Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước

2021.10.06 - 1566 lượt xem

Do tầm quan trọng quyết định sinh kế và ổn định cuộc sống của người dân, góp phần phát triển bền vững của đất nước, nên việc bảo đảm an ninh nguồn nước (ANNN) - một loại hình an ninh phi truyền thống được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chỉ đạo việc bảo đảm ANNN, đồng thời bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này. Tuy nhiên, thực tế do cả chủ quan và khách quan, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến ANNN.

Từ những cánh đồng “khát”…

Xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vốn là vùng nổi tiếng trồng cây hành tím, nho, táo, cỏ chăn nuôi gia súc, nhưng nhiều tháng qua, nông dân nơi đây rất vất vả vì thiếu nước tưới. Trong khi đó, hồ Ông Kinh cạn trơ đáy, người dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng ngay giữa lòng hồ khô cạn từ 30 -100 m để tìm nước tưới cho cây trồng.

Nhiều nông dân mất trắng khi khoan giếng nhưng không có nước. Các hộ tìm được ít mạch nước ngầm thì phải đặt máy bơm lắp ống dẫn nước hàng km để đưa nước về tưới, nhưng cũng chỉ để cứu cánh tạm thời trong mùa vụ đang sản xuất giữa chừng.

“Tôi trồng 7 sào hành tím trong vụ này, bỏ ra mấy chục triệu khoan giếng giữa lòng hồ Ông Kinh nhưng nguồn nước ngầm rất ít, chỉ tưới tạm thời đến đâu hay đến đó. Thiếu nước tưới thì mùa này coi như bị mất trắng.” Ông Trương Tua - Nông dân tại thôn Mỹ Tường 1 chia sẻ

Gần đó, nông dân Nguyễn Hùng cũng trồng 5 sào hành tím, giờ thiếu nước tưới cũng khó tránh khỏi cảnh mất trắng và nợ nần. Anh Hùng chia sẻ: "Tôi đầu tư cả trăm triệu đồng để sản xuất, nhưng giờ ngao ngán lắm, không biết phải làm thế nào để có tiền trả nợ cho các điểm bán phân bón, giống…"

Những tháng mùa khô, các tỉnh Nam Trung Bộ lượng mưa rất thấp; đặc biệt có nơi 3 đến 4 tháng đầu mùa khô không có mưa, tổng lượng mưa ở những khu vực này thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40-70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng.

Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra những đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt tại một số địa phương đã phải công bố cấp độ rủi ro hạn hán cấp độ 2-3. Nhiều hồ chứa nước trong khu vực xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mùa khô 2020 - 2021, có trên 82 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 46.000 ha cây trồng phải bỏ vụ để ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi.

…đến những mái nhà ngập nước

Năm 2020, hàng chục cơn bão liên tiếp, gây ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng, sạt lở đất tồi tệ và thảm khốc nhất trong nhiều năm trở lại đây, là những gì xảy ra tại một số tỉnh miền trung.

Do đặc thù điều kiện tự nhiên, chúng ta phải thường xuyên đối mặt với các thiệt hại và rủi ro thiên tai nghiêm trọng liên quan đến nước, xu thế ngày một cực đoan, bất thường, với hầu hết các loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, cháy rừng... đã, đang và sẽ là những thách thức khách quan lớn bên cạnh những yếu tố chủ quan cho vấn đề an ninh nước hiện nay.

Ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng…

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, tỷ lệ nước thải sinh hoạt chiếm trên 30%, tỷ lệ được thu gom và xử lý ở mức thấp (TP Hà Nội 20,62%, TP Hồ Chí Minh 13%). Nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ như hộ gia đình không được đầu tư hệ thống xử lý, nước thải từ các làng nghề hầu như không được xử lý, đổ trực tiếp ra hệ thống sông, kênh mương.

Hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất thải chăn nuôi cũng là nguồn gây ô nhiễm. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt khoảng 86% tại đô thị, khoảng 40-55% tại khu vực nông thôn. Chất thải rắn không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước kênh, sông, tắc nghẽn dòng chảy.

Chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số vùng trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với nhiễm mặn và ô nhiễm, phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Ngoài ra, hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và Amoni trong nước dưới đất đã ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn. Ô nhiễm các dòng sông do sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một thời gian dài cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm ngày càng trầm trọng.

Đề án ANNN và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội quyết định vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Rủi ro an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng…

Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố đập, hồ thủy lợi, 14 sự cố hồ thủy điện.

Nguyên nhân sự cố do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; năng lực của đơn vị quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện, kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được ẩn họa trong đập.

Các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đã được xây dựng và bước đầu thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí thực hiện, tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ. Nhân lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi từ cấp tỉnh đến tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn mỏng, thiếu năng lực chuyên môn nên hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ hoặc tham mưu chỉ đạo chưa cao.

Phụ thuộc các quốc gia thượng nguồn

Nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ nước ta chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chảy vào chiếm tới 63%. Nguồn nước ngoại sinh này nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của chúng ta, phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ của các quốc gia thượng nguồn. Các quốc gia thượng nguồn các sông quốc tế có xu hướng tăng cường đầu tư, khai thác nguồn nước cho các mục đích phát triển thủy điện, cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong và ngoài lưu vực, cùng với những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANNN của nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.

Ở Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý Nhà nước về thủy lợi, phòng chống thiên tai, nước sạch nông thôn; Bộ Công thương thực hiện phát triển các công trình thủy điện; Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý về đường thủy nội địa; Bộ Xây dựng quản lý nước sinh hoạt, thoát nước đô thị; Bộ Y tế quản lý về chất lượng nước sinh hoạt… dẫn đến có sự đan xen, thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc cụ thể, đặc biệt ở địa phương… Trong khi pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về an ninh nước, còn thiếu khung pháp lý được xây dựng theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành cho ANNN, mặc dù nội hàm và trách nhiệm về quản lý an ninh nước đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Một số quy định vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất. Chưa có định hướng, mục tiêu chung trong quản lý an ninh nước.

Trong khi đó hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa an ninh nước vào nhóm vấn đề ưu tiên trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và lưu vực sông.

“Thời điểm hiện tại, nhiều vùng, địa bàn đã không cân đối được nguồn nước cấp sinh hoạt cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nội hàm của an ninh nguồn nước bao trùm lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, phải được giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài”

 - GS, TS Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT

Giải pháp cần tôn trọng quy luật tự nhiên

Bảo đảm an ninh nước và an toàn đập, hồ chứa nước là yêu cầu tất yếu khách quan, là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp, hành động cụ thể, trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, lấy tài nguyên nước là cốt lõi, kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình, trong đó kết cấu hạ tầng về nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt; gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế, kết hợp hài hòa lợi ích, bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; công bằng, hợp lý.

Mưa lớn gây ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Song song đó, đẩy mạnh ngoại giao về nước với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam và các đối tác quốc tế khác thông qua đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng và khai thác bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó với thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm bảo đảm và đáp ứng các yêu cầu về nước cho con người, cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan liên quan đến nước là những yêu cầu và giải pháp cấp bách hiện nay.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng nước bình quân đầu người của thế giới đang suy giảm nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, nếu vào năm 1962, lượng nước bình quân đầu người của thế giới ở mức 14.000 m3, đã giảm xuống 6.000 m3 vào năm 2017.

Ngay tại các quốc gia phát triển như nước Mỹ, nhiều dòng sông không còn đủ khả năng cung cấp nước ngọt cho các thành phố, vùng canh tác nông nghiệp, mực nước ngầm đang ngày càng bị hạ thấp.

Khu vực Trung Đông, trong điều kiện không xảy ra hạn hán, lượng mưa ở mức bình thường, tình trạng khan hiếm nước ngọt vẫn gia tăng ở nhiều quốc gia.

Khu vực Nam Á luôn thường trực tình trạng mất an ninh nước, điển hình như tại các quốc gia Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan, Bangladesh. Bùng nổ dân số và gia tăng các hoạt động phát triển tại các quốc gia thuộc tiểu vùng lưu vực sông Mê Công đang tác động lớn đến môi trường và hệ sinh thái nước.

Thái Lan, với tốc độ tăng dân số từ 49 triệu người (năm 2008) lên 69,43 triệu người (năm 2018), dẫn đến nhu cầu nước tăng hơn 217% trong vòng 10 năm, từ 70 tỷ m3 (2008), lên 152 tỷ m3 (2018).

Trung Quốc, quốc gia sở hữu 7% lượng nước ngọt toàn cầu, có tới 300 thành phố lớn đang ở trong tình trạng thiếu nước.

Kết quả đánh giá cho thấy, có hơn 1/3 số quốc gia trên thế giới đang bị thiếu nước, ước tính đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước tuyệt đối. Dự báo đến năm 2050, để duy trì sự sống cho 9 tỷ người, cần tăng 60% sản lượng nông nghiệp, tương ứng cần tăng 15% nhu cầu về nước.

Nguồn: nhandan.vn