2021.10.15 - 1418 lượt xem
Không chỉ nhìn thấy sự xuống cấp của nhiều công trình thủy lợi, phòng chống bão lũ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định Hà Tĩnh đã chủ động mọi mặt ứng phó với mưa bão.
Cả hệ thống nhập cuộc
Ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác đã trực tiếp đi ghi nhận tình hình mưa lũ và chỉ đạo ứng phó với bão số 8 tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tác động của thiên tai trong những năm qua.
Đã quá quen với thực trạng mưa bão triền miên, nay lại phải gánh gồng thêm tác động từ dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo sự chủ động cần thiết UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kích hoạt các phương án ứng phó với tinh thần cao nhất, trong đó đề phòng kịch bản tương tự như trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020.
Một trong những điểm cần đặc biệt lưu tâm là tuyến đê Hội Thống, thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Ảnh: Gia Hưng.
Trên cơ sở này, các lực lượng liên quan đã tổ chức thường trực 24/24h nhằm chủ động ứng phó kịp thời trong mọi hoàn cảnh, diễn biến.
Chi tiết hơn, các Tiểu ban của Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, nhất là Tiểu ban lực lượng, Tiểu ban An toàn giao thông đã huy động lực lượng, phương tiện túc trực tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý các tình huống có thể xảy đến.
Ngành Công an phối hợp các địa phương có tuyến đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát các vị trí nhà nghỉ, khách sạn, nhà cộng đồng, nhà của dân… để tạo điều kiện cho người dân di chuyển có chỗ tránh trú khi cấp bách; Sở Công thương chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, nhất là thủy điện Hố Hô để thông tin kịp thời đến người dân; Sở NN-PTNT triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ, đập xung yếu, đang thi công. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, tính toán để chủ động điều tiết sớm các hồ chứa nhằm tăng dung tích đón lũ, nhưng phải đảm bảo tích nước, phục vụ sản xuất 2022…
Do ảnh hưởng của thiên tai nhiều điểm trên tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không được gia cố kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: Việt Khánh.
Tính đến 13h chiều 11/10 tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào trú tránh an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao các cơ quan chức năng hướng dẫn, sắp xếp, bố trí người hướng dẫn và tạo điều kiện cho các phương tiện tàu thuyền của các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khi vào tránh trú vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, vừa phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Ở phương diện khác, Hà Tĩnh có 351 hồ chứa với tổng dung tích gần 1,6 tỷ m3. Đến 7h ngày 13/10 mực nước các hồ chứa nhỏ cơ bản đã đầy, các hồ chứa lớn dung tích đạt 60 đến 95% thiết kế. Riêng hồ chứa Ngàn Trươi đạt gần 70% dung tích thiết kế, hồ Kẻ Gỗ 46% dung tích thiết kế.
Đoàn công tác cũng ghi nhận tình hình thực tế tại cảng cá Xuân Hội. Ảnh: Việt Khánh.
Các địa phương, các Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi có trách nhiệm vận hành các công trình để chủ động tiêu nước đệm, đề phòng ngập úng khi có mưa lớn.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn sàng 4 kịch bản di dời dân. Với bão cấp 8, cấp 9 sẽ di dời 658 hộ/9.823 người; trường hợp bão cấp 10, cấp 11 di dời 2.692 hộ/ 15.788 người; bão cấp 12, cấp 13 di dời 22.623 hộ/77.504 người; bão cấp 14 trở lên di dời 45.050 hộ/155.803 người. |
Trong khi đó, đối với toàn bộ các công trình nâng cấp đê điều, hồ chứa (17 dự án nâng cấp đê và xử lý sạt lở bò sông, bờ biển; có 18 dự án nâng cấp các hồ chứa với khối lượng cơ bản đạt từ 85 đến 90%), tỉnh đã chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị phương án ứng phó khi có bão và mưa lũ lớn để hạn chế tối đa thiệt hại.
Một số phương tiện khai thác thủy sản của ngư dân đã chủ động về neo đậu trong khu vực cảng cá Xuân Hội. Ảnh: Gia Hưng.
Về sản xuất nông nghiệp, lúc này toàn tỉnh có 5.500ha/7.300ha cam chuẩn bị cho thu hoạch; 6.539 ha đang nuôi thủy sản. (Nuôi ngọt: 4.440 ha; Nuôi mặn lợ: 2.099 ha, Nuôi lồng bè: 225 cái (167 lồng, 58 bè); chòi canh (nuôi ngao và nuôi lồng bè) 132 cái. Tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con phương án ứng phó, riêng những diện tích có thể thu hoạch thì khẩn trương xử lý dứt điểm.
Thiếu kinh phí
Nhiều hạng mục công trình, cơ sở hạ tầng của Hà Tĩnh nhìn chung còn thiếu và yếu, đặc biệt là tình trạng xuống cấp ở một số hệ thống đê điều, hồ đập, giao thông. Điều đáng nói, mặc dù trận thiên tai lịch sử năm 2020 đã qua cả năm trời nhưng tác động đến đời sống dân sinh vẫn âm ỉ không thôi, để sớm phục hồi đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị, đề xuất Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai một số nội dung mang tính then chốt, cụ thể như sau:
Nhiều công trình thủy lợi tại Hà Tĩnh đã xuống cấp trầm trọng nhưng không có kinh phí để nâng cấp hoặc làm mới. Ảnh: Gia Hưng.
Thứ nhất, đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ; cho bổ sung hạng mục nâng cấp tuyến đê Đồng Môn và đê Trung Linh bao quanh thành phố Hà Tĩnh, mục đích là đảm bảo chống lũ của khu vực thành phố.
Hai là hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng hồ chứa nước Vũ Môn (Trại Dơi), thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê với dung tích 200 triệu m3 nhằm bổ sung nguồn nước cho hệ thống sông Tiêm, đồng thời gia tăng khả năng giảm lũ cho vùng Hương Khê. Dự kiến kinh phí khoảng 400 tỷ đồng.
Thứ ba, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 70km đê biển, đê cửa sông chưa được đầu tư nâng cấp, chưa kể 57 công trình hồ, đập bị xuống cấp, đối diện nguy cơ mất an toàn cao. Xét thấy nhu cầu bức thiết, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Ngân sách trung ương, hoặc các nguồn vốn ODA để giúp địa phương sớm đầu tư, khôi phục và nâng cấp các công trình.
Trên thực tế, Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch về việc xây dựng Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, kinh phí dự kiến 250 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn lực của tỉnh có hạn nên không thể tự đứng ra cáng đáng, do đó kiến nghị Bộ có phương án giúp đỡ nhằm sớm xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm…
Sau khi kiểm tra diễn biến thực tế tại điểm đê biển Hội Thống, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ, cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân); khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Sót (Lộc Hà); quy trình vận hành hồ Bộc Nguyên, hồ Kẻ Gỗ, nhà cộng đồng tránh trú bão và quá trình xây dựng NTM tại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định các địa phương tại Hà Tĩnh đã có sự chủ động cần thiết trong công tác ứng phó với mưa bão. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng sẽ gây mưa lớn, vì vậy phải tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trước diễn biến bất thường có thể xảy đến, Hà Tĩnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, chú ý nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết mới". |
Nguồn: nongnghiep.vn