Phát triển thủy lợi trên tinh thần 'thuận thiên'

2021.10.18 - 1738 lượt xem

Xây dựng các công trình thủy lợi trên cơ sở nghiên cứu các quy luật dòng chảy, thời tiết, khí hậu sẽ giúp đời sống người dân tốt hơn, sản xuất bền vững hơn.

Phát huy điểm mạnh, khắc phục tồn tại

Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: Có thể thấy sự phát triển của 13 tỉnh ĐBSCL rất mạnh mẽ trong thời gian qua, là thành quả trong công tác chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân…

Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: TL.

Trong đó, ngành Thủy lợi đã có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của ĐBSCL, nổi bật là việc ngành Thủy lợi đã dùng nước để cải tạo đất phèn, đất mặn.

ĐBSCL được biết đến là một vùng đồng bằng với diện tích 4 triệu ha thì có tới 1,8 triệu ha là đất phèn. Những nơi nhiễm phèn nặng tại một số vùng ở các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An… đến mức người dân không thể sinh sống và sản xuất. Các chuyên gia Hà Lan với kinh nghiệm trong việc cải tạo vùng trũng thấp của đất nước mình, khi đối diện với việc cải tạo đất phèn ở ĐBSCL cũng tỏ ra rất ngần ngại.

Tuy nhiên, ngành Thủy lợi đã rất mạnh dạn, vượt lên những ý kiến trái chiều để xây dựng những kênh dẫn nước như kênh Hồng Ngự… Kết quả ngoài mong đợi khi những con kênh này đã phát huy vai trò và mang lại hiệu quả rất lớn trong cải tạo đất. Nhân dân ĐBSCL gọi trìu mến là “kênh Trung ương”.

“Vùng đất phèn của Kiên Giang được cải tạo, những nơi trước đây người dân không sinh sống được thì nay mùa lũ cá linh đã về. Diện tích đất phèn từ 1,8 triệu ha giảm xuống còn hơn 100.000 ha”, ông Đào Xuân Học cho hay.

Bên cạnh đó, ngành Thủy lợi cũng xây dựng nhiều hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt. Đáp ứng được yêu cầu về nước sản xuất cho từng giai đoạn, hiện nay là chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, đảm bảo cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn của ĐBSCL.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu mà ngành thủy lợi đạt được, cũng có không ít những tồn tại cần tháo gỡ. Tất nhiên vẫn đáp ứng yêu cầu của sản xuất lương thực và chỉ đạo của Chính phủ.

Tồn tại đầu tiên phải kể đến, là có thời điểm ngành Thủy lợi tham vọng ngọt hóa quá lớn. Dẫn đến, khi xây dựng các công trình không đảm bảo lượng cung cấp nước ngọt cho những vùng thuộc phạm vi công trình, nên gây những tác động không tốt.

Một số vùng ngọt hóa, hệ thống cống nước bé, khi chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản không đáp ứng được, nên người dân đã phá dỡ một số cống ở vùng muốn lấy nước mặn khi chuyển đổi phương thức sản xuất.

Ngoài ra, vấn đề lớn cần thay đổi trong thời gian tới là hệ thống quản lý các công trình thủy lợi đã được xây dựng tại ĐBSCL. Trong thời gian qua, công trình thủy lợi được xây dựng khá nhiều, có những vùng quản lý rất tốt như Trà Vinh, nhưng nhiều vùng quản lý không tốt.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là quản lý các công trình thủy lợi thế nào? để luôn luôn tạo dòng chảy 1 chiều, để cải tạo đất, rửa phèn, rửa mặn rất quan trọng. Để làm được điều này, cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Sớm hoàn thiện, tổ chức bộ máy quản lý các công trình thủy lợi bài bản, thì hiệu quả hoạt động của các công trình sẽ được nâng cao khi đưa vào sử dụng.

Hệ thống cống ngăn xâm nhập mặn tại Hậu Giang. Ảnh: TL.

Cần hiểu đúng về phát triển thuận thiên

Theo ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trong hội nghị ĐBSCL năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới vấn đề nông nghiệp thuận thiên. Tuy nhiên, đến năm 2019, do một số cá nhân, nhà khoa học hiểu không đúng từ "thuận thiên" nên Thủ tướng phải giải thích lại “Nói thuận thiên không có nghĩa là phụ thuộc vào thiên nhiên”.

Điều này hoàn toàn đúng, bởi lẽ, không có quy luật tự nhiên nào phù hợp với nhu cầu sản xuất và đời sống của con người. Đấy cũng chính là lý do có ngành Thủy lợi, để can thiệp vào dòng chảy trên cơ sở nghiên cứu các quy luật dòng chảy, quy luật của thời tiết khí hậu. Xây dựng những công trình thủy lợi làm cho đời sống con người tốt hơn, sản xuất bền vững hơn. 

“Không thể không xây dựng các công trình thủy lợi, đã có công trình thủy lợi là có sự can thiệp vào tự nhiên. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu tốt thì việc can thiệp sẽ mang lại nhiều mặt lợi, hạn chế ở mức nhỏ nhất tác động của mặt hại”, ông Đào Xuân Học chia sẻ.

Cũng theo ông Đào Xuân Học, tất cả các kỹ sư ngành Thủy lợi chắc chắn điều hiểu rằng, khi xây dựng các công trình thủy lợi phải dựa trên cơ sở tôn trọng các quy luật của tự nhiên để nghiên cứu rất kỹ.

Chúng ta thấy rằng, ở ĐBSCL vào mùa mưa lượng mưa rất lớn, mùa khô lượng mưa lại rất nhỏ, chưa kể dòng chảy hiện nay bị thay đổi quy luật đến mức hoàn toàn, do các hồ chứa ở thượng nguồn. Việc này gây ra rất nhiều vấn đề như thay đổi chế độ dòng chảy, hạn hán, xâm nhập mặn… trong khi hoạt động sản xuất của người dân diễn ra không ngừng. Chính vì vậy, phải có thủy lợi để hạn chế những tác động gây hại đó.

“Để nước chảy tự do ra sông, ra biển là điều không thể xảy ra được. Hiện tại, vấn đề ngập lụt ở ĐBSCL rất nghiêm trọng, không chỉ mình mùa lũ, mà ngay cả không phải mùa lũ thời điểm tháng 10, 11, 12 thì triều cường gây ngập lụt ở diện rất rộng. Nếu không có các công trình thủy lợi, thì không thể tiến hành hoạt động sản xuất, ngay cả sinh hoạt của người dân cũng không đảm bảo”, ông Đào Xuân Học nhấn mạnh.

Nguồn: nongnghiep.vn