Cần hơn 600.000 tỷ đồng đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa

2021.08.16 - 1357 lượt xem

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước phải gắn với an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và cơ cấu kinh tế - xã hội.

Đảm bảo chủ động nguồn nước trong mọi tình huống

Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã họp bàn với các đơn vị liên quan để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ về dự thảo Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trước tiên chúng ta cần phải xác định rõ quan điểm tiếp cận, phạm vi triển khai và kết quả đạt được của Đề án.

Về quan điểm tiếp cận, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Đề án An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước là một giải pháp tổng thể, bao gồm cả phần “cứng” và phần “mềm”, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó cốt lõi là đảm bảo sự chủ động trong quản lý nguồn nước.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Minh Phúc.

“An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước phải gắn với an ninh quốc gia, biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Đồng thời phải gắn với cơ cấu kinh tế - xã hội”, ông nhấn mạnh.

Muốn làm được điều đó, cần phải đảm bảo đủ nguồn lực để giải quyết, đặc biệt là an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Qua đó đảm bảo chủ động nguồn nước trong mọi tình huống.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý, nguồn nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo, bên cạnh đó, chúng ta tận dụng tối đa, hợp lý và có hiệu quả nguồn nước ngoại sinh.

Theo dự thảo Đề án, mục tiêu đến năm 2030, chúng ta phấn đấu ứng dụng vào thực tiễn các giải pháp khoa học công nghệ nhằm quản lý nước thông minh trên nền tảng công nghệ số, vận hành an toàn công trình, kiểm soát sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai liên quan đến nước. 

Đồng thời, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước, liên kết nguồn nước các lưu vực sông lớn đảm bảo tích trữ, cân đối, điều hòa nguồn nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Nhiều chỉ tiêu cụ thể của Đề án Bảo đảm An ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được lượng hóa. Điển hình như: 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; đảm bảo cấp đủ nước cho công nghiệp; có giải pháp tái sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả;

30% diện tích trồng lúa và cây trồng cạn được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước. Chủ động đủ nguồn nước có chất lượng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hoạt động kinh tế biển.

Công trường thi công Dự án cống Cái Lớn - Cái Bé (ảnh chụp tháng 4/2020). Ảnh: Đinh Tùng.

50%  tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trong đó ít nhất 20% nước thải sau xử lý được tái sử dụng; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất; 80% tổng lượng nước thải các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý; trên 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có giải pháp tái sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mục tiêu đến năm 2030, chúng ta sẽ phấn đấu 100% đập, hồ chứa nước lớn, hồ chứa có cửa van điều tiết lũ được hiện đại hoá công tác quản lý khai thác và nâng mức bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng 42% đến 43%, diện tích rừng tự nhiên khoảng 10,4 triệu ha, trong đó 20% được nâng cao chất lượng tạo nguồn sinh thủy, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Xác định cả giải pháp “cứng” và “mềm”

Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ), góp ý: “Đề án Bảo đảm An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập, hồ chứa nước cần xác định cả các giải pháp “cứng” và giải pháp “mềm”. Bởi có những thứ tiền ít chúng ta vẫn thực hiện được. Điển hình như giải pháp chuyển đổi sản xuất theo hướng “xoay trục” sản phẩm chủ lực các tỉnh đã triển khai mạnh mẽ trong những năm qua”.

Những vùng khô hạn, thiếu nước, chúng ta phải chuyển đổi trồng lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi, công trình kiểm soát nguồn nước. Đây là vấn đề chúng ta còn yếu.

“Hiện nay xảy ra một câu chuyện, mùa mưa thì chúng ta có rất nhiều nước nhưng hầu như hết mưa là hết nước. Vậy giải pháp là gì? Cần phải tăng cường các công trình trữ nước để chủ động nguồn nước hay không? Như ở miền Nam, việc xây hồ trữ nước ở đồng bằng có phù hợp hay không? Hoặc cần đầu tư các hệ thống công trình chuyển nước, liên thông hồ chứa,… tất cả các vấn đề đó cần được nêu rõ trong Đề án và đưa ra hướng giải quyết”, ông Tuynh nói.

Cũng theo ông Tuynh, Bộ NN-PTNT cần xin ý kiến Chính phủ về kết quả cuối cùng của Đề án này là gì? Nó không phải chỉ là một Nghị quyết của Quốc hội. Nếu không phải là một Chương trình Mục tiêu Quốc gia thì có thể là một Chương trình đầu tư công riêng được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội để Chính phủ triển khai thực hiện Đề án một cách hiệu quả, tránh tình trạng “Đề án bị nằm trôi” vì không có nguồn lực triển khai thực hiện.

Theo ông Đào Quang Tuynh (phải), đề án Bảo đảm An ninh nguồn nước và An toàn hồ đập, hồ chứa nước cần xác định cả các giải pháp “cứng” và giải pháp “mềm”. Ảnh: Minh Phúc,

Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho rằng: “Muốn chủ động nguồn nước, chúng ta không thể giống như nhiều nước khác đã có hệ thống công trình khá hoàn thiện rồi, họ chỉ việc quản lý điều hành sao cho phù hợp. Chúng ta rất cần nâng cao năng lực của các công trình để điều hòa nguồn nước. Trong khi đó, các giải pháp chúng ta đưa ra rất mờ nhạt về câu chuyện đầu tư xây dựng các công trình này.

Trong chiến lược phát triển thủy lợi cũng đã nói rất rõ đến năm 2030, chúng ta đảm bảo cấp nước cho 75% diện tích cây trồng cạn và đến năm 2050 đảm bảo cấp nước cho 100% diện tích cây trồng cạn. Trong khi đó, Đông Nam bộ có khoảng 700.000ha cây trồng cạn có nhu cầu tưới nhưng năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi hiện nay mới đảm bảo được 152.000ha (tương đương khoảng 20%), còn lại 80% chủ yếu là nhờ trời.

“Nếu không tiếp tục đầu tư xây dựng thì không thể hoàn thành được mục tiêu đã đề ra”, ông Dũng nói.

Theo dự thảo Đề án Bảo đảm An ninh nguồn nước, An toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2045, dự kiến cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng đến năm 2030.

Các giải pháp thực hiện chính bao gồm 11 nhóm, đó là: hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; bảo đảm chất lượng môi trường nước; chủ động cấp, tưới tiêu, thoát nước; đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước; phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến; hợp tác quốc tế để thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước; truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.

Mục tiêu đến năm 2045

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong quản lý, khai thác, sử dụng nước phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.

Hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông. Hình thành mạng lưới liên kết, chuyển nước vùng, quốc gia, vận hành trên nền tảng công nghệ số, chủ động nguồn nước nội sinh, giảm phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ.

100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 70% diện tích trồng lúa và cây trồng cạn được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước.

Cơ bản các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi; các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước.

Chủ động, ứng phó kịp thời với mọi thảm họa, thiên tai do nước gây ra. Nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực.

Nguồn: nongnghiep.vn