Hồ chứa nước Bản Mồng: Đẩy nhanh giai đoạn 1 công trình ngàn tỷ

2021.12.07 - 1529 lượt xem

Hồ chứa nước bản Mồng là công trình thủy lợi đa mục tiêu, vừa cấp nước tưới, nước sinh hoạt lại tham gia phát điện cũng như giảm một phần lũ cho vùng hạ du.

Thiếu 1.574 tỷ đồng hoàn thành giai đoạn 1

Ngày 2/12, Đoàn Công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Nghệ An nắm bắt tình hình thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trọng tâm là công trình Hồ chứa nước Bản Mồng.

Hồ chứa nước Bản Mồng là dự án đa mục tiêu, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 18.871 ha ven sông Hiếu (tưới tự chảy 2.713 ha, còn lại là tưới động lực), cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt với lưu lượng khoảng 22m3/s và cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn tham gia phát điện, cải tạo môi trường, đồng thời kết hợp giảm một phần lũ cho khu vực hạ du sông Hiếu.

So với kết luận phê duyệt đầu tư năm 2009, khi thực hiện cập nhật chế độ chính sách thời điểm tháng 6/2017 thì tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 3.744 tỷ đồng lên 8.330 tỷ đồng. Cụ thể, hạng mục đầu mối chuyển hình thức từ cấp II sang cấp I; điều chỉnh tần suất đảm bảo tưới từ P = 75% lên 85% và bổ sung tần suất vượt lũ kiểm tra P = 0,02%; giảm MNC + 71m xuống 65m; điều chỉnh lưu thông cống lấy nước phù hợp với nhu cầu tưới của hệ thống kênh…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình đa mục tiêu, sẽ góp phần quan trọng trong kế hoạch phát triển chung của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đối với hạng mục GPMB, đã cập nhật các thay đổi về chế độ chính sách bồi thường, di dân TĐC (Nghị định 69/2009/NĐ-CP; Nghị định 47/2014/NĐ-CP; Quyết định 64/2014/QĐ-TTg và căn cứ giá đất tăng); bổ sung phương án chống ngập khu vực Châu Bình.

Nội dung Quyết định số 2749/QĐ-BNN-XD ngày 28/6/2017 thể hiện phân kỳ dự án Hồ chứa nước Bản Mồng thành 2 giai đoạn. Trong đó: Giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành cụm công trình đầu mối, tạo hồ có mực nước +63,6m, dung tích khoảng 45,92trm3/ 224,78trm3, hiện chưa lắp van tràn xả lũ, thiết bị trạm bơm, cửa van cống xả cát, cửa van cống lấy nước. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện hệ thống kênh lấy nước trực tiếp và các trạm bơm trên sông Hiếu.

Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình thủy lợi trọng điểm, quy mô lớn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là xoay chuyển vùng tưới toàn tỉnh Nghệ An theo hướng tích cực. Thể hiện qua việc nâng diện tích tự chảy từ 2.000 ha lên 7.000 ha, thay đổi này vừa giảm thiểu chi phí đầu tư lại nâng cao hiệu quả thực tiễn. Trên tinh thần đó, đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương cùng nghiên cứu tổng thể, xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu để đảm bảo đúng nhiệm vụ đa mục tiêu mà dự án hướng đến.

Giai đoạn 1 của dự án đang thiếu trên 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Võ Dũng.

Từ thực tế lúc này, Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4 – PV) kiến nghị bổ sung 1.574 tỷ đồng để hoàn chỉnh giai đoạn 1 dự án trước năm 2023. Riêng Giai đoạn 2 cần tối thiểu 2.761,9 tỷ đồng, trong đó phân bổ đợt 1 là 1.849 tỷ để tiến hành xây dựng hệ thống kênh có Ft > 50 ha, còn lại đầu tư trong trung hạn 2026 – 2030.

Bên cạnh vấn đề phân bổ kinh phí, thời gian qua Ban 4 cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT triển khai thi công ngưỡng tràn xả lũ sau lũ chính năm 2021. Đồng thời trực tiếp làm việc với các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và Sở TN-MT đề nghị tổng hợp dự án Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 2 vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 cũng như kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện năm 2021.

Đang vướng giải phóng mặt bằng

Ghi nhận đến cuối tháng 11/2021, đã thực hiện công tác GPMB lòng hồ đến cao trình +71,86m. Khu vực đập chính trải dài trên địa bàn 3 huyện là Quỳ Hợp (28,8 ha), Nghĩa Đàn (158 ha), Quỳ Châu (554 ha) với 80 hộ phải di dời. Hiện diện tích chưa đền bù là 12 ha, thuộc địa giới của huyện Quỳ Châu, lúc này UBND huyện đang tiến hành xác minh nguồn gốc đất để đền bù, hỗ trợ theo quy định.

Công tác GPMB sau đập phụ 3 cơ bản đã hoàn tất, hiện còn lại 1 hộ với khoảng 0,5 ha (đang trong diện tranh chấp) với kinh phí dự kiến khoảng 1,2 tỷ. Trong khi đó việc thi công tường chắn hạng mục cầu trên QL48 ảnh hưởng đến đường dân sinh của 9 hộ ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình. HĐBT GPMB huyện Quỳ Châu đã kiểm đếm để đền bù đất và tài sản cho 6/9 hộ, còn 3 hộ chưa thống nhất. Tất cả những nội dung trên dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021.

Tiến độ công tác xây lắp đang được chủ đầu tư đẩy nhanh, hạng mục cầu qua kênh thông hồ trên QL48 và đường nối tiếp đã giải ngân được 53,1/63,56 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2021; kênh tiêu nước hạ lưu đập phụ Kh Đôi đã giải ngân được 5,98 tỷ, tổng giá trị thực hiện khoảng 8,5/ 11,73 tỷ; đập phụ số 2 đã hoàn thành, đập phụ số 1 và 3 còn phần khối lượng hợp long, giá trị giải ngân đạt 89,5/102,4 tỷ, sẽ hoàn thành trong quý I/2022…

Qua nắm bắt tổng quan, Hợp phần đền bù, di dân TĐC, GPMB; Hợp phần các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu, hệ thống kênh và công trình trên kênh do Sở NN-PTNT và UBND huyện Quỳ Châu làm chủ đầu tư có tổng kinh phí thực hiện là 1.846 tỷ, đến nay đã bố trí 1.842 tỷ. Đến năm 2020 được bố trí và giải ngân 1.756,38 tỷ, năm 2021 mới giải ngân được 45,97/85,87 tỷ.

Sở NN-PTNT Nghệ An đang tập trung đẩy nhanh công tác GPMB. Ảnh: Võ Dũng.

Trong giai đoạn 2 của dự án, vùng hưởng lợi thuộc 3 huyện, thị là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa với diện tích tự nhiên khoảng 169.220 ha, đất sản xuất nông nghiệp 60.265 ha. Ngoài sản xuất lúa nước, đây là vùng tập trung các loại cây công nghiệp, cây ăn quả cho giá trị cao, phục vụ tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu.

Do hệ thống kênh chưa được đầu tư, hệ thống trạm bơm chỉ mới xây dựng được 8/26 trạm nên chưa thể phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước. Để đảm bảo tiến độ, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT đồng ý, thống nhất và sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh bổ sung tổng mức Hợp phần GPMB giai đoạn 1 tăng thêm 993 tỷ đồng.

Sở cũng đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sớm duyệt báo cáo nghiên cứu tính khả thi Hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 2 và thực hiện các bước tiếp theo để phát huy hết hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tiếp tục giao Sở làm chủ đầu tư các tuyến kênh cấp 1 gồm: Nam B, B1, B2, B3; Kênh Bắc và Kênh Tây.

Trong vùng hưởng lợi có nhiều dự án chế biến quy mô lớn như Nhà máy sữa TH True Milk, Nhà máy mía đường Phủ Quỳ, Nhà máy đường Sông Lam… tiềm năng đất đai của vùng Phủ Quỳ rõ ràng rất lớn nhưng hệ thống thủy lợi lại chưa tương xứng, điều này làm kìm hãm tốc độ phát triển chung, đặc biệt là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc. Vì lẽ đó, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao, được xem là lời giải cho bài toán khó.

Nguồn: nongnghiep.vn