Tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa: Lo nước tưới vẫn phải đảm bảo an toàn hồ chứa

2021.08.16 - 1788 lượt xem

Tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đang nỗ lực đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp, đồng thời lên phương án kiểm tra, sửa chữa an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.

Chuẩn bị nước tưới vụ hè thu

Vụ hè thu năm nay, các công trình thủy lợi do Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý, phục vụ tưới với tổng diện tích 18.362 ha, trong đó 17.655 ha lúa và 707 cây màu.

Công ty Thủy nông Đồng Cam đang nỗ lực cấp nước vụ hè thu. Ảnh: K.S.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, thời gian qua tình hình thời tiết nắng nóng bất thường, nguồn nước đến các công trình thủy lợi suy giảm không đủ cung cấp tưới tự chảy. Trong khi đó hệ thống thủy nông Đồng Cam nguồn nước đến phụ thuộc vào lưu lượng phát điện của nhà máy thủy điện Sông Hinh và sông Ba Hạ. Nhưng trong thời gian qua lưu lượng phát điện của 2 nhà máy này không đảm bảo  yêu cầu.

Trước tình hình bất lợi về nguồn nước phục vụ sản xuất đầu vụ hè Thu, Công ty đã phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Đồng thời, Công ty triển khai lắp đặt vận hành các trạm bơm chống hạn dã chiến đảm bảo công tác cấp nước tưới cho diện tích sản xuất. Đến nay 30 trạm bơm chống hạn đã được Công ty lắp đặt, với 55 máy bơm gồm máy bơm dầu, bơm điện. Hiện tổng số giờ bơm chống hạn khoảng 10.000 giờ.

Đang mùa gió Tây Nam mạnh, thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp, làm cho lượng nước bốc hơi lớn. Trong khi cây lúa làm đòng và trỗ - thời kỳ cần nước cao nhất đang gây ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng. Vì vậy, Công ty đã cho vận hành 100% công suất toàn bộ các trạm bơm chống hạn trong hệ thống tưới nhằm đảm bảo phục vụ tưới đạt yêu cầu 100% diện tích sản xuất.

Còn theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, vụ hè thu năm nay phục vụ sản xuất tưới hơn 14.213 ha, trong đó hơn 203 ha sẽ phục vụ sản xuất muộn. Diện tích tạm dừng sản xuất do thiếu nước trong vụ hè thu hơn 953 ha. Công ty đã thông báo đến địa phương khoanh vùng diện tích không sản xuất từ đầu vụ.

Các hồ chứa ở Khánh Hòa hiện đảm bảo nguồn nước được khoanh vùng sản xuất. Ảnh: K.S.

Bên cạnh đó, để đảm bảo phục vụ tưới cho diện tích sản xuất, Công ty đã chỉ đạo các Chi nhánh, Văn phòng đại diện tăng cường công tác quản lý điều tiết nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, khoa học không lãng phí nguồn nước. Đồng thời tiến hành nạo vét bồi lắng lòng kênh, phát dọn thông kênh đảm bảo điều tiết nhanh, hợp lý.

Đối với các công trình khoanh vùng sản xuất có khả năng thiếu nước tưới, Công ty áp dụng biện pháp điều tiết nước tưới luân phiên. Vào cuối vụ nếu thời tiết nắng nóng không có mưa bổ sung, Công ty đã làm việc thống nhất với các đơn vị dùng nước để có kế hoạch bơm chống hạn từ lòng hồ chứa nước, sông, suối …

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, căn cứ tình hình nguồn nước hiện tại của các hồ chứa và đập dâng cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích đã khoanh vùng sản xuất.

Hồ đập xuống cấp

Theo Chi cục Thủy lợi Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 50 công trình hồ chứa thủy lợi, trong đó 3 hồ có dung tích lớn hơn 10 triệu m3; 1 hồ có dung tích từ 5-10 triệu m3; 9 hồ có dung tích từ 1-5 triệu m3 và 37 hồ có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3. Điều đáng nói phần lớn các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng sau năm 1980 bằng nhiều nguồn vốn nên mức độ hoàn chỉnh và chất lượng thi công của các hồ chứa nước khác nhau.

Hạ lưu hồ Suối Vực (Phú Yên) sụt lún. Ảnh: K.S.

Đặc biệt, qua nhiều năm vận hành, khai thác thường bị lũ lụt làm cho một số hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, làm giảm dung tích trữ của hồ, không đảm bảo như thiết kế ban đầu. Nhất là các hồ chứa nước do các nông trường cà phê xây dựng tạo nguồn để bơm tưới, thường là tràn trên nền đất, đá tự nhiên, không có cống lấy nước.

Trong những năm qua bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư nâng cấp sửa chữa một số công trình hồ chứa mang tính cấp bách, xung yếu gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Đối với 7 hồ chứa gồm Đồng Tròn, Phú Xuân, Suối Vực, Xuân Bình, Kỳ Châu, Hóc Răm, Lỗ Ân do Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý đã đưa vào khai thác từ 7 đến 25 năm.

Theo Công ty này, hiện một số hạnh mục công trình đầu mối; hệ thống kênh tưới của hồ chứa đã bị hư hỏng xuống cấp. Mặc dù những năm qua Công ty đều bố trí kinh phí sửa chữa, song do nguồn kinh phí hàng năm hạn hẹp nên việc sửa chữa mang tính chắp vá, chủ yếu xử lý các sự cố hư hỏng nặng để đảm bảo cho việc vận hành công trình.

Tương tự, theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, một số hồ chứa nước như Suối Luồng, Suối Lớn, Cây Bứa, Am Chúa, Láng Nhớt, Cây Sung…xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 40 năm nên lòng hồ bị bùn cát bồi lắng làm giảm dung tích trữ nước so với thiết kế. Do đó cần đầu tư kinh phí tiến hành khảo sát, đo đạc, kiểm kê, đánh giá nguồn nước tại các hồ chứa để làm cơ sở thực hiện các nội dung khác tại Nghị định 114 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa như: rà soát điều chỉnh quy trình vận hành; kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi…

Đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão

Ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Yên, cho biết, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 7 ngày 22/4/2021, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các tình huống (bão, lũ lụt, vỡ đập hồ chứa, khẩn cấp…) cho công trình và vùng hạ du đập.

Đập hồ Lỗ Ân (Phú Yên) xuống cấp.

Bên cạnh đó tập trung xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, rà soát đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các huyện, thị xã, thành phố.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình thuỷ lợi do địa phương, đơn vị mình quản lý, phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn có khả năng làm hư hỏng, gây mất ổn định công trình trong mùa mưa bão. Từ đó phải kịp thời xử lý, khắc phục ngay, các công trình có nhiệm vụ phòng chống thiên tai như: hồ chứa nước, đập dâng, đê, kè, công trình tiêu thoát lũ…

Về phía Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã triển khai công tác phòng, chống thiên tai tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý. Trong đó, Công ty đã tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2021, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban chỉ huy. Công ty cơ bản đã bố trí lực lượng có đủ năng lực chuyên môn tham gia quản lý, vận hành các công trình đáp ứng theo quy định của Nghị định 67 của Chính phủ. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, dụng cụ lao động, thiết bị dự phòng tại các hồ trọng điểm theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống .

Bên cạnh đó, Công ty đã gửi phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ năm 2021 (có các tình huống ứng phó tình huống khẩn cấp) đối với các đập, hồ chứa nước cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các địa phương vùng hạ du. Cũng như xây dựng quy chế phối hợp giữa Công ty với các địa phương trong công tác phòng chống lụt bão, hạn chế ảnh hưởng ngập lụt vùng hạ du.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, tỉnh Phú Yên nằm ở vùng Duyên hải miền Trung, thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai bão, lũ lụt gây ra. Trong khi đó điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, đó đó mong muốn Chính phủ, Bộ, ngành, Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp và các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, xây dựng và các công trình khác bị thiệt hại do ảnh hưởng bão, lũ lụt. Đồng thời, sớm triển khai các dự án đã được phê duyệt và đầu tư công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương để đảm bảo nước cho sản xuất hạn chế hư hỏng trong mùa mưa lũ.

Nguồn: nongnghiep.vn