2021.07.08 - 1669 lượt xem
Trên địa bàn tỉnh hiện có hệ thống hồ, đập khá lớn (với 260 hồ chứa nước và 529 đập dâng). Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình hồ chứa nhỏ đã bị xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Công trình hồ Thâm Quang, ở xã Hợp Thành (Phú Lương) hiện đang cung cấp nước tưới cho 40ha lúa của bà con 2 xóm Tiến Bộ và Bo Chè. Tuy nhiên, do đã qua nhiều năm sử dụng mà không được gia cố, sửa chữa thường xuyên nên hiện nay nhiều hạng mục của hồ đã bị hư hỏng, như: Van điều tiết cống lấy nước dưới đập là van xiên, đã bị hỏng một phần; tràn xả lũ bị vùi lấp; đường quản lý chưa được kiên cố…
Trao đổi với chúng tôi, anh Ma Đình Bộ, Phó trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi huyện Phú Lương thông tin: Không chỉ riêng hồ Thâm Quang mà một số hồ khác trên địa bàn huyện cũng đang xuống cấp nghiệm trọng. Đơn cử như hồ Chín Tầng, xã Động Đạt, mái hạ lưu đập bên bờ tả bị thấm nước; trên kênh chính chưa có van điều tiết, gây khó khăn trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất. Hay tại hồ Nậm Dất, xã Yên Trạch, tràn xả lũ đã bị rò rỉ, van điều tiết cống lấy nước dưới đập bị hỏng nên không vận hành đóng mở được; đường quản lý cũng chưa được kiên cố…
Tại huyện Định Hóa cũng có 2 hồ nằm trong nguy cơ mất an toàn. Đó là hồ Bó Vàng, xã Thanh Định đã xuất hiện mạch sủi, mạch đùn vùng hạ lưu; taluy 2 bên tràn xả lũ bị sạt lở đất với khối lượng khoảng 21m3. Đối với hồ Thẩm Ngược, xã Tân Dương, đập đất bị thấm với diện tích khoảng 300m2; cống lấy nước bị hỏng, không bảo đảm điều tiết nước; tràn xả lũ bằng đất đã bị vùi lấp khá nhiều, không bảo đảm thoát lũ. Còn tại huyện Phú Bình, hồ La Đao ở xã Tân Kim, có đập đất, mái thượng lưu, mái hạ lưu sạt lở nhiều phần; cống lấy nước xuống cấp, rò rỉ không bảo đảm vận hành phục vụ sản xuất. Đập Quyết Tiến, xã Tân Kim, mái thượng lưu, mái hạ lưu đều bị sạt lở, không bảo đảm tích nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Công trình hồ Thâm Quang, ở xã Hợp Thành (Phú Lương) hiện đang bị xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa, gia cố để bảo đảm an toàn.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, đa phần là đập đất, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, đa phần các công trình nhỏ được giao cho địa phương quản lý. Địa phương lại giao cho hợp tác xã, nhóm hợp tác chưa có kiến thức, kinh nghiệm vận hành, khai thác hồ, đập quản lý. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình thuỷ lợi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập. Đặc biệt, việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập vẫn được thực hiện chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát, theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.
Trước thực trạng trên, trước mùa mưa bão, Chi cục Thủy lợi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng; yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa và lập phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Dựa trên kết quả kiểm tra, chúng tôi lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục. Trong năm 2021, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tài trợ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế, đã có một số hồ chứa lớn trên được đầu tư sửa chữa như: Hồ Suối Lạnh, xã Thành Công và hồ Núi Trẽ, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên); hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (T.P Sông Công)...
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị được giao quản lý 195 công trình lớn trên địa bàn cũng đã tổ chức đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa bão. Chị Dương Thị Phương Liên, Phó Giám đốc Công ty cho hay: Qua kiểm tra cho thấy, một số công trình đang bị hư hỏng phần đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, sân tiêu năng, hệ thống kênh mương... Bên cạnh đó, các thiết bị cơ khí do lâu ngày đã bị ô-xi hóa, han gỉ, thủng, cần được đầu tư sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn. Trong thời gian tới, Công ty đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện về kinh phí để tiến hành sửa chữa, cải tạo kịp thời các công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn và cấp nước cho sản xuất. Về phía Công ty cũng đã chủ động dự trữ các loại vật tư như: Bao tải, áo phao, phao cứu sinh, xe rùa, đá hộc… để sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Từ thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Bão, lũ, dông lốc, sét, mưa lớn, lũ quét… ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Vì vậy, các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa cần thực hiện theo đúng quy trình đã được duyệt; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình và xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án ứng phó kịp thời.
Nguồn: baothainguyen.vn