Hòa Bình: Công trình nhỏ, hiệu quả lớn

2021.12.07 - 1652 lượt xem

Đúng là “nhất nước, nhì phân”. Từ khi công trình trạm thủy luân bai Hải Sơn hoàn thành đưa vào khai thác (tháng 3/2017), gần 6ha đồng màu của xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) trở thành “bờ xôi ruộng mật”, quanh năm rau màu tươi tốt, 92 hộ dân Hải Sơn không còn nữa nỗi lo thiếu nước khi mùa vụ tới.

Hệ thống đường ống nổi dẫn nước từ trạm bơm lên kênh chính. Ảnh: Trung Hiếu

Công trình trạm thủy luân bai Hải Sơn, xã Mai Hịch thuộc Dự án “Cải thiện sản xuất nông nghiệp có tưới” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Công trình gồm các hạng mục: Sửa chữa, nâng cấp đập, thiết bị cơ khí thủy công, máy bơm và kênh  tưới với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. 

Ông Đoàn Quang Thường, Trưởng xóm Hải Sơn cho biết: Xóm có 92 hộ 320 khẩu, diện tích canh tác chỉ có 5,9ha đất chuyên màu, không có đất lúa. Cây trồng chủ lực của các hộ là ngô, khoai lang, lạc, vụ đông trồng thêm rau cải, cải bắp, xu hào. Do không có công trình thủy lợi nên mùa vụ bấp bênh, năng suất cây trồng thấp. 

Năm 1970, xã Mai Hịch có điện lưới, xóm Hải Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng một trạm thủy luân. Có nước về đồng nhưng do mương đất nên nước chưa về được hết cả khu đồng, các hộ phải luân phiên nhau lấy nước về ruộng. 

Vì địa hình miền núi, lũ bão thường xuyên xảy ra. Bai dâng nước hư hỏng, máy bơm thường xuyên bị vỡ bi, kênh mương bị sạt lở, đất đá vùi lấp, sau một trận mưa xóm lại phải huy động các hộ đóng góp tiền thuê máy nạo vét lòng bai, mương. Nỗi lo thiếu nước sản xuất lại rình rập đồng màu Hải Sơn. 

Bà con thường xuyên dọn cỏ, khơi thông kênh mương. Ảnh: Trung Hiếu

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Tổ Hợp tác xã (HTX) Hải Sơn cho biết: Tháng 9/2015, xóm Hải Sơn được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp đập, thiết bị cơ khí thủy công, máy bơm, và làm mới 5 tuyến kênh. Tháng 3/2017, công trình hoàn thành đưa vào khai thác. Đây là công trình thủy lợi tưới phủ rộng, khép kín. Các khu đồng, từng thửa ruộng hoàn toàn chủ động nước tưới quanh năm. 

Ông Chiến tự hào: Có nước tưới, người nông dân Hải Sơn rất phấn khởi thi đua nhau sản xuất, đồng đất và người dân Hải Sơn quanh năm không một ngày “nghỉ”. Mùa nào thức đấy, từ sản phẩm nông nghiệp thuần túy, nay trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà vươn xa, “đổ đèo” Thung Khe về TP Hòa Bình, Thủ đô Hà Nội.  

Ra thăm công trình trạm thủy luân bai Hải Sơn, ông Thường giới thiệu từng hạng mục công trình đã được sửa chữa, nâng cấp gồm: Thành ta luy cánh gà bai trước đã bị lũ khoét sâu sập gần như toàn bộ phần mái kè ảnh hưởng đến thân đập, nay đã được kè, xây lại vững chắc. Phần sân tiêu năng được gia cố lại như xây mới. Mặt đập được nâng cao, láng lại tích nước đủ cho máy chạy cả mùa khô. Máy bơm, trước là máy trục đứng dài, nay tua bin trục ngắn, chìm. Lực hút, đẩy mạnh nên nước lúc nào cũng đầy kênh. Hiệu quả rõ nhất là 5 tuyến kênh chạy cắt ngang 5 khu ruộng chia nước từ kênh chính về cánh đồng. 

Dưa chuột là một trong những sản phẩm hàng hóa trên đồng ruộng xóm Hải Sơn. Ảnh: Trung Hiếu

Chủ nhiệm Tổ HTX Hải Sơn cho biết: Trước đây cả hai khu đồng chỉ có hai con mương đất, nước vào ruộng thì ít, nước thoát ra ngoài thì nhiều, các hộ phải luân phiên nhau lấy nước, những thửa ruộng ở xa mương hay ở giữa đồng thì việc lấy nước là rất khó khăn. Nay cả cánh đồng gần 6ha đã có 10 tuyến mương với gần 2.000m đều bê tông hóa. Phải ghi nhận ở huyện miền núi Mai Châu chưa có xóm, xã nào có hệ thống thủy lợi như xóm Hải Sơn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý Xây dựng và Tu bổ các công trình NN&PTNT tỉnh Hòa Bình (BQL) - chủ đầu tư Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (dự án WB7) Hòa Bình cho biết: Công trình trạm thủy luân bai Hải Sơn là một trong 11 công trình của Tiểu Dự án số 4 - Cải tạo Nâng cấp các trạm bơm thủy luân, bơm điện tỉnh Hòa Bình. 

Sau khi tiếp nhận dự án, BQL triển khai các bước khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư công trình là rất khó khăn. Vì công trình thủy lợi nói chung, các trạm thủy luân nói riêng trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, việc đặt công trình ở đâu phải đạt 3 yếu tố, đó là: Đúng, trúng, hiệu quả. 

Việc giám sát thi công là rất quan trọng, do thi công trên địa hình miền núi phức tạp, công trình xa khu dân cư, việc vận chuyển vật liệu khó khăn. Nếu không quản lý chặt chẽ thì dễ xảy ra tình trạng thi công ẩu, chất lượng vật liệu không đảm bảo. Mặc dù đã có bộ phận giám sát nhưng BQL vẫn phân công cán bộ, nhân viên bám công trình, 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng giám sát) với đơn vị thi công. 

Hàng ngày Chủ nhiệm HTX và Trưởng xóm trực tiếp vận hành máy bơm điều tiết nước cho các hộ. Ảnh: Trung Hiếu

Nói về công trình bai thủy luân Hải Sơn, ông Tùng cho biết: Thời gian thi công phải kéo dài gần hai năm là do trong thời thi công thường xuyên mưa lũ. Có hạng mục như xây, láng sân tiêu năng hay xây mặt đập, công nhân đang thi công thì mưa núi ập xuống, nước từ đầu nguồn đổ về, vậy là tất cả phải làm lại từ đầu. Xây dựng công trình thủy lợi là như vậy, đơn vị thi công phải chạy đua với thời tiết, nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải đảm bảo chất lượng công trình tốt. 

Ông Tùng chia sẻ: “Sau thời gian đưa công trình vào khai thác, trở lại xóm Hải Sơn thấy bà con vui vẻ, đồng ruộng tươi tốt, mình cũng vui lây”. 

Chia tay vùng đất rau Hải Sơn, Trưởng xóm Đoàn Quang Thường và Chủ nhiệm Tổ HTX Nguyễn Văn Chiến tâm đắc: Công trình trạm thủy luân bai Hải Sơn tuy nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn. Cái được không chỉ về kinh tế mà cái lớn hơn, quý hơn đó là lòng biết ơn của đồng bào Hải Sơn với Đảng, Chính phủ đã quan tâm, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như xóm Hải Sơn

Nguồn: thanhtra.com.vn