2021.10.15 - 1877 lượt xem
Tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.400 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có nhiều hồ chứa nước được xây dựng trên 20 năm cần được sửa chữa và nâng cấp.
Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp chưa có tiền sửa chữa
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.400 công trình thủy lợi, trong đó có 34 hồ chứa nước, còn lại là các đập, hệ thống kênh mương, trạm bơm nhỏ để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20.000ha diện tích đất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã rà soát 29 hồ thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 5 công trình hồ thủy lợi lớn, 9 công trình vừa và 15 công trình nhỏ.
Cơ bản các công trình hồ thủy lợi lớn và vừa đang hoạt động tốt, không bị thấm nước qua thân đập, đảm bảo lượng nước tưới tiêu phục vụ bà con sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng trên 20 năm, thậm chí là được xây cách đây đã 60 năm, xuất hiện tình trạng mất an toàn. Có 9 công trình hư hỏng, có 4 hồ bị sạt lở mái đập, trượt mái thượng lưu và hạ lưu; 3 hồ xuất hiện thân đập bị thấm nước gây mất an toàn cao.
Hồ thủy lợi Thanh Vân, huyện Chợ Mới. Ảnh: Toán Nguyễn.
Theo đề xuất của ông Hà Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, để đảm bảo vận hành hồ, đập thủy lợi an toàn, cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá khả năng năng thoát lũ của vùng hạ du các hồ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các hồ thủy lợi đã phát hiện mất an toàn nói trên, cơ quan chức chuyên môn phải khẩn trương xây dựng phương án khắc phục hư hỏng, chú trọng công tác bảo dưỡng các thiết bị và chuẩn bị sẵn các nguồn điện vận hành dự phòng. Đặc biệt cần chuẩn bị sẵn các trang thiết bị ứng phó với sự cố.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để các công trình hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp thì cần một số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng, tỉnh Bắc Kạn đã đề xuất với các cơ quan Trung ương hỗ trợ đầu tư về tài chính xử lý. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn hồ đập, mà qua đó góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân các vùng được hưởng lợi.
Ứng phó với nguy cơ mất an toàn hồ, đập
Số lượng hồ thủy lợi lớn và vừa chiếm chưa tới 50%, còn phần lớn các hồ chứa nước tại tỉnh Bắc Kạn có quy mô nhỏ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn trong những năm gần đây, nhất là đối với địa hình miền núi, lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa mỏng, hạn chế về năng lực và chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp nên nhiều hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố mất an toàn cao.
Công tác kiểm tra an toàn hồ đập được thực hiện thường xuyên. Ảnh: Toán Nguyễn.
UBND tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm tới vấn đề này, vì vậy đã có nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với các sự cố mất an toàn hồ, đập thủy lợi xảy ra. Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ công tác ứng phó. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát an toàn công trình đập, hồ chứa để cập nhật tình hình thực tế để kịp thời phát hiện sự cố bất thường để dự báo, cảnh báo sự cố và triển khai biện pháp ứng phó.
Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố vỡ hồ, đập thông qua các chương trình tập huấn diễn tập thường xuyên để nâng cao năng lực cho tất cả các cấp từ tỉnh tới huyện, xã. Tỉnh Bắc Kạn giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Đưa ra các kịch bản cụ thể có thể xảy ra để có các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời, không bị lúng túng và sẵn sàng đưa người đến nơi trú ẩn an toàn nếu có thảm họa xảy ra.
Do đặc điểm là tỉnh miền núi, nên Bắc Kạn thường xuyên xảy ra các vụ việc thiên tai như mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất… đe dọa mất an toàn hồ. Nhưng nhờ việc chủ động ứng phó với thiên tai, nên những năm gần đây địa phương này hầu như không còn xuất hiện các vụ việc đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng diễn ra. |
Nguồn: nongnghiep.vn