2021.11.18 - 1521 lượt xem
Khắc phục khó khăn về nhân lực, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã linh hoạt trong việc huy động sức dân làm thủy lợi nội đồng. Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế ở các địa phương giúp hệ thống kênh, mương nội đồng thông thoáng, bảo đảm dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đa dạng cách làm
Những ngày này, tại huyện Tân Yên, phong trào làm thủy lợi nội đồng diễn ra khẩn trương, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Tại xã Ngọc Lý, ngoài giao cho các ngành, đoàn thể phụ trách, chịu trách nhiệm nạo vét kênh, mương ở từng thôn, UBND xã tập trung nguồn lực cứng hóa 500 m kênh tưới Tân Lập. Do chạy qua khu dân cư nên nhiều đoạn kênh bị bồi lắng, xuống cấp, nhiều đoạn bị sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân, địa phương bố trí kinh phí, huy động nhân dân đóng góp gần 550 triệu đồng cứng hóa tuyến kênh.
Người dân thôn Đồi Giềng, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) nạo vét kênh, mương nội đồng.
Dịp này, xã Ngọc Thiện có kế hoạch nạo vét hơn 13,1 km kênh, mương nội đồng. Khối lượng công việc lớn trong khi cơ bản nguồn lao động trẻ đi làm công nhân nên các thôn gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực tham gia. Tháo gỡ vướng mắc này, cùng với yêu cầu mỗi người trong độ tuổi lao động phải tham gia 5 ngày công, các thôn có hướng “mở” khi đồng ý cho những trường hợp không bố trí được thời gian có thể đóng tiền để thôn thuê máy móc, phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng thôn Đồi Giềng, xã Ngọc Thiện cho biết: “Những người trong độ tuổi lao động nhưng không thể bố trí thời gian, chúng tôi sẽ thu 50 nghìn đồng để thuê máy xúc nạo vét các đoạn kênh mương sâu, rộng. Những trường hợp không đóng góp ngày công cũng như kinh phí, thôn sẽ lập danh sách để đưa vào bình xét đánh giá hộ gia đình dịp cuối năm”.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 8 nghìn km kênh tưới, tiêu các cấp, trong đó hệ thống kênh tưới dài gần 6,5 nghìn km. Do tỷ lệ kiên cố hóa thấp (kênh tưới là 48,1%, kênh tiêu đạt 0,14%), hằng năm các địa phương đều phải huy động lực lượng lớn nhân công tham gia nạo vét, bảo đảm dòng chảy dẫn nước về đồng. Khắc phục khó khăn khi phần lớn lao động ở nông thôn đi làm ăn xa, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức, tiền để làm thủy lợi nội đồng.
Tại thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng), tận dụng lợi thế trong thôn có máy xúc, Ban quản lý thôn vận động cá nhân có máy hỗ trợ ca máy, thôn bỏ tiền (nguồn thủy lợi phí và nhân dân đóng góp) mua nhiên liệu để nạo vét kênh mương. Những đoạn mương nhỏ, máy không thể vào, các hộ cử người tham gia nạo vét.
Hay như tại thôn Bãi Cháy, xã Bảo Đài (Lục Nam), để bảo đảm 100% kênh, mương nội đồng được nạo vét 2 lần/năm, Ban quản lý thôn tổ chức họp dân, thống nhất mức đóng góp của các hộ theo diện tích đất nông nghiệp hiện có (50 nghìn đồng/sào/năm). Theo ông Nguyễn Hữu Toản, Trưởng thôn Bãi Cháy, dù là thôn xa nguồn nước nhất, các cánh đồng ở vị trí cao song do được nạo vét thường xuyên nên toàn bộ 24 ha đất nông nghiệp của thôn có nước dẫn đến tận nơi.
Huy động nguồn lực để cứng hóa
Những năm qua, UBND tỉnh, các huyện, TP dành nhiều nguồn lực để cứng hóa kênh, mương nội đồng, tạo đà để phát triển sản xuất. Tại huyện Yên Dũng, 10 năm qua, các địa phương trong huyện kiên cố hóa hơn 71 km kênh tưới cấp 3, kênh, mương nội đồng với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, nâng tổng số kênh do xã quản lý được kiên cố hóa đạt hơn 60,8%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tại nhiều địa phương, tình trạng bỏ ruộng do thiếu nước sản xuất vẫn diễn ra, nhất là tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ví như tại 68 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh có 113/198 km kênh, mương chưa cứng hóa, nhiều diện tích canh tác phụ thuộc nước mưa. Ngay như ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) cũng có 4-5 khu vực nước không thể đến được, người dân phải khắc phục bằng việc khoan giếng phục vụ sản xuất.
Toàn tỉnh hiện có gần 8 nghìn km kênh tưới, tiêu các cấp; trong đó kênh tưới gần 6,5 nghìn km. Đến nay đã kiên cố hóa được hơn 3,1 nghìn km kênh tưới (đạt 48,1%) và hơn 2 km kênh tiêu, đạt 0,14%. |
Huyện Tân Yên cũng có 283/455 km kênh, mương do các xã, thị trấn quản lý được cứng hóa, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động tại các xã đạt hơn 90%. Huyện lồng ghép các nguồn vốn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới để cứng hóa các tuyến kênh. Nguồn nước bảo đảm, huyện hình thành, duy trì 24 cánh đồng mẫu quy mô 21-70 ha/cánh đồng sản xuất lúa, 78 vùng sản xuất rau màu tại các xã. Hiệu quả sản xuất tại cánh đồng mẫu, vùng tập trung tăng 15-25% so với sản xuất đại trà.
Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Bên cạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ cứng hóa kênh, mương, việc các địa phương chủ động tu bổ, nạo vét sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, bảo đảm cung cấp đủ nước cho sản xuất. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục tiếp tục đôn đốc các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ nạo vét đợt 2, sẵn sàng phục vụ đổ ải vụ đông xuân”.
Nguồn: Báo Bắc Giang Điện Tử