Phân rõ trách nhiệm địa phương trong giữ an toàn hồ, đập

2021.07.23 - 1548 lượt xem

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan là mệnh lệnh mà chúng ta phải thực hiện bằng được.

Ngày (22/7), Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đến nay cả nước đã xây dựng được hệ thống hạ tầng thủy lợi khá đầy đủ với 6.750 hồ chứa và 592 đập dâng thủy lợi, với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp nước cho dân sinh và công nghiệp.

Nhà nước đồng thời cũng đã đầu tư, sửa chữa đảm bảo an toàn cho nhiều đập, hồ chứa thủy lợi bằng các nguồn vốn khác nhau. Trong đó, triển khai dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đến nay đã có 198 hồ đã và đang được nâng cấp và sửa chữa. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 1.100 hồ chứa vừa và  nhỏ được xây dựng cách đây từ 30 đến 40 năm, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật thấp, quá trình khai thác sử dụng không được bảo trì nên đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu khả năng chống lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cần được sửa chữa.

 Các đại biểu cho rằng, để ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu, ngoài chú trọng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, cần thiết phải tăng cường quản lý đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước từ giai đoạn xây dựng đến giai đoạn khai thác sử dụng, đặc biệt là công tác chỉ đạo vận hành an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lưu ý, tại các vùng đã vào mùa mưa bão, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực tế an toàn đập trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh nêu rõ: “Hiện nay phân cấp hồ đập nhỏ giao cho tổ chức thủy lợi cơ sở, còn đối với hồ chứa vừa trở lên nguyên tắc là giao cho công ty. Đề nghị địa phương nào có công ty thì yêu cầu bàn giao lại công ty quản lý, những địa phương nào chưa có công ty có thể tìm 1 đơn vị đủ năng lực chuyên môn để bàn giao.”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Hùng Cường, Chủ nhiệm dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) nêu ý kiến, việc chuyển giao phân cấp trong quản lý hồ chứa phải mang lại hiệu quả tốt hơn, tránh trường hợp đang làm tốt nhưng khi chuyển giao lại không đáp ứng yêu cầu. “Việc phân cấp quản lý công trình hồ đập đã được thể chế hóa, luật hóa, tuy nhiên về phía Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thuỷ lợi cũng cần xây dựng lộ trình và hướng dẫn để các địa phương làm căn cứ triển khai. Phải có đánh giá những tồn tại, vướng mắc và đưa ra giải pháp để địa phương căn cứ và áp dụng vào tình hình cụ thể mới có thể chuyển đổi hiệu quả”, ông Cường nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong năm nay Quốc hội sẽ xem xét thông qua Đề án về an ninh nguồn nước. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn để không chỉ Trung ương mà các địa phương cũng có nguồn lực phân bổ để đảm bảo an toàn các hồ chứa. Vì vậy, cần rà soát một cách tổng thể, sửa đổi một số nghị định, thông tư liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước để đưa luật vào cuộc sống. Tổng cục Thủy lợi có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương về các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc xác định trách nhiệm trong quản lý vận hành đảm bảo an toàn hồ đập đều đã quy định trong luật, nghị định và các văn bản khác. Về nguyên tắc, Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp quản lý 4 hồ quan trọng đặc biệt của quốc gia gồm: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng, Ngàn Trươi. Đối với 9 hồ liên tỉnh, Bộ sẽ ủy quyền cho các địa phương. Sắp tới khi sửa đổi thông tư, Bộ sẽ phân định rõ trách nhiệm của địa phương đến đâu khi được bàn giao và trách nhiệm của Bộ khi ủy quyền. Đồng thời, Bộ sẽ phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư cho 9 hồ liên tỉnh này. Đối với các hồ còn lại, địa phương phải có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ: “Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan là mệnh lệnh mà chúng ta phải thực hiện bằng được”.

Hội thảo trực tuyến về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập  - Ảnh:VGP/Đỗ  Hương

Nguồn: www.chinhphu.vn