% chương trình an toàn hồ chứa); khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ, đặc biệt là các công trình giao thông khu vực miền núi; việc lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương còn hạn chế; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ PCTT.
Tầm nhìn từ Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1869/QĐ-TT. Một trong những mục tiêu chính của việc lập quy hoạch là nâng cao năng lực PCTT, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác PCTT mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên lưu vực sông, như phòng, chống lũ cho các tuyến sông, quy hoạch đê điều, sử dụng bãi sông, lồng ghép công trình hạ tầng khác kết hợp phục vụ PCTT.
“Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng lũ, bên cạnh những biện pháp cụ thể, trước mắt thì cần có chiến lược mang tầm vĩ mô, đáp ứng được yêu cầu PCTT gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Việc lập quy hoạch phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch này với hệ thống quy hoạch quốc gia, làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi và PCTT. Cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực sông kết hợp đơn vị hành chính. Cân đối, điều hòa nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ đa mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành, địa phương liên quan đang tích cực triển khai các nội dung của quy hoạch PCTT và thủy lợi trên toàn quốc. Trong đó tập trung giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên lưu vực sông, như phòng, chống lũ cho các tuyến sông, quy hoạch đê điều, sử dụng bãi sông, lồng ghép công trình hạ tầng khác kết hợp phục vụ phòng, chống thiên tai.
Mục tiêu cụ thể đối với tưới, cấp nước phải xác định mức đảm bảo tưới, cấp nước cho các vùng lãnh thổ, các lưu vực và hệ thống công trình thủy lợi; đề xuất các giải pháp tạo nguồn, tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững; cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn; tạo nguồn và cấp cho khu đô thị, công nghiệp và các ngành kinh tế khác từ hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt quan tâm đến những vùng thường xuyên thiếu nước, như: Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đề xuất giải pháp tích trữ, tạo nguồn, kết nối và chuyển nguồn nước để cấp cho dân sinh, sản xuất tại vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; bao gồm cả nguồn nước từ hồ chứa thủy điện; đề xuất giải pháp kiểm soát mặn, giữ ngọt, hạn chế tác động của triều cường vùng cửa sông, ven biển.
Đối với phòng, chống lũ, ngập lụt và một số loại hình thiên tai khác, xác định mức đảm bảo phòng, chống lũ, ngập lụt cho các vùng, các lưu vực sông; đề xuất giải pháp phòng, chống lũ, ngập lụt bảo đảm an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất; đề xuất giải pháp phòng, chống đối với sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên cơ sở diễn biến thực tế xảy ra tại các vùng.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại