2021.11.12 - 1341 lượt xem
Nước là một yếu tố quyết định đến năng xuất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, việc vận hành hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới đóng vai trò quan trọng.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, bằng nguồn lực đầu tư của nhà nước và huy động xã hội hóa, hệ thống thuỷ lợi tại huyện Văn Bàn (Lào Cai) luôn đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho cả chục nghìn hécta đất nông nghiệp của bà con nông dân.
Cho đến nay, hệ thống công trình thuỷ lợi trọng yếu, thủy lợi nội đồng của huyện Văn Bàn đã cơ bản được bê tông hóa, đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo đó, toàn huyện hiện có 19 hồ, 280 đập đầu mối với trên 716km kênh mương. Trong đó, kênh mương kiên cố hoá được 606km, đạt 76%, số còn lại là mương đất.
Đủ nước tưới, nhiều diện tích trồng lúa ở Văn Bàn (Lào Cai) cho năng suất cao. Ảnh: H.Đ
Hệ thống công trình thuỷ lợi được kiên cố hóa đã góp phần quan trọng trong việc tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực, đưa sản phẩm nông nghiệp của người dân thành hàng hoá.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết, phòng chống lũ, úng ngập, đặc biệt phòng chống hạn hán. Không để xảy ra tình trạng lúc thì thừa nước, lúc thì nước không có một giọt.
Qua đó, các xã trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Công trình thủy lợi còn đảm bảo nước tưới cho bà con thâm canh tăng vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tạo động lực nâng cao thu nhập cho người dân…
Bà Lương Thị Kiều Vân ở thôn Én 1, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) cho biết, trước đây khi gặt lúa xong thì hầu hết diện tích đất ruộng của gia đình chỉ để không. Song những năm gần đây, gia đình tôi đưa một số cây trồng vụ đông vào sản xuất như ngô nếp, khoai lang, rau các loại… Các loại cây có đủ nước tưới nên sản lượng rất tốt. Các sản phẩm này chủ yếu bán cho thương lái còn phế phẩm tận dụng làm thức ăn cho trâu bò tránh rét vào mùa đông. Cây vụ đông giúp tăng thu nhập cho gia đình tôi trước khi chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân.
Ông Triệu Quốc Chưởng, Phó phòng NN-PTNT huyện Văn Bàn cho biết, huyện đã tiến hành rà soát chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi trên địa bàn huyện. Cơ bản, các hệ thống thuỷ lợi đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho 10.000ha đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Trong đó, 8.106ha diện tích lúa; 2.014ha diện tích rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và 432ha nuôi trồng thuỷ sản.
Người nông dân ở Văn Bàn canh tác rau màu trên đồng ruộng của mình. Ảnh: H.Đ
Cần đảm bảo hệ thống thuỷ lợi hoạt động hiệu quả
Hệ thống máng dẫn của công trình thủy lợi Leo Liềng đã xuống cấp
Huyện Văn Bàn có diện tích hơn 1.435 km2, với địa hình phức tạp, dốc, do diện tích đồi núi chiếm tới 90%. Nơi cao nhất là xã Nậm Chày, cao hơn mực nước biển tới 2.875m; còn thấp nhất là vùng hạ lưu suối Chàn, chỉ cao khoảng 85m so mực nước biển.
Tuy nhiên, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng tại huyện Văn Bàn đã được vận hành hiệu quả, bền vững trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực, bảo đảm việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình.
Ngoài ra, những hộ dân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới khoa học, không chỉ giúp tưới tiết kiệm nước mà còn phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng…
Đặc biệt, tổ duy tu ở các xã đã phát huy hiệu quả, đảm bảo kênh mương đưa nước tưới tới từng thửa ruộng, đất trồng cây của người dân. Khắc phục ngay các hư hỏng nhỏ, thường xuyên nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh nhất là vào mùa mưa lũ, xảy ra thiên tai lũ bão gây sạt lở lấp kênh.
Tuy nhiên, một số công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện sau hàng chục năm sử dụng đã xuống cấp. Trong đó, công trình thủy lợi Leo Liềng thuộc xã Võ Lao được xây dựng từ những năm 2.000. Sau hơn 20 năm sử dụng, nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Công trình thủy lợi Leo Liềng được tiếp nước từ đập đầu mối xây dựng trên suối Nậm Mả bằng kết cấu bê tông, tổng chiều dài đường dẫn nước lên đến 4.800 m. Hệ thống này cũng đã được nâng cấp bằng việc vít các điểm dò nước và nâng cao thành của kênh dẫn nước, nhưng đến nay do công trình đã xuống cấp nên việc nạo vét, duy tu gặp nhiều khó khăn do xuất hiện nhiều điểm hư hỏng…
Ngoài ra, ngay tại trung tâm thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn) cũng xảy ra vi phạm đào phá hoàn toàn phần mái hạ lưu đập số 2 dài 255,4m của hồ chứa nước trung tâm thị trấn. Sau khi phát hiện vi phạm, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã có các văn bản gửi báo cáo UBND tỉnh Lào Cai báo cáo về nội dung vi phạm nêu trên. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, yêu cầu báo cáo thực hiện đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi tại thị trấn…
Nguồn: nongnghiep.vn