Quảng Bình quản lý vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi

2021.11.30 - 1540 lượt xem

Quảng Bình có 10 công trình thủy lợi được nâng cấp sửa chữa bởi nguồn vốn của dự án WB8. Các công trình này như một nét vẽ với nhiều sắc màu giữa thiên nhiên…

Ông Phạm Chính Lâm - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Qua 2 năm, nguồn vốn từ dự án WB8 đã hỗ trợ Quảng Bình 10 công trình hồ chứa nước thủy lợi. Đến nay, ngoài việc phát huy hiệu quả của công trình mà ở mỗi công trình đều khoác lên mình diện mạo mới, mang nét đẹp của những công trình hiện đại và có sức hút đối với mọi người với những nét riêng công trình và với nhiên nhiên”.

Diện mạo mới

Trong tổng số các công trình được đầu tư nâng cấp sửa chữa lớn trong hai năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phân bố tại các địa phương như huyện Lệ Thủy (3 công trình), huyện Quảng Trạch (4 công trình), còn lại các thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, Bố Trạch.

Công trình hồ chứa Thanh Sơn mới được bàn giao đưa vào sử dụng. Ảnh: T.P

Trong số 10 công trình này, có hồ chứa thủy lợi Phú Vinh (thành phố Đồng Hới) có dung tích lớn nhất… Các hồ còn lại đều được xếp vào nhóm công trình hạng 3, có dung tích khoảng vài triệu m3 nước.

Chúng tôi về xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) để chứng kiến lễ bàn giao công trình hồ chứa Thanh Sơn giữa chủ đầu tư với đơn vị Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình. Hồ Thanh Sơn có dung tích 6,8 triệu m3, có nhiệm vụ tưới cho 210 ha lúa và trên 30 ha màu cho một số xã ở miền tây huyện Lệ Thủy. Hồ được xây dựng vào năm 2019, qua hơn 20 năm sử dụng nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi nâng cấp, sửa chữa, hồ chứa Thanh Sơn được khoác lên mình tấm áo mới. Con đập chính của hồ được chạy dài hơn 1 km; uốn qua những triền mái đồi tạo nên cảm giác nhẹ nhàng giữa vùng trời nước mênh mông. Mái hạ lưu con đập được xếp đá, mặt đập lát bê tông phẳng, sáng lên giữa màn mưa bay đầu đông. Ông Hoàng Kim Đại, Phó Giám đốc Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho hay: “Tuyến được công tác cũng đã được đầu tư làm mới nối với than đập. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý vận hành và cho bà con đi vào vùng đồi sản xuất”.

Theo những con đường bê tông rộng, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng keo bạt ngàn ở miền tây Lệ Thủy. Đang xuyên qua giữa rừng thì trước mắt như bừng sang hẳn lên và phút chốc đã thấy hiện ra trước mắt một con đập bê tông vững chãi chạy ôm lấy bìa mấy khoảnh rừng. “Đây là hồ chứa Đập Làng thuộc xã Mỹ Thủy. Hồ này có dung tích 2,5 triệu m3 nước. Hồ có nhiệm vụ tưới cho khoảng 110 ha lúa và cấp nước cho trên 20 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Trước đây, do đập chính và đập phụ bị tấm nên lòng hồ thường cạn nước. Nhưng bây giờ, nước đã được tích đầy”- ông Phạm Chính Lâm nói.

Đập chính công trình hồ chứa Đập Làng góp phần quan trọng trong việc tích nước phục vụ sản xuất. Ảnh: T.P

Đập chính của hồ Đập Làng như một tuyến đường du lịch rộng, chạy thẳng tắp phân chia hồ nước màu xanh thẩm với những cánh đồng lúa, những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng giữa vườn cây.  Con đường dẫn cũng được đổ bên tông chắc chắn và rỗng rãi chạy vòng nhẹ xuyên qua giữa những tấn cây. Gió từ lòng hồ thổi lên mát rượi. Về với một công trình thủy lợi mà ai cũng có cảm giác thú vị như đang có chuyến du lịch thư giãn về với thiên nhiên, với đồng quê vào dịp cuối tuần. Anh Đinh Duy Chiến, cán bộ của Ban bảo: “Nơi này, vào mùa hè cũng có nhiều người lên nghỉ ngơi đó. Họ nằm dưới góc cây ven hồ để hóng mát, thư giãn và ngắm cảnh “.

Hồ Phú Vinh có dung tích trên 22 triệu m3. Hồ có nhiệm vụ giảm lũ cho hạ du (khu vực thành phố Đồng Hới). Nguồn nước từ hồ Phú Vinh đảm bảo tưới cho gần 1.500 ha lúa, 230 ha màu và 60 ha nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công trình hồ chứa Phú Vinh còn cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt của thành phố Đồng Hới với nhu cầu 25.000m3/ngày đêm. Sau khi được nâng cấp, tuyến đập chính dài gần 1,5km được bê tông mái thượng lưu vững chắc. Mặt đập thảm bê tông rộng tạo độ vững bền cho thân đập.

Khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có hiện 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Phần lớn các công trình được xây dựng từ cách đây 20-30 năm, tài liệu, hồ sơ liên quan đến công trình bị mất mát, thất lạc. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình (Sở Nông nghiệp- PTNT Quảng Bình), cho hay: “Chúng tôi đang tham mưu cho Sở Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị nhanh chóng lập thông số kỹ thuật hồ, đập để đưa vào quản lý, vận hành. Đồng thời có kế hoạch xin nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa”.

Hồ chứa Phú Vinh an toàn trong mùa mưa bão và đảm bảo tưới, cấp nước cho thành phố Đồng Hới. Ảnh: T.P

Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Quảng Bình nằm trong danh mục dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” vay vốn Ngân hàng Thế giới được Bộ NN - PTNT phê duyệt gồm 2 tiểu dự án. Trong đó, tiểu dự án Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước Phú Vinh (năm 1) và tiểu dự án Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước (năm 2).

Đến nay, đã thi công hoàn thành 7 hồ chứa (Phú Vinh, Đập Làng, Vũng Mồ, Thanh Sơn, Long Đại, Đồng Suôn và Đồng Vạt), trong đó đã bàn giao đưa vào sử dụng 6 hồ chứa. Hồ chứa Đồng Vạt đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để bàn giao. “Giá trị thực hiện và giải ngân đạt 76%, được Nhà tài trợ WB, Bộ NN-PTNT, Ban quản lý TW các dự án thủy lợi (CPO)… đánh giá cao về chất lượng và tiến độ qua các đợt kiểm tra định kỳ”- ông Lâm cho hay.

Các công trình thủy lợi được nâng cấp sửa chữa từ nguồn vốn dự án WB8 đều được đánh giá cao về mặt chất lượng, thẩm mỹ. Mỗi công trình được mang một dáng vẽ riêng. Nhiều hồ chứa trước đây bị thấm qua đập, qua cửa cống nên lượng nước tích chỉ đạt một nửa. Đến bây giờ, thượng nguồn con đập là hồ nước mênh mông. Chưa qua hết mùa mưa năm nay, nhưng lượng nước ở các hồ chứa đã xấp xỉ đạt ngưỡng. Qua kiểm tra các hồ đập, ông Hoàng Kinh Đại cũng cho biết: “Nhờ có nguồn vốn dự án WB8 mà nhiều công trình đã được nâng cấp có chất lượng cao. Lượng nước trữ rất tốt, đáp ứng nhu cầu tưới trong sản xuất nông nghiêp và dân sinh”.

Quản lý vận hành bằng công nghệ cao tại hồ chứa Phú Vinh. Ảnh: T.P

Nói về hiệu quả các công trình thủy lợi, ông Phạm Chính Lâm cho biết, ngoài yếu tố thẩm mỹ thì các công trình đảm bảo được nhiệm vụ tưới, cấp nước trên địa bàn. “Những công trình này đã cho người dân sự an tâm khi mùa mưa bão đến”- ông Lâm nói thên.

Thời gian qua, Quảng Bình cũng đã bổ sung danh mục hồ chứa nước Dạ Lam, Trốc Vực nằm trong khuôn khổ nguồn vốn dự án. Qua đó, địa phương tiếp tục đầu tư gia cố các công trình hồ chứa trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn. Đến nay Bộ NN- PTNT đã chấp thuận bổ sung các hồ, Ngân hàng Thế giới có ý kiến không phản đối. Hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT Quảng Bình triển khai lựa chọn tư vấn lập điều chỉnh dự án đầu tư, lập báo cáo an toàn đập, khảo sát điều tra xử lý mối, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; lập báo cáo chính sách an toàn để sớm triển khai thi công công trình.

Vừa hoàn thành nhanh các hạng mục nâng cấp, sửa chữa, Quảng Bình còn đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN-PTNT Quảng Bình thì dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân theo đúng quy trình đặt ra. Lũy kế giải ngân năm 2021 đạt 100% kế hoạch vốn kiến nghị điều chỉnh.

Nguồn: nongnghiep.vn