ĐBSCL: Chủ động ứng phó hạn, mặn mùa khô 2021-2022 ở mức khốc liệt

2021.11.18 - 1455 lượt xem

Các tỉnh ĐBSCL đã triển khai kế hoạch phòng chống hạn mặn mùa khô 2021-2022 với mức nguy cơ khốc liệt như mùa khô 2019-2020.

Tiền Giang kiện toàn mạng lưới kênh, mương thủy lợi nội đồng

Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với trên 80.000ha và lúa đông xuân 2021-2022 khoảng 49.000ha. Sở NN-PTNT Tiền Giang đang kiện toàn mạng lưới kênh, mương thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng, chống hạn mặn.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang khuyến cáo đến ngày 20/11, nông dân nên xuống giống dứt điểm vụ lúa đông xuân. Đặc biệt, có phương án phù hợp để ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm 2022 ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công cũng như phương án phòng, chống lũ và triều cường ở các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh, nhất là bố trí sớm khung thời vụ để né hạn mặn. 

Gia cố đê bao phòng chống sạt lở ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Gò Công Đông là huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang, khi mùa khô đến địa phương cần thực hiện các công trình đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho 11.650 ha cây trồng trên địa bàn huyện gồm: sản xuất vụ lúa đông xuân 8.000 ha, hoa màu 2.700 ha, vườn cây ăn trái 950 ha. Huyện Gò Công Đông dự kiến nạo vét 26 tuyến kênh bị bồi lắng (7 tuyến kênh cấp huyện, 19 tuyến kênh cấp xã) và 8 cống nội đồng. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình thủy lợi trong năm 2022 gần 7,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Để chủ động ứng phó đợt hạn mặn sắp tới, UBND tỉnh Tiền Giang giao Ban Quản lý thực hiện các công trình nông nghiệp phục vụ sản xuất cho người dân. Nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương khoảng 130 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang đầu tư các công trình phòng chống sạt lở như dự án kênh 28, dự án chống xói lở Gò Công tại biển Tân Thành,... Đặc biệt là nạo vét 10 con kênh trữ nước phục vụ phòng chống hạn mặn. Đến nay, các dự án đảm bảo tiến độ và có thể đưa vào phục vụ những tháng cuối năm nay để kịp thời phục vụ sản xuất.

Một vườn sầu riêng của nông dân Tiền Giang vừa mới khôi phục sau đợt hạn mặn 2019-2020. Ảnh: Minh Đảm.

Trà Vinh đẩy sớm lịch thời vụ để né mặn

Tỉnh Trà Vinh, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 có kế hoạch xuống giống khoảng 54.000ha. Theo ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh cho biết: Tỉnh xây dựng khung thời vụ gieo sạ từ ngày 15/11 – 30/12, đẩy sớm lịch thời vụ để né mặn. Năm nay, một số vùng bỏ vụ thu đông, vụ mùa nên bà con xuống giống sớm hơn. Bên cạnh đó, các công trình trữ nước ngọt cũng đang được thực hiện nên khả năng ứng phó hạn mặn sẽ tốt hơn năm rồi.

Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm: Với mức dự báo hạn mặn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống gửi các địa phương. Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Trà Vinh chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn, nhất là vùng Trà Cú.

Năm nay, được sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư trạm bơm Kênh 3 tháng 2 khả năng bơm lấy nước cho vùng này sẽ tốt hơn, chủ động hơn đối với đợt hạn mặn sắp tới. Hiện nhà thầu đã cam kết hoàn thành công trình đúng hợp đồng bàn giao vận hành theo hợp đồng vào ngày 29/12. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động nạo vét các kênh nội đồng, xây dựng 34 cống đập và 18 trạm bơm.

Các tỉnh ĐBSCL đang chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô 2021-2022. Ảnh: Minh Đảm.

Bến Tre tăng cường thông tin dự báo, số liệu đo mặn hàng ngày  

Còn tại tỉnh Bến Tre, dự báo mùa khô năm 2021-2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12/2021. Đến giữa tháng 2/2022, mặn có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 50km. Độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2022. Độ mặn 4 phần nghìn trên các sông chính xâm nhập ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016. Cụ thể, sông Cổ Chiên giảm 5km, sông Hàm Luông giảm 16km, sông Cửa Đại giảm 2km.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mới ký công văn ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa. Đồng thời, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn để bảo vệ tối đa nguồn nước ngọt.

UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở NN-PTNT, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là chuyển tiếp thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã thông qua các trang mạng xã hội về phòng chống thiên tai để người dân biết, ứng phó.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng. Khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp.

Nguồn: nongnghiep.vn