2021.10.27 - 1941 lượt xem
Kiên Giang đã đầu tư và đưa vào sử dụng 10 công trình thủy lợi trọng điểm nhằm kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ phát triển sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, giai đoạn từ năm 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã thi công xong và đưa vào sử dụng 10 công trình thủy lợi kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình này là 814 tỷ đồng.
Các công trình thủy lợi trọng điểm được đầu tư, đã giúp tỉnh Kiên Giang kiểm soát mặn, giữ nước ngọt, phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.
Trong đó, cống Kênh Cụt (TP Rạch Giá), có vốn đầu tư 277 tỷ đồng, thuộc dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB6). Các cống thuộc dự án công trình khẩn cấp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn vùng ven sông Cái Bé, gồm: cống rạch Cà Lang, cống Đập Đá (huyện Châu Thành), có vốn đầu tư lần lượt là 58 và 31 tỷ đồng và cống Sông Kiên (TP Rạch Giá), vốn đầu tư 198 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng khôi phục và nâng cấp tuyến đê biển An Biên – An Minh, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 cống, gồm: cống kênh Thứ Bảy, cống Xẻo Đôi, cống Xẻo Quao, cống Thuồng Luồng, cống Rọ Ghe và cống Xẻo Nhào, có tổng vốn đầu tư 256 tỷ đồng.
Các công trình thủy lợi trọng điểm được đầu tư, đã giúp tỉnh Kiên Giang kiểm soát mặn, giữ nước ngọt, phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.
Theo ông Toàn, đây là những công trình trọng điểm, cấp bách nhằm triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Qua đó, đã giúp nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, điều tiết mặn, ngọt hiệu quả, giúp phát triển sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
Nhờ phát huy hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về sản xuất lúa, với sản lượng năm 2021 ước đạt 4,5 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh, nhất là nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi từ năm đến nay đạt 136.087/136.000 kế hoạch, sản lượng thu hoạch cả năm phấn đấu vượt mốc 100.000 tấn.
Trong nội bộ ngành nông nghiệp, đã có sự chuyển dịch từ trồng lúa 1 vụ/năm, năng suất thấp, sang nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm (mô hình lúa – tôm), nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
Các huyện vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang đã chuyển phần lớn diện tích canh tác lúa một vụ sang luân canh tôm - lúa, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Ảnh: Trung Chánh.
Trong các địa phương chuyển đổi sản xuất lúa – tôm, huyện An Minh có diện tích sản xuất theo mô hình này lớn nhất tỉnh, với trên 39.000ha. Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, vụ lúa - tôm 2021 - 2022, đến cuối tháng 9, nông dân trong huyện đã cải tạo rửa mặn được 23.665ha và đã hoàn thành xuống giống được 13.382/21.000ha theo kế hoạch. Nông dân chủ yếu chọn biện pháp gieo mạ trên bờ vuông, sau đó nhổ xuống cấy, nên lượng lúa giống sử dụng ít, mật độ trên ruộng thưa, dễ chăm sóc và ít tốn chi phí.
Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện An Minh đã xuống giống được 109.600ha nuôi trồng thủy sản, gồm tôm nước lợ, cua biển, sò huyết, hến, nghêu lụa, vẹm xanh và cá các loại. Diện tích đã cho thu hoạch là là 101.550ha, sản lượng đạt 51.314 tấn, trong đó riêng sản lượng tôm nuôi đạt 21.174 tấn.
Ngoài diện tích sản xuất theo mô hình tôm lúa, huyện An Minh còn có vùng quy hoạch chuyên nuôi trồng thủy sản và nuôi dưới tán rừng phòng hộ ven biển, nông dân thường thả nuôi tôm sú, sò huyết, cua biển hoặc nuôi kết hợp. Huyện tiếp tục xúc tiến thu hoạch vùng khoanh nuôi sò huyết, vẹm xanh, nghêu lụa, hến biển... để đạt diện tích và sản lượng thu hoạch. Phấn đấu những tháng cuối năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt thêm khoảng hơn 13.000 tấn nữa.
Đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt tại Kiên Giang bình quân đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 22 triệu đồng/ha so với trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Giá trị sản phẩm thủy sản trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 130 triệu đồng/ha, tăng gần 30 triệu đồng/ha so với năm 2017. |
Nguồn: nongnghiep.vn