Tuyên Quang: Khai thác hiệu quả những hồ thủy lợi trọng điểm

2021.11.08 - 1338 lượt xem

 Ngòi Là, Hồ Khởn, hồ Hoàng Tân... là những công trình thủy lợi trọng điểm bậc nhất đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân của tỉnh Tuyên Quang.

Đảm bảo an toàn hồ thủy lợi

Công trình hồ thủy lợi Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương có diện tích mặt nước là 18ha. Công trình đảm bảo tưới chắc cho trên 400ha diện tích lúa của cả 2 vụ trên địa bàn. Bảo đảm an toàn cho toàn bộ hồ đập cũng như việc tích trữ nguồn nước phục vụ sản xuất và an toàn cho các hộ dân sống dưới vùng hạ du, năm 2020, công trình được đầu tư tổng kinh phí 10,4 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa các hạng mục như mái, đập tràn và xử lý các điểm rò rỉ tại hệ thống cống. Đến nay các hạng mục đã được hoàn thiện bàn giao và đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu bơm nước làm đất, gieo cấy vụ xuân của bà con nông dân.

Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương cho biết, việc hoàn thành nâng cấp, sửa chữa hồ Hoàng Tân đã đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất cho bà con, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, nhất là trong mùa mữa bão.

Với diện tích lưu vực rộng hơn 16 km2, hồ thủy lợi Ngòi Là là công trình hồ thủy lợi lớn và nhiều tuổi bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Đảm bảo khai thác hiệu quả công trình, năm 1999 công trình được nâng cấp sửa chữa lần 1 gồm các hạng mục: Tràn xả lũ đổ bê tông cốt thép; thay mới máy đóng mở thuộc cống lấy nước và hệ thống kênh chính được nâng cấp với kết cấu bê tông vỏ mỏng, đường quản lý được rải đá răm nhựa thâm nhập nông.

Tiếp đó, năm 2019 công trình được sửa chữa, nâng cấp lần 2 với các hạng mục như: Mở rộng tràn xả lũ; lát mái thượng lưu; đắp áp trúc và trồng cỏ mái hạ lưu; trải nhựa mặt đập; sửa chữa, nâng cấp cống lấy nước; nâng cấp đường quản lý hồ. Sau 2 lần nâng cấp, sửa chữa đến nay công trình được đảm bảo an toàn, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Vận hành, khai thác hồ thủy lợi Ngòi Là, công trình hồ đập lớn bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Những công trình hồ thủy lợi có diện tích lớn hơn 10ha luôn được ưu điên hàng đầu trong việc duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: Đào Thanh.

Hồ Khởn, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên có diện tích mặt nước khoảng 40ha được bao bọc bởi dãy núi Cham Chu và những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn nên khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Công trình bảo đảm nguồn nước tưới cho hơn 38ha ruộng của 6 thôn thuộc xã Thái Sơn. Nhiều năm nay, hồ Khởn còn được chính quyền địa phương cho người dân thầu để nuôi trồng thủy sản với tổng sản lượng khai thác thủy sản hàng năm trên 30 tấn cá các loại.

Anh Nguyễn Văn Tuyên, người dân thôn 1, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên cho biết, nhiều năm nay hồ Khởn giúp người dân địa phương đảm bảo nước tưới cho cấy 2 vụ lúa. Riêng gia đình anh có 3 sào lúa, nhờ nguồn nước hồ luôn được tích trữ dồi dào nên dù vụ thu đông hay hè thu anh đều không sợ thiếu nước về ruộng đồng. Thời gian gần đây, hồ Khởn còn được tận dụng để nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế du lịch.

Cùng với hồ Ngòi Là, hồ Hoàng Tân, hồ Khởn các công trình có diện tích lớn như hồ Hoa Lũng, xã Đại Phú, hồ Tân Dân, xã Hợp Hòa huyện Sơn Dương; hồ Hoàng Khai, hồ An Khê, huyện Yên Sơn... là những công trình hồ thủy lợi trọng điểm luôn được tỉnh Tuyên Quang ưu tiên hàng đầu trong việc thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn.

Khai thác hiệu quả

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 493 công trình hồ chứa thủy lợi đang quản lý khai thác, trong đó có 189 công trình có chiều cao đập từ 5m trở lên hoặc có dung tích hồ từ 50.000 m3 trở lên. Các công trình đảm bảo tưới chắc cho hơn 82% diện tích lúa.

Theo Ban Quản lý các công trình Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, qua kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất cho thấy hiện nay các công trình thủy lợi hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích trữ được trung bình từ 60-70% dung tích hồ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 84 công trình chỉ tích trữ được từ 50% dung tích hồ trở xuống, trong đó có 10 hồ chứa lớn, 17 hồ chứa vừa, 57 hồ chứa nhỏ, một số công trình đang tháo cạn để phục vụ sửa chữa, nâng cấp công trình.

Huyện Hàm Yên có 81 công trình thực hiện quản lý an toàn hồ đập. Gồm hồ Khởn có diện tích 40ha là công trình lớn nhất, ngoài ra còn có 6 hồ chứa vừa và 74 hồ chứa nhỏ.

Công trình thủy lợi hồ Khởn, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên có diện tích hơn 40ha. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, phần lớn các công trình trên địa bàn huyện đã có niên hạn sử dụng lâu, bắt đầu xuống cấp; công tác bảo trì bảo dưỡng công trình của các Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở được giao quản lý, khai thác vận hành chưa chủ động trong công tác lập kế hoạch, phương án biện pháp tu sửa, vận hành.

Trong khi đó, tại cơ sở năng lực cán bộ kiểm tra, thống kê, quản lý của các Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở rất hạn chế; công tác chỉ đạo của UBND các xã, thị trấn chưa được quan tâm, chú trọng và quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý đối với công tác đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa lũ. UBND huyện Hàm Yên đã đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn vốn sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi đã hư hỏng để đảm bảo phục vụ cho sản xuất trên địa bàn.

Các hồ thủy lợi ở tỉnh Tuyên Quang đã và đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các loại động thực vật khu vực thượng nguồn phát triển phong phú, trong đó có cả việc phát triển thủy sản. Về kinh tế, các hộ dân hưởng lợi từ công trình có điều kiện đầu tư thâm canh nâng cao năng suất cây trồng, mở rộng diện tích tưới chắc, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, nhiều hồ thủy lợi còn được khai thác tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Khai thác hiệu quả và bảo vệ an toàn các công trình hồ đập trọng điểm, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và UBND các huyện, thành phố tiếp tục củng cố lực lượng quản lý công trình thủy lợi đủ năng lực, chuyên môn về quản lý, vận hành; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Các địa phương cũng chỉ đạo việc phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hồ chứa nước thuỷ lợi để kịp thời phát hiện các sự cố, nhất là đối với các hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn, các hành vi xâm hại đến công trình như: Rào đăng chắn cá trước tràn xả lũ, lấn chiếm lòng hồ, tháo ốc, van cống, phá khoá nhà van... báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn công trình, đồng thời tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất.

Nguồn : nongnghiep.vn