Nghệ An cần 532 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi

2021.11.08 - 1282 lượt xem

Không chỉ cắt lũ hiệu quả cho vùng hạ du, các công trình thủy lợi tại Nghệ An còn đảm bảo nước tưới cho hàng chục ngàn ha cây trồng và phục vụ dân sinh…

Đa mục tiêu

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Trên địa bàn có 1.061 đập, hồ chứa nước, ngoài nhiệm vụ góp phần cắt lũ cho vùng hạ du, các công trình còn đảm bảo tưới cho hàng chục ngàn ha cây trồng, đồng thời cấp nước phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế khác.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, hiện 7 Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi (Thuỷ lợi Bắc, Nam, Thanh Chương, Tây Bắc, Tây Nam, Tân Kỳ, Phủ Quỳ) đang quản lý 98 hồ, đảm bảo quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Phần còn lại do UBND cấp xã, các Hợp tác xã, tổ đội thuỷ nông phụ trách.

Hàng loạt công trình thủy lợi quy mô được xây dựng trên địa bàn Nghệ An trong những năm gần đây. Ảnh: Võ Dũng.

Cùng với việc tổ chức lại các Công ty TNHH MTV thủy lợi, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện tiến hành rà soát, chuyển giao tất cả các hồ có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên (hoặc từ 500.000 m3 trở lên có chiều cao thân đập lớn hơn 15m) về cho các Công ty thủy lợi quản lý để đảm bảo chuyên môn kỹ thuật và an toàn hồ đập.

Qua ghi nhận thực tế, đến nay đã có 24 hồ chứa đã được chuyển giao. Ngoài ra, các công ty TNHH MTV thủy lợi cũng đã tiếp nhận 6 công trình mới được đầu tư từ các dự án.

Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống thủy lợi, thời gian qua Nghệ An đã chủ động nắm bắt thời cơ, xây dựng kế hoạch để từng bước nâng cấp, hiện đại hóa các công trình. Từ năm 2014 đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, trực tiếp là Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT địa phương đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, gồm: hồ chứa nước Bản Mồng, cống Nam Đàn 2, Dự án Sông Sào giai đoạn 2; hồ Khe Lại - Vực Mấu.

Một trong số đó là Hồ chứa nước Bản Mồng, công trình thủy lợi có mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Ngoài ra còn tiến hành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa ách yếu như Thạch Tiền, Tràng Đen, Khe Canh, Nghi Công...; dự án Nông thôn tổng hợp Miền Trung, Dự án Quản lý rủi ro thiên tai WB3, WB5, WB8; dự án Sửa chữa nâng cấp hệ thống tiêu Vách Nam và sông Bùng, hệ thống tiêu Diễn - Yên 2; Chỉ đạo ứng dụng công nghệ kiểm soát quy trình vận hành hồ chứa cho hồ Vực Mấu, hồ Sông Sào, xây dựng phần mềm phục vụ cho công tác quản lý…

Đánh giá tổng quan, các dự án lớn đang triển khai và nhiều dự án hoàn thành đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Nghệ An đã đặt ra.

Cần thêm nguồn vốn hỗ trợ

Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương được giao phụ trách, quản lý 8 hồ chứa và 10 trạm bơm. Hệ thống các công trình có dung tích hồ không quá lớn nhưng lưu vực rộng, mùa mưa lũ lượng nước nhập hồ nhanh, dân sinh sống sau thân đập và tràn xả lũ tương đối đông, vì thế đối diện nhiều nguy cơ khi xảy ra sự cố. Đặc biệt là vùng Bích Hào - hạ lưu các hồ chứa Cửa Ông, Mụ Sỹ, Trảng Không, Triều Dương, Vạt Chạc, những điểm này nước thường ngập sâu từ 0,5-1,5m.

Nằm trong hệ thống công trình, hồ chứa Cầu Cau thuộc địa phận 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh, được xây dựng từ năm 1963, mãi đến tháng 3/2008 các hạng mục đầu mối mới hoàn thành. Hiện phần đập chính đang có hiện tượng thấm nhẹ ở hạ lưu, vị trí thấm cách vai trái đập 110m, chiều dài vùng thấm 70m, chiều rộng 8m. Đập phụ Cây Hồng bị sạt lở ở dọc chân mái thượng lưu…

Hồ chứa Cầu Cau thuộc quản lý của Công ty TNHH thủy lợi Thanh Chương. Ảnh: Võ Dũng.

Trước mắt chưa quá đáng lo nhưng lâu dài đập Cầu Cau cần có phương án gia cố, đó cũng chính là đặc điểm chung của phần đa công trình thủy lợi trên địa bàn Nghệ An lúc này.

Nhìn chung các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu năng lực quản lý, khai thác theo Nghị định 67/2018/NĐ- CP. Ngược lại, các công trình do xã, hợp tác xã quản lý chỉ đáp ứng được 1 phần yêu cầu năng lực quản lý, việc chỉ đạo, ứng phó thiên tai gặp nhiều khó khăn.

Việc duy tu, bảo dưỡng là hết sức cấp thiết, tuy nhiên do nguồn hỗ trợ và nguồn thu từ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cơ bản chỉ đủ để chi cho công tác quản lý, vận hành phục vụ tưới tiêu cho từng vụ sản xuất; kinh phí không cân đối được… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quan trắc, kiểm tra, đánh giá an toàn đập.

Hàng loạt hồ chứa, đập thủy lợi ở Nghệ An thực sự cần phải duy tu, nâng cấp. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An hiện có khoảng 700 hồ chứa chưa được sửa chữa, nâng cấp. Các công trình xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào các hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế hạn hẹp.

Dù rất nỗ lực nhưng phải thừa nhận rằng, lúc này Nghệ An không thể dựa vào sức mạnh “nội lực” trong nhiệm vụ nâng cấp, làm mới hệ thống thủy lợi, việc chỉ bố trí được trên 34 tỷ đồng trong năm 2021 để sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng trước mùa mưa lũ là minh chứng rõ nét. Địa phương đang cần sự hỗ trợ của Trung ương hơn lúc nào hết, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng khó đoán.

Trước mắt toàn tỉnh có 84 hồ chứa đang “kêu cứu”, tổng kinh phí khái toán thực hiện khoảng 532 tỷ đồng. Trong đó nhóm ưu tiên 1 gồm 14 công trình với kinh phí 172 tỷ; nhóm ưu tiên 2 gồm 70 công trình, tổng kinh phí là 360 tỷ.

Nguồn: nongnghiep.vn